1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hậu chiến tranh, nông dân Afghanistan rơi vào bước đường cùng

Thanh Thành

(Dân trí) - Kết cục khốc liệt của chiến tranh cộng với những trận hạn hán kéo dài đã càn quét toàn bộ mùa vụ thu hoạch lựu nổi tiếng ở tỉnh Kandahar, khiến người nông dân phải nhổ bỏ cây lựu để trồng anh túc.

Hậu chiến tranh, nông dân Afghanistan rơi vào bước đường cùng - 1

Nông dân trên cánh đồng hoa anh túc ở Afghanistan (Ảnh: AP).

Vườn lựu của ông Abdul Hamid lâu nay vẫn khá tiêu điều vì bom đạn và hạn hán. Vì vậy, trong tháng này, chính tay ông Hamid đã bắt đầu đốn hạ cả khu vườn 800 cây lựu kế thừa qua bao thế hệ, để lấy đất trồng cây anh túc làm thuốc phiện nuôi sống gia đình.

Trong bối cảnh Afghanistan đang chứng kiến cuộc khủng hoảng kinh tế tàn khốc, cây lựu - loài cây đã nuôi sống nông dân cả vùng của tỉnh Kandahar - giờ không đem lại lợi ích kinh tế cho nông dân như trước. Hạn hán kéo dài cùng với chiến tranh khốc liệt khiến người nông dân khó thu được lợi nhuận từ loại trái cây vốn đã khiến khu vực của ông trở nên nổi tiếng thế giới, ngoài chiến tranh.

Không chỉ ông Hamid, nhiều nông dân Afghanistan khác trong huyện quyết định phá bỏ toàn bộ vườn cây ăn trái để kiếm thu nhập sau một chuỗi mùa thu hoạch thất bát. Hạn hán tàn khốc, khó khăn tài chính và quyết định đóng biên bất ngờ trước khi chiến tranh kết thúc đã khiến họ chuyển sang nguồn kiếm cơm đáng tin cậy nhất của khu vực: trồng cây thuốc phiện.

Ông Hamid, hiện nay đã 80 tuổi, cho biết đó là lựa chọn sống còn.

Theo Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC), Afghanistan là nguồn cung cấp thuốc phiện lớn nhất thế giới, chiếm 80% sản lượng toàn cầu. Trong 20 năm hiện diện tại Afghanistan, Mỹ và đồng minh đã chi hàng tỷ USD để xóa bỏ cây anh túc nhưng cuối cùng vẫn thất bại.

Nhưng những gì đang xảy ra, giữa cuộc suy thoái kinh tế dẫn đến khủng hoảng tiền mặt trên toàn quốc, có thể làm bùng nổ việc trồng, sản xuất và buôn bán thuốc phiện trên khắp Afghanistan. Người dân Afghanistan và giới phân tích lo ngại hiện tượng nông dân quay trở lại với thuốc phiện sẽ lan rộng.

"Năm tới bạn sẽ thấy nhiều cánh đồng hoa anh túc", Mohammed Omar, một nông dân 53 tuổi chia sẻ trong khi tay vẫn nhổ bỏ những gốc lựu cuối cùng còn sót lại. "Không có gì khác", Omar nói thêm.

Ở Arghandab, một quận phía tây bắc thành phố Kandahar, cây lựu lâu nay vẫn luôn là niềm tự hào của họ và trở thành một mặt hàng xuất khẩu có giá trị sang Pakistan, Ấn Độ và đôi khi là Vịnh Ba Tư. Nhưng các hạn chế biên giới gần đây và việc đóng cửa sân bay kể từ khi Taliban nắm quyền đã khiến việc mua bán trở nên vô cùng khó khăn. Cây lựu cũng bị đe dọa bởi tình trạng hạn hán và chiến tranh kéo dài suốt thời gian qua.

Vào tháng 10/2020, Taliban mở chiến dịch quân sự tấn công vào Arghandab, giữa lúc nông dân chuẩn bị thu hoạch lựu. Chất nổ tự chế của quân nổi dậy rải rác khắp các vườn cây ăn quả. Những người nông dân đã mạo hiểm vào bên trong để chăm sóc cây trồng và phải trả giá bằng mạng sống. Taliban còn cắt đứt nhiều tuyến đường trọng yếu, ngăn người dân đưa lựu đến nơi tiêu thụ.

Cuộc giao tranh cuối cùng cũng kết thúc khi Kandahar rơi vào tay Taliban vào tháng 8, khiến các tiền đồn cảnh sát bị bỏ hoang trong quận. Safiullah, 21 tuổi, một chiến binh Taliban từ một quận lân cận, người được giao nhiệm vụ tuần tra Arghandab cho biết, trong năm qua đã nhiều lần len lỏi ở khu này để phục kích lực lượng an ninh của chế độ cũ.

Trong nhiều năm, lợi ích kinh tế cây thuốc phiện mang lại thấp hơn quả lựu nhưng những gì nó mang lại là sự an toàn về tài chính. Cây anh túc không có thể giữ được lâu hơn và ít cần tưới hơn. Và việc bán và phân phối chất bất hợp pháp thường dựa vào mạng lưới những kẻ buôn lậu trong nước, nên người dân không lo sợ tình trạng đóng biên. 

"Tình cảnh này khiến nông dân Afghanistan phải cân nhắc. Họ thấy rõ rủi ro ngày càng lớn khi trồng cây lựu truyền thống", David Mansfield, chuyên gia về những nền kinh tế ngầm, nhận định.

Mặc dù Taliban thể hiện mong muốn cấm sản xuất loại thuốc này sau khi lên nắm quyền vào tháng 8, nhưng trong một cuộc phỏng vấn hồi tuần trước, phát ngôn viên của Taliban, Zabihullah Mujahid, nói rằng không có kế hoạch ngăn chặn hoặc xóa sổ việc trồng cây thuốc phiện.

"Người dân của chúng tôi đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế, và việc cắt luôn đường sống duy nhất của họ không phải là một ý kiến hay", Mujahid nói, đồng thời cho biết thêm rằng Taliban đang khuyến khích nông dân "tìm các giải pháp thay thế".