1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nghi vấn chất lượng xây dựng đập thủy điện bị vỡ tại Lào

(Dân trí) - Những người dân may mắn sống sót nhưng bị mất nhà cửa hiện vẫn chưa biết số phận người thân của họ ra sao sau khi xảy ra sự cố vỡ đập, trong khi giới chức Lào nghi ngờ chất lượng thi công có thể là nguyên nhân dẫn tới thảm họa khủng khiếp này.

Nước xả ra từ đập vỡ ở Lào đã cuốn trôi nhà cửa và tài sản của người dân sống ở khu vực hạ lưu (Ảnh: Reuters)
Nước xả ra từ đập vỡ ở Lào đã cuốn trôi nhà cửa và tài sản của người dân sống ở khu vực hạ lưu (Ảnh: Reuters)

Tại một trại sơ tán tạm thời được dựng lên trong khuôn viên một trường tiểu học, Bounna Eemchanthavong ngồi nhẩm tính những con số. Tuy nhiên người đàn ông 61 tuổi này vẫn không thể cho ra một kết quả phù hợp.

Khoảng 650 người sống tại ngôi làng hẻo lánh của Eemchanthavong ở phía nam Lào trước khi sự cố vỡ đập xảy ra vào đêm 23/7 khiến ngôi làng này bị tàn phá. Tuy nhiên hiện chỉ có 65 người đang có mặt tại hai trại sơ tán dành cho những người may mắn sống sót. Trong khi đó, giới chức địa phương lại nói với Eemchanthavong rằng chỉ 10 người trong làng ông bị mất tích.

“Tôi không biết con số đó có chính xác không. Chúng tôi chỉ biết chờ thêm thông tin”, Eemchanthavong cho biết.

Tại trại sơ tán gần thành phố Paksong, nam Lào, một phụ nữ 30 tuổi thuộc dân tộc thiểu số Talieng đã nhớ lại khoảnh khắc mất đi người mẹ giữa dòng nước xiết.

“Chồng tôi không thể giữ được mẹ, vì thế bà bị nước cuốn đi”, người phụ nữ tên Phorn cho biết.

Sone Saenkanya, 43 tuổi, cho biết khoảng 40-50 người trong làng ông vẫn đang mất tích.

“Tôi nghĩ tất cả họ đã chết”, Saenkanya nói với đôi mắt đỏ ngầu.

Tại một số khu vực ngập lụt gần đập, nước đã bắt đầu rút, tuy nhiên người dân vẫn chưa thể trở lại cuộc sống bình thường. Tại làng Khom Long, Wanphaeng, 36 tuổi, đã quay trở về cửa hàng tạp hóa của cô sau khi lội qua lớp bùn cao tới đầu gối. Xác trâu bò chết nằm rải rác, còn những con chó đi lang thang tìm thức ăn. Wanphaeng tìm thấy những chai lọ đã vỡ, một số phụ tùng xe bị hỏng và một rổ đựng vài chục quả trứng.

“Đó là tất cả những gì chúng tôi có”, Wanphaeng nói.

Tại nước láng giềng Campuchia, nơi nước tràn ra từ đập ở Lào gây ngập lụt tỉnh Stung Treng, chính quyền địa phương cho biết 1.289 gia đình đã phải đi sơ tán. Trong khi đó, truyền thông nhà nước Campuchia đưa tin số người được sơ tán lên tới 25.000 người.

Xác động vật trôi nổi giữa lớp bùn đỏ sau sự cố vỡ đập (Ảnh: AFP)
Xác động vật trôi nổi giữa lớp bùn đỏ sau sự cố vỡ đập (Ảnh: AFP)

5 ngày sau khi xảy ra sự cố vỡ đập Xe Pian Xe Namnoy, lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực giải cứu những người may mắn sống sót và tìm kiếm thi thể của những người thiệt mạng. Trong khi đó, những người dân bị mất nhà cửa và được đưa tới các trại sơ tán vẫn không chắc chắn rằng liệu những người hàng xóm đang bị mất tích và người thân của họ đã chết hay chưa, hay vẫn còn sống nhưng bị mắc kẹt trên các sườn núi, ngọn cây, mái nhà để chờ giải cứu.

Tâm lý hoang mang càng tăng lên khi số liệu từ các nguồn tin chính thức thường xuyên thay đổi, thậm chí mâu thuẫn với nhau. Vientiane Times, một tờ báo chính thống, ngày 27/7 đưa tin số nạn nhân thiệt mạng chính thức đã “tăng lên” 4 người. Con số này ngược lại hoàn toàn với thông tin do truyền thông nhà nước Lào công bố trước đó là có tổng cộng 27 người chết.

“Rất khó để biết liệu họ đang nói dối hay họ không có đủ năng lực để thống kê”, Ian Baird, chuyên gia về Lào tại Đại học Wisconsin, cho biết, đề cập tới số liệu do giới chức Lào cung cấp.

Hiện quy mô của chiến dịch cứu hộ cũng như tiến trình giải cứu các nạn nhân sau sự cố vỡ đập vẫn rất mơ hồ. Truyền thông nhà nước Lào ban đầu thông báo hơn 6.000 người đã “bị mất nhà cửa”. Liên Hợp Quốc cho biết 1.494 người đã được sơ tán và đưa tới nơi trú ẩn tạm thời.

Nguyên nhân vỡ đập

Những đứa trẻ được đưa tới trại sơ tán sau khi đập vỡ (Ảnh: New York Times)
Những đứa trẻ được đưa tới trại sơ tán sau khi đập vỡ (Ảnh: New York Times)

Đập bị vỡ hôm 23/7 là một trong số những đập thuộc dự án thủy điện với kinh phí hơn một tỷ USD đang được xây dựng tại huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu. Đây là một phần trong chiến lược xây dựng hàng loạt nhà máy thủy điện tại Lào.

Hãng thông tấn Lào đã công bố 2 số liệu khác nhau về lượng nước xả ra khi đập Xe Pian Xe Namnoy bị vỡ, trong đó con số thấp hơn được đưa ra là 0,5 tỷ m3. Công ty điện Xe Pian Xe Namnoy đứng sau dự án này là một công ty liên doanh, gồm hai công ty Hàn Quốc, một công ty Thái Lan và một công ty nhà nước của Lào.

Hiện vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra liên quan tới tốc độ phản ứng của chính phủ Lào sau khi xảy ra sự cố vỡ đập, về chất lượng thi công của các nhà thầu cũng như những nỗ lực để cảnh báo người dân trước khi sự cố xảy ra. Công ty của Hàn Quốc tuần này thừa nhận họ đã biết đập bị nứt một ngày trước khi sự cố xảy ra.

Hôm qua, hãng thông tấn Lào dẫn lời Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Khammany Inthirath cho biết sự cố vỡ đập xảy ra do “không đạt tiêu chuẩn xây dựng”. Bộ trưởng Inthirath nói rằng các công ty xây dựng đập sẽ “không có quyền chối bỏ trách nhiệm với sự cố này”. Chính phủ Lào cũng đã lập một ủy ban đặc biệt để phối hợp cùng các công ty xây dựng nhằm tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới sự cố.

Theo Richard Meehan, người từng tham gia các dự án xây dựng đập và là cựu giáo sư tại Trường Kỹ thuật thuộc Đại học Stanford, nhận định vụ vỡ đập ở Lào có thể do tình trạng bị “xói mòn từ bên trong”. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này có thể xuất phát từ những lỗi thi công như chưa chuẩn bị nền móng vững, xây trát chưa kỹ và thiết kế đập có nguy cơ rủi ro cao.

“Những nguyên nhân trên rất dễ xảy ra đối với một dự án chủ yếu chạy theo lợi nhuận, được xây ở nơi hẻo lánh về địa lý, do nhiều bên quản lý với những mâu thuẫn về lợi ích, thông tin liên lạc kém”, ông Meehan nhận định.

Phối cảnh một trong những đập chính của dự án đập Xe Pian Xe Namnoy tại Lào (Ảnh: PNPC)
Phối cảnh một trong những đập chính của dự án đập Xe Pian Xe Namnoy tại Lào (Ảnh: PNPC)

SK Engineering & Construction, một trong số 2 công ty Hàn Quốc tham gia xây dựng đập tại Lào, cho biết họ sẽ không bình luận về phát ngôn của Bộ trưởng Khammany Inthirath cho tới khi nguyên nhân vụ việc được làm rõ sau một cuộc điều tra chính thức. Công ty này khẳng định sẽ chịu trách nhiệm nếu kết quả điều tra xác định họ là bên mắc lỗi trong vụ việc này.

Công ty Hàn Quốc còn lại, Korea Western Power, cũng không đưa ra bình luận. Công ty này cho biết họ chỉ chịu trách nhiệm vận hành nhà máy điện sau khi dự án được hoàn tất, chứ không tham gia trực tiếp vào quá trình thi công. Trong khi đó, công ty của Thái Lan, Ratchaburi Electricity Generating Holding, từ chối trả lời về việc liệu đập vỡ có phải do công trình không đạt tiêu chuẩn hay không.

International Rivers, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ, quy trách nhiệm cho các nhà chức trách Lào vì đã không giám sát chặt chẽ quá trình thi công đập.

“Nhiều đập đang được xây dựng hoặc chuẩn bị xây dựng không được thiết kế để chống chọi với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt”, tuyên bố của International Rivers cho biết.

Thành Đạt

Theo New York Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm