Nga, Ukraine tấn công dữ dội lẫn nhau trước ngày ông Trump nhậm chức
(Dân trí) - Nga và Ukraine "ăn miếng, trả miếng" bằng các cuộc tấn công tên lửa, máy bay không người lái (UAV) quy mô lớn nhằm giành ưu thế trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cam kết nhanh chóng kết thúc cuộc giao tranh, nhưng có rất ít thông tin chi tiết về cách ông sẽ đạt được điều này. Trong khi đó, Moscow và Kiev đang tìm cách giành ưu thế trên chiến trường trước khi bước vào một cuộc đàm phán tiềm năng do ông Trump làm trung gian.
Đêm 13/1, rạng sáng 14/1, Ukraine thực hiện một cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa ATACMS và UAV lớn nhất từ trước đến nay nhằm vào lãnh thổ Nga.
Quân đội Ukraine cho biết các cơ sở quân sự và dầu mỏ của Nga là mục tiêu trong đợt tấn công mới nhất của họ, đồng thời cho hay các cuộc tấn công như vậy sẽ tiếp tục "cho đến khi Nga ngừng hoạt động chống lại Ukraine".
Theo các blogger quân sự Nga, Moscow đã bắn hạ hơn 200 UAV và 5 tên lửa ATACMS của Ukraine.
Một ngày sau, Nga đáp trả bằng một cuộc oanh tạc quy mô lớn nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Ukraine.
Theo nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky, Nga đã sử dụng hơn 40 tên lửa cùng hơn 70 UAV trong cuộc tấn công này. Trong đó, hệ thống phòng không Ukraine bắn hạ thành công 30 tên lửa.
"Lại một cuộc tấn công lớn nữa của Nga. Đang là giữa mùa đông và mục tiêu của Nga vẫn là ngành năng lượng của chúng ta. Các mục tiêu bao gồm cơ sở hạ tầng khí đốt và cơ sở năng lượng", ông Zelensky nói.
Cuộc tấn công đã buộc công ty năng lượng nhà nước Ukraine, Ukrenergo, phải tạm thời cắt điện - một biện pháp cần thiết để ngăn chặn hệ thống năng lượng sụp đổ.
Các cuộc tấn công đáp trả lẫn nhau của Nga và Ukraine tăng cả về quy mô và tần suất khi ngày nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (20/1) cận kề.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump khẳng định có thể chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 3 năm này chỉ trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, gần đây, ông và đội ngũ của mình thừa nhận có thể phải mất vài tháng.
Đã có những tín hiệu về cách thức giải quyết xung đột của đội ngũ ông Trump, tuy nhiên, những kế hoạch này chưa thực sự rõ ràng. Theo các nguồn tin, ông Trump dường như sẽ theo đuổi kế hoạch đóng băng xung đột, buộc Nga và Ukraine phải đưa ra những thỏa hiệp nhất định.
Trong phiên điều trần tại Thượng viện ngày 15/1, ông Marco Rubio, ứng viên Ngoại trưởng được ông Trump đề cử, cho biết Nga và Ukraine cần có các nhượng bộ để chấm dứt chiến sự.
"Điều quan trọng là mọi người phải thực tế: sẽ phải có những nhượng bộ, cả từ Nga và Ukraine. Điều quan trọng nữa là phải có sự cân bằng nhất định giữa 2 bên", ông nói.
Theo ông, Ukraine khó có thể khôi phục hoàn toàn lãnh thổ, trong khi Nga cũng khó chinh phục toàn bộ Ukraine.
Ông cho rằng cả 2 bên đều có đòn bẩy có thể củng cố vị thế của họ trong các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng. Ông nhấn mạnh chính quyền tiếp theo của Mỹ sẽ theo đuổi "ngoại giao táo bạo" để chấm dứt xung đột.