Hé lộ nước cờ mới của Nga ở Syria
Moscow đang có kế hoạch biến căn cứ không quân Hmeymim ở Syria trở thành căn cứ quân sự chính thức của Nga tại Syria, qua đó có thể triển khai lực lượng không quân thường trực ở quốc gia Trung Đông này.
Moscow muốn biến Hmeymim thành căn cứ quân sự
Tờ Izvestia ngày 11/8 dẫn lời Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh tại Hội đồng Liên bang Nga, Thượng nghị sĩ Franz Klintsevich cho biết: “Nếu Damascus đồng ý về tình trạng pháp lý của Hmeymim, căn cứ này sẽ là cơ sở cho các lực lượng vũ trang Nga tại Syria. Đây là tiền đề giúp Nga xây dựng các cơ sở hạ tầng cũng như triển khai binh sĩ phù hợp với điều kiện tác chiến tại khu vực”.
“Hoạt động không kích có thể gia tăng theo thỏa thuận song phương giữa Nga và Syria, nhưng cho đến nay, với lực lượng và phương tiện sẵn có, chúng ta có thể kiểm soát tốt tình hình ở quốc gia Trung Đông này”, Thượng nghị sĩ Nga nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh tại Hội đồng Liên bang, sự tham gia một cách nghiêm túc của Nga vào thời điểm đất nước Syria đang rối ren, xung đột và khủng hoảng, đã giúp chính quyền Damascus khôi phục lại khả năng chiến đấu. Sự hỗ trợ trinh sát và hỏa lực yểm trợ của Nga đã giúp quân đội Syria giải quyết thành công nhiều vấn đề mà nước này phải đối mặt.
Không quân Nga ở Syria rất mạnh
Căn cứ không quân Hmeymim là một phần của sân bay quốc tế Bassel Al-Assad trước khi nội chiến Syria nổ ra vào năm 2011.
Căn cứ không quân này thuộc tỉnh biên giới tây bắc của Syria là Latakia, cách căn cứ bảo đảm hải quân Tartus của Nga, nằm bên bờ Địa Trung Hải chỉ tầm 50 km, thuận tiện cho việc tàu chiến Nga giám sát và bảo vệ không phận, đồng thời cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ 50km.
Từ ngày 30/9/2015, Nga tiến hành các cuộc không kích nhằm vào lực lượng phiến quân IS ở Syria. Quân đội Nga tuyên bố chiến dịch không quân này nhằm hỗ trợ các hoạt động trên mặt đất của quân đội chính phủ Syria. Địa điểm của IS được xác định thông qua việc sử dụng các dữ liệu trinh sát do cả Nga và Syria thu thập.
Ngày 15/3, Tổng thống Putin đã ra lệnh rút một phần khí tài và máy bay chiến đấu khỏi Syria. Tuy nhiên, theo các nguồn tin khu vực, hiện Nga vẫn duy trì gần 20 máy bay chiến đấu, cùng các hệ thống phòng không hiện đại và khoảng 2.000 quân nhân, nhân viên ở căn cứ không quân Hmeymim.
Đáng chú ý, một phi đội máy bay ném bom chiến thuật Su-24, gồm từ 9 đến 12 chiếc đã được giữ lại tại Syria. Bên cạnh đó là một số tiêm kích đa năng Su-30SM, Su-35S, các máy bay trực thăng tấn công Ka-52, Mi-28N, trực thăng vận tải-vũ trang Mi-35…
Đáng chú ý, Nga vẫn giữ lại sân bay Hmeymim các hệ thống phòng không làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ, bao gồm S-400 và Pantsir-S1.
Những bước đi đầy toan tính
Hôm 9/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trình Hạ viện (Duma Quốc gia) Nga phê duyệt dự thảo thỏa thuận giữa Nga và Syria về việc triển khai vô thời hạn nhóm không quân thuộc lực lượng vũ trang Nga trong khu vực sân bay Hmeymim ở tỉnh Latakia của Syria.
Theo văn kiện trên, nhóm không quân Nga hiện đang đóng quân tại sân bay Hmeymim theo yêu cầu của phía Syria. Quân đội Nga được sử dụng miễn phí các cơ sở hạ tầng sân bay và những địa bàn cần thiết theo sự thỏa thuận giữa các bên.
Dự thảo nêu rõ: “Thành phần của nhóm không quân Nga do phía Nga xác định thông qua sự phối hợp với phía Syria”.
Tiếp đó, ngày 10/8, tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ nhân chuyến thăm tới Nga của ông Tayyip Erdogan, Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận Moscow và Ankara vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về một trong những vấn đề quan trọng nhất: Tổng thống Bashar al-Assad sẽ ở đâu trong một quốc gia Syria tương lai, tuy nhiên “nếu như Tổng thống Putin thuyết phục người đồng cấp Erdogan về chiến lược của Moscow tại Trung Đông, thì vị trí của Assad có thể được bảo đảm”, tờ El Mundo của Tây Ban Nha ngày 10/8 nhận định.
Điều này đồng nghĩa với việc, Nga công khai đứng ra nhận làm trung gian hoà giải cho mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt thời gian qua. Đây chính là điều mà Tổng thống Syria Bashar al-Assad mong muốn hơn bao giờ hết.
Nếu ý định của Nga thành công, thì thời gian Moscow chờ đợi “cái gật đầu” của Damascus về tình trạng pháp lý của căn cứ quân sự Hmeymim chỉ diễn ra trong ngày một ngày hai.
Với việc có thêm căn cứ Hmeymim bên cạnh căn cứ hải quân Tartus bên bờ Địa Trung Hải, có thể thấy, kể từ thời điểm Liên Xô sụp đổ, chưa khi nào vị thế của Nga tại Trung Đông và Địa Trung Hải lại được khôi phục và củng cố vững chắc như lúc này.
Và chắc chắn, Mỹ và phương Tây sẽ không thể khoanh tay đứng nhìn khu vực mà họ nhiều thập niên qua xem là sân sau của mình rơi vào tầm ảnh hưởng của Nga. Cuộc cạnh tranh giữa một bên là Moscow với một bên là Washington và phương Tây cũng từ đó là “đốt cháy” vùng đất Trung Đông huyền thoại.
Theo thỏa thuận đã ký giữa Nga và Syria về việc sử dụng căn cứ Hmeymim, các thiết bị và nhân viên của nhóm không quân Nga được hưởng miễn trừ hoàn toàn khỏi thẩm quyền dân sự và hành chính của Syria.
Nga có quyền đưa vào Syria miễn thuế và đưa ra khỏi Syria bất kỳ vũ khí, đạn dược, trang thiết bị, còn các nhân viên của nhóm không quân Nga được miễn thủ tục kiểm tra biên phòng và hải quan của Syria. Và trong trường hợp gây thiệt hại cho bên thứ ba “có liên quan đến hoạt động của nhóm không quân Nga và các nhân viên Nga”, phía Syria sẽ tự giải quyết khiếu nại.
Theo Tùng Dương
Tiền Phong