1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Giải mã những thuật ngữ đặc biệt ở Triều Tiên

(Dân trí) - Truyền thông Triều Tiên thường xuyên sử dụng những từ như “Songun” hay “Juche” trong các bản tin cũng như chiến dịch tuyên truyền và đằng sau mỗi thuật ngữ luôn có những câu chuyện chỉ có ở quốc gia này.

Tượng đài hai cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il tại Triều Tiên (Ảnh: Wikipedia)
Tượng đài hai cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il tại Triều Tiên (Ảnh: Wikipedia)

Songun

Songun là thuật ngữ chỉ chính sách “quân sự là số một” của Triều Tiên. Thuật ngữ này bắt đầu được đưa ra từ thời cố lãnh đạo Kim Nhật Thành vào năm 1960 và cũng là cách thức ông Kim điều hành đất nước Triều Tiên thời đó.

Chính sách Songun được truyền qua 3 đời lãnh đạo tại Triều Tiên, từ nhà lập quốc Kim Nhật Thành tới cố lãnh đạo Kim Jong-il và hiện tại là nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ông Kim Jong-un vẫn đang tiếp nối truyền thống của cha và ông nội, đẩy nhanh tốc độ phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa bất chấp sức ép từ cộng đồng quốc tế.

Tại Triều Tiên, “Ngày Songun” được chọn là ngày 25/8 và đây là ngày lễ quốc gia của người dân Triều Tiên.

Juche

Juche là thuật ngữ chỉ hệ tư tưởng “tự lực cánh sinh”, không phụ thuộc vào bên ngoài của Triều Tiên. Người đưa ra hệ tư tưởng này là cố lãnh đạo Kim Nhật Thành.

Triều Tiên đã xây dựng một công trình mang tên “Tháp Juche” tại thủ đô Bình Nhưỡng. Ngoài ra, nước này cũng sử dụng lịch Juche, bắt đầu tính từ ngày sinh của nhà lập quốc Kim Nhật Thành vào tháng 4/1912. Do vậy, nếu muốn nhắc tới năm 2017, truyền thông Triều Tiên sẽ thay thế bằng thuật ngữ Juche 106 trong các bản tin chính thức.

Byeongjin

Byeongjin là thuật ngữ chỉ chính sách đặc trưng của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, trong đó chủ trương phát triển đồng thời cả 2 lĩnh vực là vũ khí hạt nhân và kinh tế tại Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un lần đầu tiên thông báo về chính sách Byeongjin là vào năm 2013. Gần đây, tại đại hội đảng hiếm hoi ở Triều Tiên hồi tháng 5/2016, ông Kim Jong-un đã cam kết đưa Triều Tiên đi theo chính sách này.

Chollima

Tượng ngựa Chollima của Triều Tiên (Ảnh: AFP)
Tượng ngựa Chollima của Triều Tiên (Ảnh: AFP)

Tại Triều Tiên, Chollima là một con ngựa có cánh trong tưởng tượng và có thể chạy được ít nhất 400 km mỗi ngày.

Từ cuối những năm 1950, Triều Tiên bắt đầu khởi động một chiến dịch phát triển kinh tế lấy tên là Phong trào Chollima. Mục đích của chiến dịch này là nhằm tái thiết nền kinh tế Triều Tiên sau cuộc chiến tranh liên Triều 1950-1953.

Triều Tiên cũng xây dựng Khu tổ hợp Thép Chollima - một trong những nhà máy lớn nhất của nước này.

Mallima

Tương tự Chollima, Mallima cũng là một con ngựa trong tưởng tượng của người Triều Tiên. Tuy nhiên, Mallima có thể chạy nhanh gấp 10 lần Chollima.

“Tốc độ Mallima” là cụm từ thường được truyền thông Triều Tiên sử dụng để kêu gọi người dân nước này làm việc hăng say hơn, từ đó nhanh chóng đạt được các mục tiêu kinh tế.

Chủ nghĩa Kim Nhật Thành và Chủ nghĩa Kim Jong-il

Đây là hai thuật ngữ được đưa ra để ca ngợi hai nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il, đồng thời gợi nhắc tới các hệ tư tưởng Songun và Juche gắn liền với hình ảnh của hai nhà lãnh đạo.

Truyền thông Triều Tiên nói rằng, Chủ nghĩa Kim Nhật Thành và Chủ nghĩa Kim Jong-il đã tạo nền tảng cho con đường đi của đất nước Triều Tiên và góp phần làm nên thành tựu của “cường quốc hạt nhân” Triều Tiên ngày nay bất chấp mối đe dọa từ Mỹ.

Tháng 3 gian khổ

Cụm từ “Tháng 3 gian khổ” đề cập tới thời kỳ xảy ra nạn đói khủng khiếp tại Triều Tiên trong thập niên 1990. Ước tính khoảng 3 triệu người đã thiệt mạng do nạn đói này.

Hồi đầu năm nay, truyền thông Triều Tiên sử dụng thường xuyên cụm từ “Tháng 3 gian khổ” để nhắc nhở người dân về những khó khăn mà họ sẽ phải đối mặt do các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế.

Núi Paektu

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đứng trên ngọn núi Paektu cao nhất tại Triều Tiên (Ảnh: AFP)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đứng trên ngọn núi Paektu cao nhất tại Triều Tiên (Ảnh: AFP)

Tại Triều Tiên, gia tộc họ Kim được gọi là “Dòng dõi núi Paektu” vì từ khi lập quốc vào năm 1948 đến nay, cả 3 đời lãnh đạo Triều Tiên đều có quan hệ huyết thống.

Cụm từ “Dòng dõi núi Paektu” được sử dụng để kêu gọi người dân Triều Tiên cam kết trung thành với lãnh đạo của họ.

Núi Paektu nằm ở biên giới Triều Tiên - Trung Quốc, là ngọn núi cao nhất trên bán đảo Triều Tiên. Đây cũng được xem là nơi khai sinh ra dân tộc Triều Tiên.

Theo truyền thông Triều Tiên, cố lãnh đạo Kim Jong-il đã được sinh ra ở vùng Samjiyon trên núi Paektu.

Tru di tam tộc

Truyền thông Triều Tiên thường sử dụng thuật ngữ “Tru di tam tộc” để nói về hình phạt đối với một người nào đó mắc các tội nghiêm trọng, và thường là các tội về tư tưởng nhận thức. Hình phạt dành cho những người này sẽ kéo dài tới 3 thế hệ trong một gia đình.

Triều Tiên thường xuyên tuyên bố “Tru di tam tộc” đối với những người mà nước này coi là kẻ thù. Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Tổng thống Mỹ Donald Trump từng là những người bị gắn với thuật ngữ “Tru di tam tộc” tại Triều Tiên.

Thành Đạt

Theo BBC