1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Giới buôn lậu Triều Tiên hết thời vì đâu?

(Dân trí) - Công việc của những người buôn lậu nhỏ lẻ từng bí mật giúp kết nối Triều Tiên với thế giới bên ngoài ngày càng sa sút kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền và hàng loạt doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đã thâu tóm “thị phần” thương mại ở dọc biên giới Trung - Triều.

Khu vực biên giới Triều Tiên - Trung Quốc (Ảnh: AFP)
Khu vực biên giới Triều Tiên - Trung Quốc (Ảnh: AFP)

Khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un tăng cường phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa, các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế nhằm vào Triều Tiên cũng ngày càng được siết chặt hơn. Thực tế này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc trong hoạt động làm ăn ở khu vực dọc biên giới Trung - Triều, trong khi đẩy giới buôn lậu Triều Tiên vào hoàn cảnh khó khăn.

“Trước đây tôi có thể buôn 10 tivi hay tủ lạnh cùng một lúc. Nhưng giờ không còn được thế nữa”, người đàn ông ngoài 50 tuổi từng hoạt động dọc các tuyến đường bí mật và vượt sông buôn lậu trước khi nghỉ hưu vào năm ngoái cho biết.

Ở Triều Tiên, nơi thường xuyên phải đối mặt với sự cô lập và trừng phạt, buôn lậu không hẳn là hành vi phạm pháp. Trước đây, các đối tượng buôn lậu thường mang thực phẩm về Triều Tiên trong thời kỳ xảy ra nạn đói, sau đó họ mang tất cả những gì có thể mang được, từ phụ tùng xe ô tô, cho tới các băng đĩa chương trình truyền hình Hàn Quốc. Họ có thể đem tivi về Triều Tiên, sau đó tìm cách đưa các gia đình Triều Tiên rời khỏi nước này. Buôn lậu trở thành một công việc được tôn trọng, mở đường cho sự xuất hiện của một tầng lớp trung lưu tại Triều Tiên.

Buôn lậu ở vùng biên giới Trung - Triều bắt đầu nở rộ từ giữa thập niên 1990 khi nạn đói tràn lan ở Triều Tiên. Khi chính quyền nới lỏng hoạt động kiểm soát, những người Triều Tiên liều lĩnh bắt đầu vượt biên sang Trung Quốc để tìm thực phẩm hoặc việc làm. Sau này, khi nạn đói ở Triều Tiên giảm dần đi, các hoạt động thương mại bí mật qua biên giới bằng hình thức buôn lậu vẫn tiếp tục diễn ra.

Đường biên giới dài 1.400 km đóng vai trò then chốt đối với nền kinh tế Triều Tiên, trong đó quốc gia láng giềng Trung Quốc chiếm khoảng 90% thương mại với Bình Nhưỡng. Dù cộng đồng quốc tế áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại Triều Tiên từ hơn 10 năm trước, nhưng Trung Quốc mới bắt đầu siết chặt hoạt động giao thương với Bình Nhưỡng trong vòng một năm qua.

Sự thâu tóm của các công ty Trung Quốc

Các xe tải từ Triều Tiên di chuyển qua cây cầu ở biên giới với Trung Quốc (Ảnh: Kyodo)
Các xe tải từ Triều Tiên di chuyển qua cây cầu ở biên giới với Trung Quốc (Ảnh: Kyodo)

Khi lệnh cấm vận được siết chặt hơn, cỗ máy thương mại qua biên giới cũng trở nên phức tạp hơn. Theo ông John Park, Giám đốc Nhóm Nghiên cứu Triều Tiên tại Trường Kennedy thuộc Đại học Harvard, các tay buôn nhỏ lẻ đang phải hứng chịu hệ quả từ các lệnh cấm vận này. Là chuyên gia nghiên cứu về cách thức các công ty Trung Quốc thâu tóm thương mại ở biên giới với Triều Tiên trong bối cảnh trừng phạt, ông John cho rằng đây là cơ hội để Trung Quốc tiếp cận các khách hàng Triều Tiên.

Để né tránh các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên, các công ty Trung Quốc hoạt động ngày càng tinh vi hơn. Khi Triều Tiên bị cấm xuất khẩu than, một số tàu chở than đã đi vòng qua Nga để che giấu nguồn gốc. Khi các doanh nghiệp Triều Tiên ở nước ngoài bị buộc phải đóng cửa, họ mở các công ty bình phong hoặc thuê trung gian Trung Quốc. Khi người tiêu dùng bị cấp mua các sản phẩm do Triều Tiên sản xuất, các nhà máy được cho là đã gắn mác “made in China” để che mắt.

Khi các hoạt động thương mại theo hình thức toàn cầu hóa nở rộ ở khu vực biên giới Trung - Triều, các tay buôn lậu “kỳ cựu” không thể theo kịp và hết đường làm ăn.

“Tôi từng kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng bây giờ không còn kiếm được nữa”, người đàn ông ngoài 40 tuổi từng làm công việc buôn lậu trước khi trở thành lao động thời vụ ở Hàn Quốc cho biết.

Người đàn ông này cho biết, trong nhiều năm, các đơn vị biên phòng Triều Tiên từng “bật đèn xanh” để ông có thể mang hàng hóa ra vào Triều Tiên. Đổi lại, ông sẽ trả tiền hoặc hàng hóa hối lộ cho giới chức biên phòng. Vào những ngày cao điểm, người đàn ông này có thể kiếm được hơn 3.600 USD và một năm sẽ có vài đợt may mắn như vậy. Giống như những tay buôn lậu khác, ông thừa nhận đã vi phạm nhiều luật.

Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, các lệnh trừng phạt bắt đầu được siết chặt và lính biên phòng Triều Tiên cũng ngày càng cảnh giác hơn. Có tin đồn nói rằng “bất kỳ ai bị bắt gặp giúp đỡ người buôn lậu sẽ bị xử tử”.

“Họ nói với chúng tôi rằng họ rất sợ và sẽ không giúp chúng tôi nữa, kể cả khi chúng tôi trả họ bao nhiêu tiền đi chăng nữa”, người đàn ông Triều Tiên nói về nỗi lo lắng của lính biên phòng.

Thành Đạt

Theo SCMP