1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hàng loạt chính trị gia châu Âu khẳng định tiếp tục thăm Đài Loan

Thanh Thành

(Dân trí) - Các nghị sĩ châu Âu ngày 12/8 đã tuyên bố sẽ tiếp tục các chuyến thăm theo kế hoạch đến Đài Loan, bất chấp căng thẳng vẫn phủ bóng hòn đảo này sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ.

Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn đón tiếp ông Raphael Glucksmann, thành viên của phái đoàn Nghị viện châu Âu thăm Đài Loan vào năm 2021 (Ảnh: EPA).

Tuyên bố mới nhất của các nghị sĩ châu Âu được đưa ra giữa lúc Liên minh châu Âu (EU) tránh bị cuốn vào cuộc tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới hòn đảo này vào tuần trước.

Bà Marie-Pierre Vedrenne, chính trị gia người Pháp hiện là thành viên Nghị viện châu Âu, cho biết kế hoạch thăm Đài Loan của Ủy ban thương mại vào tháng 12 tới sẽ không bị ảnh hưởng do những căng thẳng này.

"Tôi hy vọng sẽ di chuyển theo lịch trình đã định. Những phản ứng này sẽ không làm thay đổi kế hoạch của chúng tôi", bà Vedrenne nói.

Trong khi đó, một nhóm nghị sĩ Đức thông báo sẽ tới thăm Đài Loan vào tháng 10. Một nhóm nghị sĩ thuộc ủy ban đối ngoại của Hạ viện Anh cũng dự định thăm Đài Loan vào tháng 11 hoặc đầu tháng 12 nhằm "thể hiện sự ủng hộ của Anh" với hòn đảo này.

Đầu tuần này, một phái đoàn do Thứ trưởng Bộ Giao thông Lithuania Agne Vaiciukeviciute dẫn đầu đã đến Đài Loan thảo luận về việc thiết lập quan hệ thành phố kết nghĩa giữa Cao Hùng và thành phố cảng Klaipeda của Lithuania, nơi từng được coi là một điểm nút tiềm năng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

Lithuania có kế hoạch mở một văn phòng thương mại ở Đài Bắc vào tháng tới, mặc dù họ khẳng định điều này không thể hiện bất kỳ sự bác bỏ nào đối với chính sách "một Trung Quốc" của EU.

Eo biển Đài Loan đã "dậy sóng" sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi, quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới Đài Loan trong nhiều thập niên qua.

Hôm 11/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tiếp tục ra tuyên bố  chỉ trích chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, cáo buộc đây là hành vi "cố ý xâm phạm chủ quyền và can thiệp thô bạo tới vấn đề nội bộ của Trung Quốc".

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cùng ngày cũng cảnh báo các chính trị gia nước ngoài không nên hành động theo bà Pelosi, nói rằng điều đó sẽ làm suy yếu nghiêm trọng nền tảng chính trị trong hợp tác với Trung Quốc.

Cho đến nay, EU chưa có phản ứng rõ ràng đối với chuyến thăm của Pelosi và các hoạt động quân sự chưa từng có của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan.

Hôm 5/8, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell, mô tả việc Bắc Kinh bắn tên lửa đạn đạo qua Đài Loan và rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản là "những diễn biến đáng lo ngại dẫn đến bất ổn và leo thang rủi ro".

Các nhà phân tích cho rằng, các sự kiện gần đây cho thấy EU cần chuẩn bị cho những "cú sốc tương lai" trong khu vực.

Bà Alicia Garcia Herrero, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ngân hàng Pháp Natixis, cho biết các nước châu Âu sẽ cần tìm cách cân bằng mối lo ngại về Ukraine và Đài Loan khi hợp tác với Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Antoine Bondaz, Giám đốc chương trình Đài Loan tại "Fondation pour la Recherche Stratégique", một tổ chức tư vấn của Pháp, cho biết EU cần tìm ra những cách thức cụ thể để làm việc với Đài Bắc.

Theo SCMP