1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

"Giải mã" vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên

(Dân trí) - Nga đang thể hiện vai trò ngày càng lớn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, tuy nhiên phía sau sự can dự này được cho là có những tính toán riêng của chính quyền Tổng thống Vladimir Putin, đặc biệt trong mối quan hệ với Mỹ.


Từ trái qua phải: Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Getty)

Từ trái qua phải: Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Getty)

Sự can dự ngày càng tăng của Nga

Theo nhà phân tích Josh Rogin , Nga đang tìm cách thể hiện vai trò lớn hơn trong cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cả bằng những hành động công khai cũng như các động thái phía sau “hậu trường”.

Tuy nhiên, các quan chức và giới chuyên gia Mỹ lo ngại rằng những nỗ lực của Tổng thống Vladimir Putin trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên không xuất phát từ mong muốn đối phó với mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng, mà từ chính những dự tính của Nga bấy lâu nay, đó là vừa nâng cao tầm ảnh hưởng của Moscow, vừa tạo ra đối trọng với Washington.

Không chỉ Mỹ mà cả các đồng minh của Mỹ và chính Triều Tiên cũng đều đang tìm cách đối phó với sự can thiệp ngày càng tăng của Nga vào cuộc khủng hoảng ngoại giao vốn đã rất phức tạp. Đối với chính quyền của Tổng thống Donald Trump, sự giúp đỡ chân thành từ phía Nga trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên là điều đáng hoan nghênh, nhưng Washington vẫn chưa nhìn ra sự chân thành đó từ Moscow.

“Họ (Nga) muốn ngồi vào bàn đàm phán, họ muốn được trở thành một bên tham gia, họ muốn xây dựng ảnh hưởng để đóng vai trò hoặc như một bên phá rối hoặc như một bên trung gian hòa giải. Họ chắc chắn muốn đạt được một điều gì đó”, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.

Kênh ngoại giao ngầm

Việc Nga có vai trò ngày càng lớn trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên là điều có thể thấy rõ. Khi tham dự hội nghị thượng đỉnh của khối BRICS tại Trung Quốc, Tổng thống Putin đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ kế hoạch của Mỹ nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Bình Nhưỡng. Nhà lãnh đạo Nga nhận định các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Triều Tiên là “vô tác dụng và không hiệu quả”, đồng thời cho rằng thế giới nên đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng.

“Họ (Triều Tiên) thà ăn cỏ, chứ không từ bỏ chương trình hạt nhân, chừng nào họ chưa cảm thấy an toàn”, ông Putin nói.

Theo đánh giá của các quan chức Mỹ, Nga đang tăng cường can dự vào cuộc khủng hoảng Triều Tiên bằng các kênh ngoại giao “ngầm”. Chính phủ của Tổng thống Putin gần đây đã mời đặc phái viên đặc biệt phụ trách Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ, Đại sứ Joe Yun, tới Nga để tham gia các cuộc thảo luận hồi đầu tháng 9 về việc tiến hành các cuộc đối thoại với Triều Tiên. Đại sứ Yun ban đầu chấp thuận lời mời này, nhưng sau đó chuyến đi bất ngờ bị hoãn và hiện vẫn chưa có lịch trình tiến hành lại.

Ngoài ra, Nga cũng mời Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui tới Nga vào cuối tháng này. Mục đích của chuyến thăm này là nhằm thăm dò ý kiến của Bình Nhưỡng về khả năng nối lại các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên. Trong khi đó, Tổng thống Putin cũng đã có cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 6/9 tại Vladivostok để trao đổi về tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

"Cây gậy và củ cà rốt"

Hai nhà lãnh đạo Nga Mỹ gặp nhau bên lề hội nghị G20 tại Đức hồi tháng 7 (Ảnh: Reuters)
Hai nhà lãnh đạo Nga Mỹ gặp nhau bên lề hội nghị G20 tại Đức hồi tháng 7 (Ảnh: Reuters)

Các quan chức Mỹ cho biết đối thoại với chính quyền Triều Tiên không nằm trong số các phương án được Mỹ đưa ra xem xét ở thời điểm hiện tại. Nhà Trắng sẽ tập trung vào việc tăng cường gây sức ép với Triều Tiên, đồng thời phối hợp với Trung Quốc để thực thi nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đại sứ Joe Yun có thể sẽ vẫn duy trì các cuộc tiếp xúc thường xuyên với chính phủ Nga, tuy nhiên Mỹ nhìn chung không quan tâm nhiều tới vai trò ngoại giao của Nga trong cuộc khủng hoảng này.

Liên quan tới cuộc khủng hoảng, Nga đã đưa ra đề xuất về việc Mỹ và Hàn Quốc giảm các cuộc tập trận quân sự để đổi lấy việc Triều Tiên dừng các chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi. Tuy nhiên, Washington và Seoul đều không đồng tình với phương án này.

Giới chuyên gia nhận định, Nga thừa hiểu đề xuất của nước này sẽ không được Mỹ chấp thuận, nhưng Nga vẫn duy trì đề xuất. Điều đó cho thấy, điều Tổng thống Putin thực sự quan tâm chỉ là khẳng định vị thế của Nga và đạt được cán cân ngang bằng với Mỹ, thay vì thực sự tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên.

“Điều này tạo cho Nga cơ hội để thể hiện rằng họ có thể đóng góp, hoặc có thể cản trở chính sách đối ngoại của Mỹ. Xét từ khía cạnh chính sách đối ngoại, điều này cho phép họ duy trì cách tiếp cận “cây gậy và củ cà rốt” với Washington”, Giám đốc điều hành Trung tâm Lợi ích Quốc gia Paul Saunders nhận định.

Liệu Nga - Mỹ có thể hợp tác?

Chính quyền của Tổng thống Trump đã từng phối hợp với Nga, như trong vấn đề Syria. Tuy nhiên, hợp tác giữa hai nước trong vấn đề Triều Tiên được cho là cực kỳ khó, xét trong bối cảnh đội ngũ của Tổng thống Trump đang bị điều tra về nghi vấn thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, cũng như các lệnh trừng phạt mà Mỹ đang áp dụng với Nga và cuộc chiến “ăn miếng trả miếng” ngoại giao đang diễn ra giữa hai nước.

Nếu Nga có thể khẳng định rằng họ là một nhân tố quan trọng trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên, thì Moscow có thể sử dụng điều đó như một quân bài mặc cả trong các lĩnh vực khác. Ngoài ra, Nga cũng có thể sử dụng chính những lời chỉ trích nhằm vào các lệnh trừng phạt Triều Tiên của Mỹ, cũng như những tuyên bố sắc lạnh gây tranh cãi của ông Trump trong vấn đề Triều Tiên để đào sâu thêm hố ngăn cách giữa Washington và các đồng minh như Hàn Quốc.

“Đó là một phần trong chính sách lớn của Tổng thống Putin. Lập trường của Nga đối với Mỹ đó là Mỹ đang hành xử theo cách không thể chấp nhận được và Nga cũng sẽ không chấp nhận điều đó”, Chủ tịch Trung tâm An ninh Quốc gia Mỹ cho biết.

Mặc dù vậy, Nga và Mỹ có thể vẫn có lợi ích chung trong vấn đề Triều Tiên. Cả hai đều không muốn chiến tranh xảy ra trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời cũng không muốn nhìn thấy Bình Nhưỡng đe dọa an ninh khu vực. Tuy nhiên, trừ khi Tổng thống Putin thuận theo chiến lược còn Mỹ, bao gồm việc tăng cường gây sức ép với Triều Tiên trước khi xem xét đến các phương án nhượng bộ, còn không, sự can dự ngày càng tăng của Nga trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên sẽ chỉ vô tác dụng.

Thành Đạt

Theo Washington Post