1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Giáo sư Thayer: Việt Nam có thể tiếp cận công nghệ quốc phòng của Mỹ

(Dân trí) - "Việt Nam có thể tiếp cận công nghệ quốc phòng của Mỹ để giúp cải thiện khả năng thiết lập các hệ thống phòng thủ, đặc biệt về tình báo, giám sát, trinh sát và nhận thức chủ quyền hàng hải. Điều này sẽ tạo kết nối trong ngành công nghiệp quốc phòng quốc gia giữa Mỹ và Việt Nam", Giáo sư Thayer cho hay.


Giáo sư Carl Thayer (Ảnh: Diplomat)

Giáo sư Carl Thayer (Ảnh: Diplomat)

Giáo sư Carl Thayer, từ Học viện Quốc phòng Úc, đưa ra những bình luận trên trong cuộc trao đổi với phóng viên Dân trí về khả năng Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam trong chuyến thăm của ông Obama tuần tới.

Theo ông, Việt Nam có ý nghĩa như thế nào trong chính sách đối thoại của Tổng thống Obama? Có ý kiến cho rằng chuyến thăm Việt Nam của ông Obama hơi muộn vì ông đang ở những tháng cuối trong nhiệm kỳ thứ 2. Ông có bình luận gì về điều này?

Tôi cho rằng Tổng thống Obama muốn giữ lời hứa với nguyên Chủ tịch Trương Tấn Sang vào năm 2013 rằng ông sẽ thăm Việt Nam trước khi nhiệm kỳ 2 kết thúc. Nói cách khác, ông Obama muốn đáp lễ chuyến thăm của Chủ tịch Trương Tấn Sang. Nhưng thực tế chuyến thăm của ông Obama quan trọng hơn thế nhiều. Ông Obama muốn thiết lập đường hướng cho tương lai quan hệ song phương với Việt Nam, như ông đã làm với Cuba và Iran.

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 23-25/5. Chuyến thăm sẽ diễn ra tại thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Obama sẽ là tổng thống thứ 3 liên tiếp của Mỹ thăm Việt Nam, sau 2 tổng thống tiền nhiệm là Bill Clinton và George W. Bush.

Trong trường hợp của Việt Nam, quan hệ song phương Việt-Mỹ đã rất phát triển. Tổng thống Obama muốn tăng cường hợp tác trong khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện. Ông ấy sẽ giải quyết các vấn đề của quá khứ và hướng tới tương lai. Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công trong chính sách tái cân bằng sang châu Á-Thái Bình Dương của nhà lãnh đạo Mỹ.

Là một chuyên gia hiểu rõ về Đông Nam Á và Việt Nam, ông quan tâm tới điều gì trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ lần này?

Việt Nam có và đang đóng vai trò tích cực, quan trọng trong khối ASEAN, trong các vấn đề khu vực cũng như toàn cầu. Tôi sẽ chú ý tới cách thức hai bên giải quyết các vấn đề quan tâm theo hướng xây dựng, và quan trọng hơn là thúc đẩy mối quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực của quan hệ đối tác toàn diện: chính trị và ngoại giao; thương mại và kinh tế; khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo, y tế và môi trường; các vấn đề di sản chiến tranh; an ninh và quốc phòng; bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền; văn hóa; thể thao và du lịch.

Lĩnh vực ưu tiên sẽ là quan hệ kinh tế và TPP. Việt Nam nhiều khả năng sẽ phê chuẩn TPP vào tháng 6 tới. Trong khi đó, việc phê chuẩn của Mỹ đang bị hoài nghi và sẽ được quyết định vào năm 2017. Tôi muốn xem Tổng thống Obama sẽ đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc thuyết thục Thượng viện Mỹ phê chuẩn TPP.

Gần đây, có nhiều thảo luận về khả năng Washington sẽ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam trong chuyến thăm của ông Obama. Nếu Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm này, điều đó có ý nghĩa gì với cả hai nước?

Việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương có ý nghĩa chính trị lớn và sẽ chấm dứt di sản của quá khứ. Sẽ không còn cản trở nào trong quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam.

Rõ ràng là việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sẽ thúc đẩy việc thực thi Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng (được ký kết trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tháng 6/2015 - PV), vốn nhắc tới thương mại và công nghệ hướng tới hợp tác sản xuất. Việt Nam có thể tiếp cận công nghệ quốc phòng của Mỹ để giúp cải thiện khả năng nhằm thiết lập các hệ thống phòng thủ, đặc biệt về tình báo, giám sát, trinh sát và nhận thức về các vấn đề hàng hải. Điều này sẽ tạo kết nối trong ngành công nghiệp quốc phòng quốc gia giữa Mỹ và Việt Nam.

Một khi lệnh cấm được dỡ bỏ, Việt Nam có thể thể hiện mình muốn mua gì. Tuy nhiên, kể từ khi lệnh cấm bán vũ khí được dỡ bỏ một phần vào năm 2014, có vẻ như Việt Nam chưa có động thái gì.

Ông dự đoán vấn đề Biển Đông sẽ được quan tâm như thế nào trong chuyến thăm này?

Tôi cho rằng hai bên sẽ thống nhất rằng các tranh chấp ở Biển Đông nên được giải quyết một cách hòa bình mà không sử dụng vũ lực hay mối đe dọa vũ lực theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển. Hai nước sẽ ủng hộ tự do hàng hải. Mỹ và Việt Nam nhiều khả năng cũng sẽ hối thúc tất cả các bên tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài. Và tất nhiên hai bên sẽ ủng hộ chính sách của ASEAN nhằm thực thi DOC và nhanh chóng hoàn tất đàm phán về COC. Cả hai nước nhiều khả năng sẽ bày tỏ lo ngại về “những diễn biến gần đây” ở Biển Đông, dù có thể không nhắc đích danh Trung Quốc.

Chuyến thăm của Tổng thống Obama có ý nghĩa như thế nào đối với tương lai quan hệ Việt-Mỹ?

Chuyến thăm của ông Obama sẽ tạo bản đồ lộ trình để người kế nhiệm tiếp tục đường hướng tăng cường quan hệ với Việt Nam. Ông Obama sắp hết nhiệm kỳ, nhưng nhiều nghị sĩ vẫn tại nhiệm. Vì vậy, quan hệ song phương Việt-Mỹ đang có nền tảng tốt và có thể được tăng cường hơn nữa trong những năm tới.

Trân trọng cảm ơn ông!

An Bình

(Thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm