1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ cạn kiệt vũ khí viện trợ cho Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Lầu Năm Góc được cho là đang lo ngại về kho dự trữ đạn pháo cũng như các tên lửa chống tăng, tên lửa phòng không sau 9 tháng viện trợ cho Ukraine.

Mỹ cạn kiệt vũ khí viện trợ cho Ukraine - 1

Mỹ là nước viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2 (Ảnh minh họa: CNBC).

CNN ngày 17/11 dẫn lời 3 quan chức giấu tên của Mỹ cho hay, một số thách thức mà Mỹ đang phải đối mặt khi viện trợ quân sự cho Ukraine là kho vũ khí đang cạn dần và khả năng đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp quốc phòng. Theo một quan chức, Mỹ chỉ còn một số lượng hạn chế vũ khí trong kho dự trữ có thể chuyển cho Ukraine.

Nguồn tin cho hay, Washington đặc biệt lo ngại về kho dự trữ đạn pháo 155mm và tên lửa phòng không Stinger. Một số quan chức Mỹ cũng lo ngại về năng lực sản xuất các vũ khí như tên lửa HARM, tên lửa đất đối đất GMLRS và tên lửa chống tăng Javelin.

Tuy nhiên, nguồn tin khẳng định, sự thiếu hụt này không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng vì vũ khí cấp cho Ukraine không đến từ nguồn cung cấp mà Lầu Năm Góc dùng cho các trường hợp dự phòng.

Một quan chức cấp cao Mỹ cho rằng việc đánh giá Washington sắp hết vũ khí gửi cho Ukraine mang tính chủ quan vì điều này phụ thuộc vào mức độ rủi ro mà Lầu Năm Góc sẵn sàng chấp nhận.

Một trong những lo ngại lớn nhất đó là ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ đang phải ra sức để đáp ứng nhu cầu vũ khí tăng đột biến, trong khi các nước châu Âu không thể bổ sung đầy đủ kho dự trữ của họ để thay thế thiết bị quân sự được gửi đến Ukraine. Để khắc phục tình hình, Mỹ đang tăng cường sản xuất một số loại vũ khí.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2 năm nay, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã cung cấp cho Kiev hàng tỷ USD viện trợ an ninh. Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, tính đến đầu tháng 11, Mỹ đã cam kết chuyển cho Kiev hơn 1.400 tên lửa Stinger, 8.500 tên lửa Javelin, 142 pháo tự hành 155mm, 903.000 đạn pháo cỡ 155mm.

Moscow nhiều lần cảnh báo, việc phương Tây "bơm" vũ khí cho Ukraine chỉ khiến xung đột kéo dài.

Xung đột Nga - Ukraine sắp bước sang tháng thứ 10. Ukraine đang phản công mạnh ở miền Nam, trong khi ra sức đối phó với các đợt tập kích tên lửa diện rộng của Nga.

Trước đà phản công của Ukraine, Nga đang ra sức tăng cường phòng thủ cho Crimea - bán đảo đã sáp nhập vào Nga từ năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi. "Hoạt động củng cố phòng thủ đang được triển khai trên lãnh thổ Crimea dưới sự giám sát của tôi, nhằm đảm bảo an ninh cho toàn bộ người dân bán đảo", Sergei Aksyonov, người đứng đầu chính quyền Crimea do Nga bổ nhiệm, cho biết ngày 18/11.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Anh cũng ra báo cáo đánh giá Nga đang tăng cường phòng thủ, đề phòng một cuộc tấn công của Ukraine vào Crimea. Nga được cho là đã xây dựng các hệ thống chiến hào mới gần khu vực giáp với Crimea.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine