1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ sẽ điều tàu tới đảo nhân tạo phi pháp nào của Trung Quốc ở Biển Đông?

(Dân trí) - Chuyên gia Greg Poling, từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), đã đưa ra những nhận định về các đảo nhân tạo của Trung Quốc mà hải quân Mỹ có thể điều tàu và phản ứng tiềm tàng của Bắc Kinh nếu Washington hiện thực hóa điều đó.

 


Các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang bồi đắp, xây dựng ở Biển Đông (Ảnh: CSIS-AMTI//DigitalGlobe)

Các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang bồi đắp, xây dựng ở Biển Đông (Ảnh: CSIS-AMTI//DigitalGlobe)

Các nguồn tin báo chí Mỹ hồi tháng này cho hay, Mỹ đã quyết định sẽ điều tàu tới sát các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam, trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục các hoạt động cải tạo và xây dựng trái phép tại khu vực này.

Chính phủ Mỹ được cho là đã thông báo kế hoạch điều tàu vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông cho các quốc gia Đông Nam Á và muốn các nước này hiểu rằng hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải sẽ được thực hiện sớm, nhưng không nói rõ khi nào.

Trao đổi với Dân Trí, chuyên gia Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington, cho biết chính quyền Mỹ thảo luận về vấn đề này trong nhiều tháng qua và cuối cùng đã đưa ra quyết định.

Mỹ nói rằng, theo luật pháp quốc tế, việc xây dựng các đảo nhân tạo trên các bãi cạn ngập nước trước đó không cho phép một quốc gia tuyên bố giới hạn lãnh hải, có nghĩa là không có vùng 12 hải lý. Trên cơ sở đó, Trung Quốc không có lý do gì để từ chối tàu của các nước khác, bao gồm tàu quân sự, đi vào bên trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo.

 

Gregory Poling là Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) và một thành viên cấp cao của Ban Chủ tịch Sumitro về nghiên cứu Đông Nam Á tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington, Mỹ. Ông phụ trách các dự án nghiên cứu tập trung vào chính sách đối ngoại của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là về các quốc gia thành viên của ASEAN. Các mối quan tâm nghiên cứu của ông bao gồm tranh chấp ở Biển Đông, dân chủ hóa tại Đông Nam Á và chủ nghĩa đa phương tại châu Á. Ông Poling đã xuất bản các cuốn sách về châu Á. (Nguồn: CSIS)
Gregory Poling là Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) và một thành viên cấp cao của Ban Chủ tịch Sumitro về nghiên cứu Đông Nam Á tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington, Mỹ. Ông phụ trách các dự án nghiên cứu tập trung vào chính sách đối ngoại của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là về các quốc gia thành viên của ASEAN. Các mối quan tâm nghiên cứu của ông bao gồm tranh chấp ở Biển Đông, dân chủ hóa tại Đông Nam Á và chủ nghĩa đa phương tại châu Á. Ông Poling đã xuất bản các cuốn sách về châu Á. (Nguồn: CSIS)

Theo ông Poling, việc tiến hành các hoạt động tự do hàng hải là một phần thông thường trong chính sách của Mỹ. Những hoạt động như vậy diễn ra khắp nơi trên thế giới hàng năm trong nhiều thập niên qua, trong đó có Biển Đông.

“Mục đích của Washington là để chứng tỏ Mỹ không công nhận điều mà nước này xem là các tuyên bố hàng hải quá đáng hoặc những giới hạn đối với các hoạt động hợp pháp trong những vùng biển của thế giới. Đó cũng là lý do để Mỹ thực hiện các hoạt động như vậy ở Biển Đông”, chuyên gia từ CSIS nói.

Tuy nhiên, ông Polling dự đoán rằng Mỹ có thể thực hiện các hoạt động tự do hàng hải chỉ quanh các thực thể bị ngập nước khi thủy triều cao trước khi Trung Quốc tiến hành các hoạt động cải tạo. Trong trường hợp này, đó là bãi Vành Khăn và Xu Bi.

Ông Rory Medcalf, người đứng đầu Đại học An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Úc ở Canberra, mới đây cũng cho biết với Bloomberg rằng 3 trong số các bãi cạn ở quần đảo Trường Sa bị biến thành các đảo nhân tạo - Vành Khăn, Xu Bi và Gaven - trước đây bị ngập nước khi thủy triều cao và do đó không tạo ra vùng lãnh hải 12 hải lý theo luật pháp quốc tế.

Theo ông Medcalf, một trong 3 bãi cạn đó có thể là nơi Mỹ sẽ thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong một cuộc đối đầu có nguy cơ căng thẳng trên biển.

Dự đoán về phản ứng của Trung Quốc nếu Mỹ điều tàu áp sát các đảo nhân tạo, ông Poling nhận định rằng nếu Trung Quốc phản đối các hoạt động của Mỹ trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo, Bắc Kinh hoặc là buộc phải đưa ra giải thích cho sự phản đối này, nếu không sẽ tiếp tục đối mặt với sự chỉ trích về việc phớt lờ luật pháp quốc tế.

“Dù Trung Quốc có hành động thế nào thì việc Mỹ làm vậy, một cách hợp thức và trong khuôn khổ pháp lý cho phép, sẽ gửi đi một thông điệp tới Bắc Kinh rằng Washington sẽ không lùi bước trong việc bảo vệ luật pháp quốc tế và quan trọng hơn là sẽ gia tăng sức ép lên các lãnh đạo Trung Quốc nhằm cuối cùng phải công khai với thế giới chính xác là họ đang tuyên bố chủ quyền gì ở Biển Đông”, ông Poling cho hay.

Theo ông Poling, Trung Quốc sẽ phản ứng nhưng nhiều khả năng cũng vẫn là những tuyên bố mơ hồ như nước này từng đưa ra trong quá khứ liên quan tới bất kỳ điều gì mà Bắc Kinh làm với các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, mỗi khi làm như vậy, Trung Quốc lại càng đánh mất sự tín nhiệm với tư cách là một quốc gia có trách nhiệm trong khu vực và quốc tế.

“Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ phản ứng dữ dội hay bằng vũ lực, vì Mỹ thường tiến hành các hoạt động như vậy trong các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở những nơi khác hàng năm mà không xảy ra chuyện gì”, chuyên gia CSIS nhận định.

Trung Quốc đã tiến hành cải tạo đất và xây dựng ít nhất 7 đảo nhân tạo trên các bãi đá ngầm ở Trường Sa nhằm thực hiện tham vọng bành trướng trên biển của nước này.

Bắc Kinh phủ nhận việc quân sự hóa Biển Đông, nói rằng các công trình xây dựng chỉ phục vụ mục đích dân sự. Nhưng các nhà phân tích tại Washington và giới chức Mỹ cáo buộc rằng Bắc Kinh đã bắt đầu thiết lập các cơ sở quân sự tại đó.

Bloomberg đã dẫn lời ông Polling cho biết Trung Quốc đang gần hoàn thành một đường băng trên bãi Chữ Thập, có khả năng tiếp nhận hầu hết các máy bay quân sự của Trung Quốc. Dựa vào các bức ảnh vệ tinh được chụp hồi tháng 9, ông Polling cho hay hai đường băng khác cũng đang được xây dựng trên bãi Vành Khăn và Xu Bi.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, chồng lấn lên các vùng biển của Philippines, Brunei, Malaysia, Việt Nam. Mỹ tuyên bố không công nhận các tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc và rằng hải quân Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất kỳ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép.

An Bình

(Buithen@dantri.com.vn)