Châu Âu lặng lẽ theo dõi chuyến thăm Đài Loan "sóng gió" của bà Pelosi
(Dân trí) - Giới quan sát cho rằng, châu Âu quan ngại về viễn cảnh Nga và Trung Quốc hợp tác chặt chẽ hơn sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ và điều này có thể trở thành tin không vui cho châu Âu.
Theo Straits Times, các chính phủ châu Âu vẫn chưa lên tiếng liên quan tới căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vì chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan hôm 2/8.
Tuy nhiên, phía sau hậu trường, giới chính trị tại châu lục này dường như đang lo ngại về những tác động ngay lập tức cũng như dài hạn tới châu Âu sau chuyến thăm của bà Pelosi.
Theo Straits Times, sự lo lắng này là có cơ sở. Trước ngày 24/2, châu Âu dường như chưa bao giờ nghĩ tới viễn cảnh căng thẳng Nga - Ukraine leo thang như hiện tại. Tuy nhiên, tình hình lúc này khiến họ nhận ra rằng, điều gì cũng có thể xảy ra và họ đang chuẩn bị tinh thần cho bất cứ kịch bản nào.
Châu Âu đã tính đến kịch bản căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể bị thổi bùng lên sau chuyến thăm của bà Pelosi. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là vùng lãnh thổ cần được thống nhất bằng mọi giá, kể cả dùng vũ lực.
Bắc Kinh đã cáo buộc Washington "vi phạm nguyên tắc Một Trung Quốc, can thiệp vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc" và cảnh báo các hậu quả có thể xảy ra. Mỹ trong khi đó vẫn khẳng định rằng bà Pelosi có tất cả các quyền để thực hiện chuyến thăm này, và cho rằng đây là động thái phù hợp với chính sách của Mỹ về Đài Loan.
Ngoài ra, châu Âu cũng lo ngại rằng căng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh và Washington có thể làm giảm bớt sự quan tâm của Mỹ ra khỏi cuộc đối đầu với Nga, trong bối cảnh chiến sự giữa Moscow và Ukraine vẫn đang diễn ra quyết liệt và chưa có bất cứ dấu hiệu nào dừng lại. Cuộc chiến đánh dấu sự kiện chiến sự quay trở lại lục địa châu Âu sau hàng chục năm và có nguy cơ thay đổi cấu trúc an ninh của khu vực trong tương lai.
Châu Âu dường như lo ngại viễn cảnh, khi các cuộc khủng hoảng lớn bùng phát ở châu Á, Mỹ - nước đứng đầu liên minh NATO - có thể thay đổi các ưu tiên hàng đầu của họ với châu Âu trong bối cảnh căng thẳng ở châu lục này vẫn đang liên tục leo thang.
Theo Straits Times, một mối lo ngại khác "âm ỉ" trong lòng châu Âu là một trong những biện pháp đáp trả của Trung Quốc có thể là gia tăng hơn nữa hợp tác với Nga, trong bối cảnh phương Tây muốn cô lập Moscow để gây áp lực từ bỏ chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Trong hơn 5 tháng qua, Trung Quốc vẫn đang duy trì quan điểm trung lập về cuộc chiến ở Ukraine, nhưng vẫn giao thương với Nga mà không tham gia vào nỗ lực cấm vận do Mỹ dẫn đầu.
Tuy nhiên, tình hình này có thể thay đổi khi Trung Quốc tìm cách trả đũa Mỹ vì chuyến thăm của bà Pelosi. Viễn cảnh Nga và Trung Quốc hợp tác chặt chẽ hơn có khả năng xảy ra và điều này có thể trở thành tin không vui cho châu Âu.
Căng thẳng leo thang
Mặt khác, châu Âu trong thời gian qua phát đi thông điệp ủng hộ Mỹ trong căng thẳng với Trung Quốc. Ông Jorge Toledo, Đại sứ của EU tại Trung Quốc, đã cảnh báo Bắc Kinh không sử dụng phương án quân sự với Đài Loan.
Ngoại trưởng Anh Elizabeth Truss - người đang chạy đua cho ghế thủ tướng của nước này - trong những tháng qua đã kêu gọi phương Tây có những biện pháp giúp Đài Loan tự vệ.
Giờ đây, Ủy ban đối ngoại của quốc hội Anh đã bắt đầu lên kế hoạch cho chuyến thăm Đài Loan vào cuối năm nay, động thái mà Trung Quốc cảnh báo có thể dẫn tới "hậu quả nghiêm trọng".
Vì vậy, theo Straits Times, Trung Quốc có thể cũng sẽ phải chuẩn bị cho kịch bản rằng, chuyến thăm của bà Pelosi có thể sẽ mở đầu cho các động thái tương tự từ các đồng minh của Mỹ ở châu Âu trong thời gian tới. Điều này có thể khiến cho căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây leo thang hơn nữa trong thời gian tới.