1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc tính xây trại tị nạn ở biên giới với Triều Tiên?

(Dân trí) - Các thành phố và làng mạc Trung Quốc nằm dọc biên giới Trung- Triều được cho là đã lên kế hoạch xây dựng trại tị nạn, động thái dường như nhằm chuẩn bị cho kịch bản hàng ngàn người tị nạn Triều Tiên trốn chạy khi bất ổn gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.

Biên giới Trung Quốc - Triều Tiên. (Ảnh minh họa: Wikipedia)
Biên giới Trung Quốc - Triều Tiên. (Ảnh minh họa: Wikipedia)

Straits Times trích tài liệu mật của công ty viễn thông quốc doanh Trung Quốc China Mobile vô tình bị tiết lộ trên trang Weibo, cho biết 3 ngôi làng ở quận Trường Bạch và 2 thành phố ở tỉnh biên giới đông bắc của Cát Lâm được cho là đã được chọn là nơi xây dựng trại tị nạn Trung Quốc.

Trong tài liệu được công bố, China Mobile được cho là đã khảo sát 5 địa điểm vào ngày 2/12 theo yêu cầu của chính quyền quận Trường Bạch về vấn đề tín hiệu mạng internet tại khu vực trại tị nạn. Bản báo cáo viết: “Vì tình hình phức tạp ở biên giới Trung - Triều thời gian gần đây, chính quyền quận Trường Bạch yêu cầu thiết lập 5 trại tị nạn”.

Theo một doanh nhân ẩn danh, địa điểm dự kiến thành lập trại tị nạn là khu đất do nhà nước Trung Quốc quản lý và một số nhà tạm có thể đã được xây cất. Ngoài ra, 2 thành phố Đồ Môn và Hồn Xuân dường như cũng có trong kế hoạch tiếp nhận người tị nạn Triều Tiên.

Đây là một động thái bất ngờ, được giới quan sát nhận định rằng dường như Trung Quốc đang chuẩn bị cho kịch bản tình hình Bình Nhưỡng ngày càng bất ổn sẽ đẩy dòng người tị nạn Triều Tiên sẽ bơi qua sông Đồ Môn để chạy trốn sang Trung Quốc.

Trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc vừa là láng giềng vừa là đồng minh thân thiết được cho là đã có những chính sách giúp ổn định tình hình xã hội Triều Tiên. Tuy nhiên, trong bối cảnh Triều Tiên liên tiếp thử nghiệm vũ khí và đón nhận hàng loạt lệnh trừng phạt vì tham vọng hạt nhân, kịch bản bất ổn dường như hiện hữu khá rõ ràng.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 11/12 chia sẻ rằng ông không biết về tài liệu của China Mobile, tuy nhiên ông không phủ nhận về sự tồn tại của trại tị nạn. Quan chức quận Trường Bạch không trả lời điện thoại của báo chí và đại diện China Mobile ở quận này từ chối bình luận về vấn đề.

Cát Lâm cách bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên khoảng gần 100km. Hồi tuần trước, tờ báo của tỉnh này từng đăng tải bài báo hướng dẫn người dân cách sống sót nếu xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân

Theo ông Zhang Liangui, giáo sư tại trường đảng Trung Quốc việc Bắc Kinh xây cất trại tị nạn (nếu có) là hoàn toàn hợp lý vì họ dường như đang chuẩn bị cho “mọi kịch bản có thể xảy đến trên bán đảo Triều Tiên”.

Đức Hoàng

Theo Straits Times