1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hai chuyến bay mất tích MH370 và QZ8501 khác nhau thế nào?

(Dân trí) - Phát biểu trước báo giới trong sáng 29/12, Thủ tướng Úc Tony Abbott khẳng định vụ mất tích máy bay mới đây của AirAsia không bí ẩn như MH370. Nhiều nhà phân tích cũng khẳng định, việc tìm kiếm chuyến bay QZ8501 sẽ khác nhiều so với tìm kiếm MH370.

Hiện Úc đang là nước chỉ đạo chiến dịch tìm kiếm chuyến bay MH370, mất tích hôm 8/3 với 239 người trên khoang, khi đang trên hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh.

Vị trí máy bay AirAsia gặp nạn thuận lợi hơn cho việc tìm kiếm so với MH370
Vị trí máy bay AirAsia gặp nạn thuận lợi hơn cho việc tìm kiếm so với MH370

“Tôi cho rằng sẽ là sai lầm lớn khi cho rằng những gì đã xảy ra với MH370 và vụ việc vừa diễn ra là giống nhau”, Thủ tướng Úc Tony Abbott phát biểu trên kênh 2GB Radio. “MH370, như những gì đang diễn ra, là một trong những bí ẩn lớn của thời đại. Trong khi vụ việc mới này không có vẻ gì đặc biệt bí ẩn”.

“Đó là một chuyến bay bình thường, trên một lộ trình bình thường, theo lịch bay bình thường, nhưng dường như đã gặp phải thời tiết khủng khiếp và bị rơi. Nhưng nó không hề bí ẩn như sự biến mất của MH370, và cũng không phải do một hành động tàn bạo như khi MH17 bị bắn hạ”, Thủ tướng Úc nhấn mạnh.

MH370 biến mất, được tin là đã rơi xuống Ấn Độ Dương, tại khu vực ngoài khơi phía Tây bờ biển Úc, đã khơi mào cho một loạt giả thuyết, trong đó có cả khả năng máy bay bị không tặc.

Tuy nhiên, chuyên gia hàng không Neil Hansford khẳng định viễn cảnh tương tự khó có thể xảy ra với chuyến bay QZ8501 của AirAsia.

“Đó là những hoàn cảnh hoàn toàn khác so với MH370”, Hansford phát biểu trên tờ Daily Telegraph. “Chiếc máy bay này không có khả năng bay rất xa sau khi chuyển hướng”.

Hansford cũng chỉ ra rằng, QZ8501 hoàn toàn đang bay trong không phận Indonesia trước khi mất tích, không có sự chuyển giao vùng quản lý bay như MH370.

“Tình hình không phức tạp như 370, khi người Malaysia đã mắc lỗi khi chuyển giao quyền kiểm soát cho phía Việt Nam. Lần này, họ biết nó ở đâu, và nếu họ không thể tìm thấy máy bay, thì chúng ta đã có rắc rối”.

Cách thức tìm kiếm có nhiều khác biệt

Trong cả hai vụ mất tích, chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines và Airbus A320 của AirAsia đều không phát tín hiệu khẩn cấp. Nhưng điểm khác biệt lớn nhất trong 2 sự vụ này đó là vị trí vùng biển nơi chiếc được tin là A320 rơi xuống vùng biển nông hơn nhiều so với vùng biển Ấn Độ Dương, nơi MH370 biến mất.

Thời điểm mất tích máy bay vẫn nằm trong không phận Indonesia
Thời điểm mất tích máy bay vẫn nằm trong không phận Indonesia

John Nance, một chuyên gia hàng công kiêm cựu phi công của không quân Mỹ cho biết, biển Java sẽ dễ tìm kiếm hơn nhiều, bởi nông hơn và có nhiều thông tin hơn.

“Việc tìm kiếm sẽ dễ dàng hơn bởi nó được lập bản đồ kỹ lưỡng”, Nance nói. Chuyên gia này cũng lưu ý rằng, phi công chuyến bay đã báo cáo về thời tiết cực đoan, và yêu cầu được thay đổi độ cao ngay trước khi mất tích khỏi màn hình radar.

“Do không có cuộc gọi khẩn cấp nào từ tổ lái, cho dù chuyện gì đã xảy ra, nó hẳn rất đột ngột”, Nance nhận định.

Lần cuối cùng phi công của AirAsia liên lạc với kiểm soát không lưu là 6 giờ 13 phút. Đến 6 giờ 16 phút, máy bay vẫn còn trên màn hình radar trước khi mất tích 1 phút sau đó. Trong khi đó khi MH370 biến mất, phải mất tới 17 phút, đài kiểm soát không lưu mới nhận ra.

Phi công của MH370 cũng không thông báo về thời tiết xấu hay tình huống khẩn cấp trước khi mất liên lạc.

Ngoài ra, MH370 được tin là tiếp tục bay rất lâu sau khi mất liên lạc với kiểm soát không lưu, đồng thời bộ phát đáp tín hiệu trên máy bay bị tắt đi, càng làm tăng sự bí ẩn về những gì đã diễn ra trên khoang.

Nance cho rằng, khó có khả năng chuyến bay của AirAsia vẫn tiếp tục bay sau khi biến mất khỏi màn hình radar, bởi rất có thể nó sẽ xuất hiện trên màn hình radar dân sự hoặc quân sự quanh vùng biển Java.

Thanh Tùng
Tổng hợp