Gruzia nói từng được Ukraine kêu gọi mở mặt trận thứ 2 chống Nga
(Dân trí) - Ông Irakly Garibashvili, Thủ tướng Gruzia, quốc gia láng giềng của Nga, cho biết Ukraine từng cố thuyết phục Tbilisi mở mặt trận thứ 2 để chống lại Moscow.
Trong bài phát biểu trước quốc hội Gruzia hôm 18/11, Thủ tướng Garibashvili cho rằng, nước này có thể đã biến thành "trường bắn" trong xung đột Nga - Ukraine nếu các lãnh đạo phe đối lập kiểm soát quốc gia.
Ông Garibashvili cho biết, Ukraine từng cố gắng thuyết phục Gruzia tham gia vào cuộc xung đột kéo dài hơn 8 tháng qua với Nga.
Theo nhà lãnh đạo này, những nỗ lực của Ukraine để kêu gọi Gruzia mở một "mặt trận thứ hai" chống lại Nga "không phải là diễn giải từ một phát biểu, cũng không phải là chuyện tưởng tượng", mà là một "trích dẫn trực tiếp" từ những gì đã được nói trong một cuộc họp báo trước đó.
"Những người ở phe đối lập tại Gruzia và những đồng minh của họ ở Ukraine, hãy tưởng tượng nếu họ nắm quyền ở Gruzia lúc này. Có ai nghi ngờ về kịch bản một mặt trận thứ hai sẽ được mở ra ở Gruzia, biến đất nước này thành một trường bắn không?", ông nói.
Gruzia cho đến nay chưa tham gia các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga vì mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ông Garibashvili hồi tháng 4 đã tuyên bố rằng, quốc gia này sẽ không tham gia cuộc chiến, vì nó sẽ đi ngược lại lợi ích quốc gia của Gruzia.
Theo RT, sau khi Nga đưa quân vào Ukraine hồi cuối tháng 2, một số quan chức Kiev, bao gồm Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine Aleksey Danilov từng kêu gọi một số quốc gia, trong đó có Ba Lan, Moldova và Gruzia, mở chuỗi "mặt trận thứ 2" chống lại Nga. Chưa quốc gia nào cho tới nay thực hiện theo lời kêu gọi của Ukraine.
Gruzia là nước láng giềng ở phía tây nam của Nga. Căng thẳng giữa Nga và Gruzia leo thang hồi năm 2008 với việc Nga mở chiến dịch quân sự ở quốc gia láng giềng từ ngày 8/8/2008 và kết thúc sau 5 ngày giao tranh, khiến Gruzia chịu thiệt hại nặng về lực lượng và cơ sở hạ tầng quốc phòng. Năm 2008, Nga công nhận nền độc lập của 2 vùng ly khai Gruzia là Abkhazia và Nam Ossetia. Nga cũng duy trì hiện diện quân sự tại hai vùng này, khẳng định đây là hành động phù hợp với nguyện vọng của người dân địa phương.
Trên thực tế, Nam Ossetia đã tuyên bố độc lập khỏi Gruzia vào tháng 12/1991, lập ra nhà nước cộng hòa tự xưng, nhưng chưa được nhiều bên công nhận.
Hồi tháng 3, giới chức Nam Ossestia từng nêu ra đề xuất tổ chức trưng cầu dân ý để có thể sáp nhập vùng này vào Nga. Tuy nhiên, Nga sau đó cho hay họ chưa có kế hoạch thực hiện điều này.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Nếu nghiêm túc về ý tưởng trưng cầu dân ý, khi đó Nga sẽ thực hiện vấn đề này một cách hợp pháp".
Cuối tháng 5, lãnh đạo Nam Ossetia Alan Gagloev đã thông báo hủy kế hoạch trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga vào tháng 7 vì "không chắc chắn về hậu quả pháp lý của vấn đề được đưa ra" để hỏi ý kiến người dân.
Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ ngày 24/2. Nỗ lực chấm dứt chiến sự thông qua đàm phán tới nay chưa đạt được đột phá do bất đồng trong các vấn đề liên quan đến lãnh thổ. Moscow tuyên bố chỉ chấm dứt chiến dịch quân sự khi Ukraine cam kết trung lập, công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga, công nhận độc lập của Donetsk và Lugansk.