Hành trình tiết lộ “Hồ sơ Panama” và nhân vật John Doe bí ẩn
(Dân trí) - Một nguồn tin lấy tên nặc danh John Doe đã bí mật cung cấp 11,5 triệu chứng từ thuế bí mật của công ty luật Mossack Fonesca từ năm 2014 trước khi "Hồ sơ Panama" được tiết lộ đầu tuần này và gây chấn động thế giới.
John Doe bí ẩn
“Xin chào. Đây là John Doe. Bạn có hứng thú với các tài liệu mật không? Tôi rất sẵn lòng chia sẻ”. Bốn câu hội thoại trong một tin nhắn gửi đến phóng viên Bastian Obermayer của báo Suddeutsche Zietung (Đức) có thể coi là mở màn cho vụ rò rỉ tài liệu mật lớn nhất trong lịch sử. John Doe là cái tên mang tính biểu tượng, thường được dùng ở phương Tây trong các trường hợp muốn giấu hoặc không rõ tên thật.
Đầu tuần này, cả thế giới đã chấn động bởi vụ công bố 11,5 triệu chứng từ thuế bí mật của công ty luật Mossack Fonesca có trụ sở tại Panama. Những tài liệu này phanh phui những thương vụ làm ăn ngầm trong suốt 40 năm qua liên quan đến nhiều chính khách cấp cao cũng như giới nổi tiếng trên thế giới.
Tài liệu được tiết lộ với sự tham gia của Liên đoàn phóng viên điều tra quốc tế (ICIJ) và hơn 100 hãng truyền thông quốc tế. Hiện chưa rõ ai đứng sau và nhằm mục đích gì với vụ rò rỉ chấn động này. Tuy nhiên, nhóm phụ trách công bố thông tin trong đó có phóng viên Obermayer của báo Suddeutsche Zietung đã chia sẻ về hành trình tiếp cận với lượng thông tin mật khổng lồ này.
“Tôi chưa bao giờ gặp người này. Chúng tôi chỉ nói chuyện qua các đoạn chat được mã hóa. Tôi đã thẳng thắn hỏi tại sao anh ta làm như vậy. Anh ta nói chỉ muốn những hành động này được đưa ra ánh sáng”, Obermayer nói.
Obermayer khi đó đã hỏi: “Dữ liệu bạn muốn chia sẻ có nhiều không?”. Nguồn tin đáp lại: “Nhiều hơn những gì anh thấy từ trước đến giờ”. Qua các kênh liên lạc được mã hóa và thay đổi liên tục, nguồn tin đã cung cấp một lượng dữ liệu lên tới 2,6 terabyte, nghĩa là gấp 100 lần dung lượng dữ liệu mật do WikiLeaks công bố, và phải 600 đĩa DVD mới chứa hết.
Một điểm đặc biệt nữa Obermayer cho biết đó là một khi đã thiết lập một kênh liên lạc nào đó, họ thường sử dụng các câu hỏi và câu trả lời để làm ám hiệu. "Tôi sẽ nói: ‘Hôm nay trời nắng chứ?’, người kia sẽ đáp lại: ‘Mặt trăng đang đổ mưa", hoặc bất cứ thứ gì đó vô nghĩa. Và khi cả 2 chúng tôi đều có thể xác nhận đúng người mình cần gặp", Obermayer nói.
Một chiến dịch gấp rút
Phóng viên Bastian Obermayer của báo Suddeutsche Zietung (Đức). (Ảnh: SZ)
Thông qua các cuộc trò chuyện bằng ứng dụng được mã hóa từ năm 2014, nguồn tin đã cung cấp cho báo Đức gần 5 triệu email, 2 triệu tài liệu PDF và hơn 1 triệu hình ảnh của các nhân vật có liên quan bị nhắc đến trong “Hồ sơ Panama”.
Nhóm điều tra của báo Suddeutsche Zietung đã chia sẻ các dữ liệu này với Liên đoàn phóng viên điều tra quốc tế (ICIJ) để lập ra một nền tảng dữ liệu cho phép các phóng viên tìm kiếm thông tin.
Hai bên đã gặp gỡ nhau ở Washington, Munich, London và Lillehammer cùng gần 400 phóng viên, 100 hãng truyền thông trên thế giới.
Marina Walker, phó giám đốc ICIJ, chia sẻ: " Chúng tôi đã phải tuyển dụng một đội phóng viên điều tra toàn cầu, những người có thể dành nhiều tháng ròng rã để phân tích và khai thác các dữ liệu. Chúng tôi cũng đối diện với một số thách thức về công nghệ khi phải tìm cách để đọc và chia sẻ những dữ liệu này một cách an toàn nhất có thể. Chúng tôi mất nhiều tháng để phân loại và chuẩn bị dữ liệu trước khi đưa lên nền tảng số”.
Phóng viên có tên Frederick Obermaier cho biết, nhóm này hầu như ngủ rất ít cho đến khi các tài liệu được công bố. “Chúng tôi ngủ rất ít. Cả đội làm việc gần như 24/24 để làm công việc in ấn, tạo video. Và tất nhiên, đó cũng là thời gian khá thú vị đối với chúng tôi”.
Phóng viên Obermaier cho biết, họ bắt đầu tìm kiếm những cái tên cụ thể được đề cập trong tài liệu, sau đó đến những cộng sự, người trung gian và cả những thành viên trong gia đình của những người đó để có thể tạo nên một bức tranh tổng thể.
Sau hơn 1 năm kể từ khi các tài liệu mật của công ty bị một nguồn tin nặc danh tiết lộ, “Hồ sơ Panama” đang tạo ra một cơn chấn động toàn thế giới. Hồ sơ có liên quan đến khoảng 214.000 doanh nghiệp tại nước ngoài và các nhân vật đến từ 200 nước và vùng lãnh thổ đã tiết lộ tài sản ở nước ngoài của 140 chính trị gia và quan chức khắp thế giới, trong đó có 12 nhà lãnh đạo thế giới hiện tại và trước đây.
Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson có thể coi là “nạn nhân” đầu tiên của việc rò rỉ Hồ sơ Panama khi ông này hôm qua 5/4 chính thức tuyên bố từ chức trước sức ép của dư luận.
Nhiều quốc gia đã lên tiếng về vụ rò rỉ tài liệu mật chấn động này. Các nước như Úc, Pháp, Ấn Độ, New Zealand tuyên bố mở các cuộc điều tra những nhân vật bị nghi có hành vi trốn thuế, rửa tiền. Trong khi đó, tại Nga, sau khi Điện Kremlin bác bỏ cáo buộc của Hồ sơ Panama nhằm vào các cộng sự của Tổng thống Vladimir Putin, ngày 5/4, Viện kiểm sát Nga cho biết sẽ kiểm tra thông tin được công bố trong Hồ sơ Panama. Về phía Trung Quốc, các cơ quan giám sát mạng của nước này được cho là đã chặn tất cả các thông tin có liên quan tới “Hồ sơ Panama”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối bình luận về cái mà ông nói là “những cáo buộc vô căn cứ” liên quan tới các lãnh đạo Trung Quốc.
Minh Phương
Tổng hợp