1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hai lý do khiến các lệnh trừng phạt vô hiệu với Triều Tiên

(Dân trí) - Ngoài các nghị quyết trừng phạt liên tiếp của Liên Hợp Quốc từ năm 2006, Triều Tiên còn phải hứng chịu thêm các lệnh cấm vận đơn phương từ các tổ chức và quốc gia như Mỹ hay Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, đây dường như không phải là vấn đề khiến Bình Nhưỡng bận tâm.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới dự tiệc chúc mừng vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới dự tiệc chúc mừng vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Liên Hợp Quốc đã áp đặt các nghị quyết trừng phạt lên Triều Tiên kể từ năm 2006. Những lệnh trừng phạt này ngày càng mạnh lên theo thời gian. Ngoài ra, các tổ chức và các quốc gia khác, trong đó có Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), cũng đưa ra các lệnh trừng phạt đơn phương nhằm vào Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, chương trình hạt nhân của Triều Tiên đến nay vẫn không dừng lại, thậm chí còn phát triển mạnh hơn trước. Điều này cho thấy, rõ ràng các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng đã thất bại, ít nhất đến thời điểm hiện tại.

Lệnh trừng phạt chưa đủ mạnh

Lý do đầu tiên và cũng là lý do dễ hiểu, đó là Triều Tiên chưa bị các lệnh trừng phạt “tấn công” đủ mạnh. Giới quan sát chỉ ra rằng cuộc sống tại Triều Tiên, xét trên lĩnh vực kinh tế, dường như vẫn cải thiện đáng kể từ năm 2006.

“Các lệnh trừng phạt chỉ mang tính hình thức chiếu lệ”, cựu quan chức Triều Tiên đào tẩu Ri Jong Ho, nói với Washington Post.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên cũng không hoàn toàn là hời hợt. Vấn đề lớn nhất ở đây là quá trình thực thi các lệnh trừng phạt này.

Nga và Trung Quốc, 2 đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, thường xuyên né tránh việc thực thi đầy đủ các lênh trừng phạt. Thậm chí trong trường hợp của Trung Quốc, ngay cả khi nước này đã nhất trí tuân thủ nghị quyết của Liên Hợp Quốc, bao gồm việc cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên hồi năm ngoái, Bắc Kinh được cho là vẫn không nghiêm túc thực hiện.

Ngoài Nga và Trung Quốc, các quốc gia khác dường như cũng ngó lơ các lệnh trừng phạt Triều Tiên. Một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc về kinh tế Triều Tiên đã chỉ ra rằng có rất nhiều nước vẫn ngầm giao dịch với Bình Nhưỡng. Chẳng hạn, khi việc xuất khẩu than trực tiếp sang Trung Quốc bị chững lại, Triều Tiên bắt đầu chuyển hướng sang các nước khác như Malaysia.

Chính quyền Triều Tiên cũng bị nghi ngờ tham gia vào hệ thống tên lửa của Syria và gửi các vũ khí huấn luyện tới các nước châu Phi, trong đó có Angola và Uganda.

“Nếu các lệnh trừng phạt được mở rộng, thì phạm vi lách lệnh cũng mở rộng theo”, báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết.

Không quan tâm tới lệnh trừng phạt

Quang cảnh một lễ diễu binh tại thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)
Quang cảnh một lễ diễu binh tại thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)

Các lệnh trừng phạt vốn được thiết kế để thay đổi lập trường của một quốc gia thông qua việc sử dụng sức ép về kinh tế. Về lý thuyết, lãnh đạo các nước bị trừng phạt rốt cuộc sẽ phải nhận ra rằng cái giá mà nền kinh tế của họ phải trả nếu chống lại lệnh trừng phạt là quá lớn, từ đó họ buộc phải thay đổi lập trường ban đầu theo hướng mà chủ thể trừng phạt mong muốn.

Tuy nhiên, Triều Tiên không giống các quốc gia khác. Ban lãnh đạo của nước này không hoạt động giống như cách mà mọi người kỳ vọng. Họ là nước có ban lãnh đạo “khép kín” nhất thế giới. Với hệ thống chính trị như ở Triều Tiên, ý kiến của dư luận dường như không mấy ảnh hưởng tới nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Liên quan tới tham vọng vũ khí gây tranh cãi, Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây nói rằng Triều Tiên “thà ăn cỏ chứ không từ bỏ chương trình hạt nhân của họ”.

Ông Kim Jong-un dường như coi vũ khí hạt nhân là lựa chọn duy nhất để chống lại Mỹ. Những vũ khí này được cho là không chỉ giúp ông tránh bị lật đổ giống như nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi trước đây, mà còn có thể đẩy lực lượng quân sự Mỹ ra khỏi lãnh thổ Hàn Quốc, và thậm chí thống nhất bán đảo Triều Tiên theo điều kiện của Bình Nhưỡng.

Thực tế, sau khi trải qua cuộc chiến tranh liên Triều (1950-1953) và nạn đói trong thập niên 1990, giới chức Triều Tiên từng nghĩ rằng sự hy sinh của họ trước các lệnh trừng phạt, hay tệ hơn là các cuộc chiến tranh, là xứng đáng.

“Nhiều người có thể sẽ phải chết. Nhưng không phải tất cả sẽ cùng chết”, một quan chức Triều Tiên nói với tờ New Yorker.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm