Hé lộ thỏa thuận hòa bình 15 điểm tháo ngòi xung đột Nga - Ukraine
(Dân trí) - Financial Times đưa tin Ukraine và Nga đã tiến hành các bước nhằm hướng tới "kế hoạch hòa bình 15 điểm", trong đó Nga sẽ rút quân để đổi lấy cam kết trung lập của Ukraine.
Trích dẫn 3 nguồn tin tham gia vào các cuộc đàm phán của Nga và Ukraine, hãng tin Financial Times ngày 16/3 cho biết, một thỏa thuận hòa bình 15 điểm đang được các bên xem xét.
Theo các nguồn tin, thỏa thuận bao gồm một lệnh ngừng bắn, chính phủ Ukraine tuyên bố trung lập, Kiev chấp nhận các giới hạn về lực lượng vũ trang và lực lượng quân sự Nga sẽ rút khỏi Ukraine.
Thỏa thuận cũng yêu cầu Ukraine chính thức từ bỏ ý định gia nhập NATO và không tiếp nhận các căn cứ quân sự hoặc vũ khí nước ngoài. Đổi lại, Kiev sẽ nhận được sự bảo vệ từ các đồng minh như Mỹ, Anh và Thổ Nhĩ Kỳ.
Bình luận về thông tin trên, ông Mykhailo Podolyak, trưởng đoàn đàm phán Ukraine, cho biết: "Financial Times đã công bố một bản dự thảo, trong đó thể hiện quan điểm yêu cầu của phía Nga. Không có gì hơn. Phía Ukraine có lập trường của riêng mình".
Ông Podolyak đã xác nhận một số nội dung của dự thảo thỏa thuận, bao gồm "lệnh ngừng bắn, rút quân Nga khỏi Ukraine và đảm bảo an ninh từ một số quốc gia".
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 16/3 khẳng định có "một số hy vọng về sự thỏa hiệp" giữa hai bên, đồng thời nhấn mạnh 2 vấn đề chính đang được đưa ra bàn thảo. Cụ thể, Nga tìm cách đảm bảo Ukraine duy trì trạng thái trung lập, có nghĩa là nước này sẽ không bao giờ gia nhập NATO. Ngoài ra, Ukraine có thể tìm kiếm các đảm bảo về an ninh "hợp pháp".
Trong phát biểu hôm 15/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, nước này sẽ không gia nhập NATO và đây là một thực tế mà người dân Ukraine phải chấp nhận. Trước đó, nhà lãnh đạo Ukraine thừa nhận ông không còn hứng thú với việc đưa nước này gia nhập NATO, sau khi nhận thấy NATO "chưa sẵn sàng kết nạp Ukraine".
Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky hôm 16/3 cho biết "Ukraine đang đề xuất mô hình quốc gia phi quân sự trung lập, tương tự Áo hoặc Thụy Điển, nhưng vẫn sở hữu lực lượng lục quân và hải quân".
Ông Medinsky nhắc lại việc Moscow muốn Kiev công nhận Crimea là một phần lãnh thổ của Nga, đồng thời công nhận độc lập của 2 vùng ly khai Donetsk và Lugansk tại Đông Ukraine. Nhà đàm phán Nga cho biết, các vấn đề quan trọng khác cũng được Moscow quan tâm gồm "phi phát xít hóa" Ukraine và quyền của những người nói tiếng Nga ở Ukraine.
Trưởng đoàn đàm phán Nga tuyên bố mục tiêu của Moscow trong các cuộc đàm phán với Kiev vẫn không thay đổi: Nga mong muốn thấy một Ukraine hòa bình, tự do, trung lập và độc lập. Theo ông Medinsky, các cuộc đàm phán với Ukraine vẫn đang diễn ra chậm chạp và khó khăn, nhưng Nga vẫn hy vọng có thể đạt được thỏa thuận hòa bình với Kiev trong thời gian sớm nhất.
Ukraine đã bác bỏ tuyên bố của Nga về việc Kiev muốn đi theo mô hình giống Áo hoặc Thụy Điển. Ukraine cho rằng các cuộc đàm phán với Moscow để chấm dứt giao tranh nên tập trung vào việc "đảm bảo an ninh".
Giới chức Ukraine trước đó khẳng định nước này sẵn sàng thảo luận với Nga về việc duy trì trạng thái trung lập. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề nghị Kiev phải nhận được "sự đảm bảo an ninh" từ Nga và phương Tây.