Giáo hoàng Francis: "Chúng ta đang thấy bóng dáng của Thế chiến III"
(Dân trí) - Giáo hoàng Francis cho rằng, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine "có lẽ bằng cách nào đó đã bị kích động" và thế giới cần từ bỏ lối tư duy người tốt - kẻ xấu trong cuộc chiến này.
"Cách đây vài năm, tôi nói rằng, chúng ta đang thấy bóng dáng của Thế chiến III. Với tôi, giờ đây, Thế chiến III đã bắt đầu... Điều gì sẽ xảy ra với nhân loại khi phải trải qua 3 cuộc chiến tranh thế giới trong vòng một thế kỷ. Đó là một thảm họa", Giáo hoàng Francis trả lời phỏng vấn tạp chí La Civiltà Cattolica tháng trước khi bình luận về xung đột Nga - Ukraine. Ông chỉ ra, trong khi sự tập trung đổ dồn về cuộc xung đột Nga - Ukraine, chiến sự cũng đang xảy ra ở một số nơi khác trên thế giới.
Giáo hoàng Francis lên án "sự tàn khốc" của cuộc xung đột Nga - Ukraine, đồng thời cảnh báo lối tư duy người tốt - kẻ xấu trong cuộc chiến này. "Chúng ta cần từ bỏ lối tư duy trong câu chuyện Cô bé quàng khăn đỏ, trong đó cô bé quàng khăn đỏ là người tốt, sói là kẻ xấu", Giáo hoàng nói.
Ông cho rằng, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine "có thể đã bị kích động". Ông kể lại, khoảng 2 tháng trước khi xung đột nổ ra, ông đã gặp gỡ một nguyên thủ quốc gia, người này nói rằng ông quan ngại về những động thái của NATO. "Tôi đã hỏi ông ấy tại sao, ông ấy chỉ đáp, họ (NATO) đang ồn ào trước cửa ngõ của Nga. Họ không hiểu rằng Nga không chấp nhận bất cứ thế lực nước ngoài nào tiến sát họ", Giáo hoàng Francis cho biết.
Giáo hoàng nhấn mạnh thêm: "Chúng ta không nhìn thấy toàn bộ câu chuyện đằng sau cuộc chiến này, có lẽ nó đã bị kích động hoặc không được ngăn chặn". Ngoài căng thẳng Nga - NATO, Giáo hoàng cho rằng, ngành công nghiệp vũ khí có thể là một trong những yếu tố dẫn tới chiến tranh.
Nga mở chiến dịch tấn công quân sự ở Ukraine từ cuối tháng 2. Theo Giáo hoàng Francis, khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga tin rằng nó sẽ chỉ kéo dài một tuần, nhưng xung đột đã vượt ra ngoài dự đoán.
Giới quan sát tin rằng, chiến dịch quân sự của Nga có căn nguyên sâu xa từ việc NATO mở rộng hiện diện ở khu vực, kéo theo mối đe dọa an ninh với Moscow.
Trước khi xung đột nổ ra, Moscow đã đề nghị NATO cam kết không mở rộng về phía đông, không đặt các hạ tầng quân sự gần biên giới Nga, không kết nạp Ukraine. Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh đã bác bỏ đề nghị này.
Trong bối cảnh chính sách "Đông tiến" của NATO tiếp tục khiến Nga bất an, cuối tháng trước, Phần Lan và Thụy Điển đồng loạt nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt. NATO và một số nước thành viên cam kết sẽ đảm bảo an ninh cho 2 quốc gia Bắc Âu này trong quá trình gia nhập có thể kéo dài 1 năm. Moscow nói rằng, kế hoạch gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển là mối đe dọa và Nga sẵn sàng đáp trả.