Hàn Quốc đang truy tìm 4 tàu ngầm Triều Tiên
(Dân trí) - Giới chức Hàn Quốc hôm nay cho hay, quân đội nước này hiện đang lần theo dấu vết 4 tàu ngầm của Triều Tiên. Những tàu ngầm này đã bị biến mất khỏi màn hình radar theo dõi của Hàn Quốc sau khi rời căn cứ ở Triều Tiên vào hồi đầu tuần.
Căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên tăng cao sau khi tuần trước Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên đánh đắm tàu chiến Cheonan của họ trên biển Hoàng Hải trong một vụ tấn công ngư lôi từ tàu ngầm hồi tháng 3.
Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn nguồn tin quân sự giấu tên cho hay 4 chiếc tàu ngầm lớp Sang-O 300 tấn đã biến mất khỏi màn hình radar theo dõi của họ sau khi chúng rời căn cứ hải quân Chaho, thuộc tỉnh Bắc Hamkyong, đông bắc Triều Tiên.
“Rất hiếm khi có nhiều tàu ngầm của Triều Tiên rời đi mà không để lại dấu vết gì trong suốt 2 ngày liền. Chúng tôi đang cố tìm chúng, bằng tất cả khả năng hải quân của mình trên Vùng Biển Nhật Bản (Đông Hải)”, giới chức này cho hay.
Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Chang Kwang-Il cho hay các tàu ngầm này có vẻ như tham gia vào một cuộc tập luyện thường kỳ. “Nhưng giới chức quân sự đang theo dõi sát tình hình”, ông Chang nói với các phóng viên.
Căn cứ Chaho nằm ngay phía nam địa điểm phóng tên lửa tầm xa Musudan-ri. Triều Tiên được cho là hiện có khoảng 40 tàu ngầm lớp Sang-O
Thông tin về việc theo dõi tàu ngầm Triều Tiên được đưa ra sau khi Mỹ hôm qua tuyên bố kế hoạch tiến hành một cuộc tập trận chống tàu ngầm ở biển Hoàng Hải vào ngày mai cùng với hải quân Hàn Quốc.
Triều Tiên phủ nhận liên quan đến vụ đắm tàu chiến Cheonan hồi tháng 3, làm 46 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng. Cuối ngày hôm qua nước này tuyên bố sẽ cắt đứt mọi quan hệ với Hàn Quốc nhằm phản đối các cáo buộc của Hàn Quốc.
Triều Tiên dọa đóng con đường giao bang cuối cùng ở biên giới
Ngoài dọa cắt đứt mọi mối quan hệ với Hàn Quốc, Triều Tiên hôm nay còn cảnh báo đóng cửa con đường giao thông cuối cùng giữa hai nước ở vùng biên giới, nếu Seoul tiếp tục với kế hoạch bắc loa tuyên truyền chống phá Bình Nhưỡng.
Triều Tiên hôm qua tuyên bố sẽ cắt đứt mọi quan hệ với Hàn Quốc, sau khi Hàn Quốc tuyên bố có những biện pháp trừng phạt riêng đối với Bình Nhưỡng liên quan đến vụ đắm tàu Cheonan.
Các biện pháp của Hàn Quốc bao gồm, nối lại việc lắp đặt các loa phóng thanh (đã bị ngưng tiếng từ 6 năm qua) gần biên giới, trong “cuộc chiến tâm lý” và thả bóng mang theo những thông điệp chống phá Bình Nhưỡng.
Mặc dù vậy, cho đến nay Triều Tiên vẫn cho phép công nhân Hàn Quốc vào khu công nghiệp chung của hai nước, khu công nghiệp được cho là mang lại nguồn lợi đáng kể cho chính phủ Bình Nhưỡng (hàng chục triệu USD mỗi năm). Động thái cho thấy Triều Tiên vẫn đang rất thận trọng, tránh đưa ra các bước tiến gây tổn thất vật chất cho nước này. Nhưng nếu Triều Tiên cắt đứt liên lạc về đường sá dẫn tới khu công nghiệp chung Kaesong, khu công nghiệp này sẽ không thể hoạt động được.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng hai miền Triều Tiên chắc chắn sẽ không để căng thẳng hiện tại trở thành một cuộc chiến.
Ngoài Kaesong, giữa hai miền Triều Tiên không có mối quan hệ đáng kể nào về kinh tế. Mối quan hệ giữa hai miền gần như đóng băng kể từ khi Tổng thống Lee Myung-bak lên nắm quyền vào năm 2008 ở Hàn Quốc.
“Triều Tiên sẽ không đóng cửa Kaesong ngay lập tức, bởi nước này đang muốn giữ “con át” trong ván bài của mình”, Jang Cheol-hyeon, nhà nghiên cứu tại Viện chiến lược an ninh quốc gia Hàn Quốc nhận định.
Phan Anh
Theo AFP, Reuters