1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cách Trung Quốc đáp trả chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi

Minh Phương

(Dân trí) - Đài Loan đã ngay lập tức hứng chịu các biện pháp đáp trả của Trung Quốc đại lục sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

Cách Trung Quốc đáp trả chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi - 1

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (vest trắng) gặp gỡ lãnh đạo Đài Loan nhân chuyến thăm hòn đảo (Ảnh: Reuters).

Trung Quốc cho rằng chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan hôm 2-3/8 là vi phạm chủ quyền và chính sách "Một Trung Quốc". Bắc Kinh cảnh báo Washington "đừng đùa với lửa" trong vấn đề Đài Loan.

Trước đó, Trung Quốc tuyên bố, quân đội nước này sẽ "không ngồi yên" và Mỹ phải gánh "toàn bộ hậu quả" nếu bà Pelosi thăm đảo Đài Loan.

Bất chấp những cảnh báo này, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi tối 2/8 đã đáp máy bay xuống Đài Bắc và gặp gỡ lãnh đạo hòn đảo. Bà Pelosi là quan chức Mỹ cấp cao nhất đến Đài Loan kể từ năm 1997.

Hãng tin Bloomberg đã liệt kê những cách mà Trung Quốc thực hiện để đáp trả chuyến thăm của bà Pelosi.

Tập trận quanh Đài Loan

Cách Trung Quốc đáp trả chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi - 2

Trung Quốc thông báo tập trận quanh Đài Loan ngay sau chuyến thăm của bà Pelosi (Ảnh minh họa: Taiwan News).

Không lâu sau khi máy bay chở bà Pelosi đáp xuống Đài Loan tối 2/8, Trung Quốc thông báo kế hoạch tập trận bắn đạn thật ở 6 khu vực quanh hòn đảo từ ngày 4-7/8.

Theo hải đồ, 6 vùng biển này phân bố quanh hòn đảo, ở phía Bắc, Đông Bắc, Tây Bắc, Đông, Nam và Tây Nam của Đài Loan, đồng thời nằm trong vùng thuộc các eo biển Đài Loan, eo biển Bashi, biển Hoa Đông, và khu vực ngoài khơi thành phố Cao Hùng cách đất liền chưa đầy 20 km.

Chiến khu Trung bộ của quân đội Trung Quốc tuyên bố sẽ phóng thử vũ khí tầm xa ở eo biển Đài Loan, cũng như tập trận bắn đạn thật ở vùng biển phía Đông Đài Loan với sự phối hợp của lực lượng hải quân và không quân.

Điều chiến đấu cơ áp sát Đài Loan

Cách Trung Quốc đáp trả chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi - 3

Máy bay quân sự Trung Quốc liên tục áp sát Đài Loan (Ảnh minh họa: Taiwan News).

Trước chuyến thăm của bà Pelosi, Trung Quốc đã điều các máy bay chiến đấu và tàu quân sự áp sát đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan, ranh giới được ngầm hiểu là đường phân định eo biển này. Theo Cơ quan phòng vệ Đài Loan, cuối ngày 2/8, khoảng 21 máy bay chiến đấu của Trung Quốc được phát hiện đi vào Vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo.

Cơ quan này cho biết thêm, hôm qua, 27 máy bay chiến đấu của Trung Quốc gồm 16 chiếc Su-30 và 11 máy bay khác tiếp tục tiến vào khu vực xung quanh Đài Loan, trong đó 22 chiếc đã vượt qua "đường trung tuyến", vùng đệm được Mỹ thiết lập vào năm 1954 nhưng không được Bắc Kinh công nhận.

Theo giới chuyên gia, việc Trung Quốc triển khai chiến đấu cơ bay qua đường trung tuyến sẽ tăng thêm sức ép lên các lực lượng phòng vệ Đài Loan, buộc họ triển khai máy bay giám sát.

Kể từ tháng 9/2020, khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ vào thời điểm đó là ông Keith Krach thăm Đài Loan, các máy bay quân sự của Bắc Kinh liên tục áp sát khu vực này. Bắc Kinh được cho là sẽ tiếp tục điều các phi đội áp sát Đài Loan trong thời gian tới.

Trừng phạt kinh tế

Cách Trung Quốc đáp trả chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi - 4

Trung Quốc ngừng nhập khẩu một số hàng hóa của Đài Loan (Ảnh: AP).

Trước khi bà Pelosi đến Đài Loan, Trung Quốc đã áp một loạt lệnh trừng phạt hòn đảo. Trung Quốc thông báo ngừng nhập khẩu thực phẩm từ hơn 100 nhà cung cấp của Đài Loan. Theo báo Channel News Asia, trong số 3.200 công ty Đài Loan đăng ký với Hải quan Trung Quốc đại lục theo danh mục thực phẩm, 2.066 mặt hàng đã bị đưa vào danh sách "ngừng nhập khẩu".

Trong thông báo đầu tuần này, Bắc Kinh cũng cho biết sẽ tạm dừng nhập khẩu trái cây họ cam quýt do dư lượng thuốc trừ sâu, và dừng nhập khẩu một số loại cá do phát hiện dấu vết nghi của SARS-CoV-2 trên bao bì sản phẩm đông lạnh. Từ năm ngoái, Trung Quốc cấm một số mặt hàng của Đài Loan, bao gồm cá mú, dứa và táo.

Những mặt hàng thực phẩm chính mà Trung Quốc nhập khẩu từ Đài Loan gồm có hải sản, cà phê, sản phẩm sữa, đồ uống.

Hôm 3/8, Bộ Thương mại Trung Quốc tiếp tục công bố quyết định ngừng xuất khẩu cát tự nhiên sang đảo Đài Loan. Các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân của Trung Quốc bị cấm làm ăn với một số doanh nghiệp Đài Loan, trong đó có Speedtech Energy và Hyweb Technology.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đài Loan với kim ngạch thương mại hai bên năm ngoái đạt hơn 328 tỷ USD. Bắc Kinh có thể mở rộng các lệnh trừng phạt Đài Bắc, song một số chuyên gia cảnh báo Trung Quốc cũng cần thận trọng bởi họ cần nguồn cung thiết bị bán dẫn từ hòn đảo.

Phản đối ngoại giao

Trung Quốc liên tục đưa ra thông điệp ngoại giao phản đối chuyến thăm của các quan chức Mỹ thăm Đài Loan, trong đó đặc biệt là chuyến thăm mới đây của bà Pelosi.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Qin Gang nói rằng, chuyến thăm của bà Pelosi là "hoàn toàn sai lầm". Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Xie Feng tối 2/8 đã triệu tập Đại sứ Mỹ Nicholas Burns để cảnh báo Washington sẽ phải "trả giá cho những sai lầm".

Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc có thể triệu hồi Đại sứ Qin Gang về nước. Năm 1995, Trung Quốc từng rút đại sứ tại Mỹ về nước sau khi Washington cho phép một lãnh đạo Đài Loan đến thăm nước này. Năm ngoái, Bắc Kinh cũng rút đại sứ tại Lithuania sau khi quốc gia Baltic này cho phép Đài Loan mở văn phòng ngoại giao với tên riêng của mình.

Theo Bloomberg, Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm