1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Giải mã chiến lược "nâng cấp" hình ảnh của ông Kim Jong-un

(Dân trí) - Trước thềm các hội nghị thượng đỉnh với Mỹ và Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như đang thay đổi hình ảnh cứng rắn, quyết liệt thường thấy bằng những chiến lược truyền thông mềm mỏng, ấn tượng.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Getty)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Getty)

Ngày 27/4, ông Kim Jong-un dự kiến sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Sau đó, vào tháng 5 hoặc đầu tháng 6, ông dự kiến sẽ gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm bàn về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân.

Theo BBC, trước thềm những sự kiện này, truyền thông Triều Tiên dường như đã giảm bớt đi những tuyên bố quyết liệt thường thấy, thay vào đó đã xây dựng hình ảnh ông Kim là một nhà lãnh đạo ấm áp với hình ảnh “người đàn ông của gia đình”.

Theo báo Dong-A Ilbo của Hàn Quốc, ông Kim thời gian gần đây đã không còn xuất hiện trước công chúng khi đang cầm thuốc lá trên tay. Tờ báo này cho rằng đây có thể là động thái giúp hình ảnh của nhà lãnh đạo Triều Tiên trở nên mềm mỏng hơn.

Được biết tới là người có thói quen hút thuốc, ông Kim trước đây thường xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng của Bình Nhưỡng khi ông đang sử dụng thuốc lá. Gần đây các hình ảnh này dường như đã không xuất hiện. Ngay cả chiếc gạt tàn, vật dụng thường thấy trước đây trong các bức ảnh, cũng đã biến mất.


Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và các thiếu nhi Triều Tiên (Ảnh: KCTV)

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và các thiếu nhi Triều Tiên (Ảnh: KCTV)

Ngoài ra, hình ảnh trên truyền hình của nhà lãnh đạo Triều Tiên dường như cũng có sự thay đổi nhất định. Trước đây, ông Kim thường xuất hiện trong các đoạn phóng sự ông tham gia các sự kiện quân sự hoặc nông nghiệp. Hiện tại, truyền thông Bình Nhưỡng đã tích cực chiếu những đoạn video ông Kim thăm và vui chơi với các trẻ em Triều Tiên. Cách tiếp cận này dường như tạo cảm giác nhà lãnh đạo Triều Tiên gần gũi, thân thiện hơn trước đó.

Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng dường như đang hướng sự chú ý của truyền thông tới hai người phụ nữ quyền lực ở Triều Tiên. Đó là vợ và em gái của ông Kim Jong-un. Gần đây, Đệ nhất phu nhân Triều Tiên Ri Sol-ju đã lần đầu xuất hiện trước công chúng mà không có chồng bên cạnh. Trong buổi biểu diễn ballet của đoàn nghệ thuật Trung Quốc, truyền thông Bình Nhưỡng đã gọi bà là “Đệ nhất phu nhân tôn kính” so với cách gọi “Đồng chí” trước đó. Đây là lần đầu tiên một phu nhân của nhà lãnh đạo Triều Tiên được truyền thông gọi bằng danh hiệu này.

Trước đó, bà Kim Jo-yong, em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng đã thu hút mọi sự chú ý của truyền thông quốc tế khi xuất hiện tại Hàn Quốc tại Thế vận hội mùa Đông năm 2018. Triều Tiên dường như đang mong muốn xây dựng hình ảnh mềm mại, nhẹ nhàng hơn thay vì tập trung vào các chương trình tên lửa, hạt nhân, và những động thái cứng rắn thường thấy.


Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Đệ nhất phu nhân Triều Tiên Ri Sol-ju (Ản: EPA)

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Đệ nhất phu nhân Triều Tiên Ri Sol-ju (Ản: EPA)

Trước đây, dư luận thế giới dường như đã quen với hình ảnh của một Triều Tiên quyết liệt trong từng phát ngôn với Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mỹ. Họ thường dùng những từ ngữ mạnh để cảnh báo và chỉ trích các đối thủ trong các vấn đề liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân. Nhưng vào thời điểm hiện tại, những tuyên bố và chỉ trích đã giảm đi rất nhiều về tần suất cũng như cường độ. Giới quan sát nhận định đây có thể là thiện chí của Bình Nhưỡng trong việc cải thiện căng thẳng ở khu vực.

Khi Triều Tiên tổ chức cuộc duyệt binh quân sự vào tháng 2, một ngày trước khi Hàn Quốc khai mạc Thế vận hội mùa Đông năm 2018, giới quan sát đã phỏng đoán về một tương lai không sáng sủa về tình hình khu vực. Tuy nhiên, sau sự kiện đó, tên lửa gần như vắng bóng trên các phương tiện truyền thông Bình Nhưỡng. Nếu so sánh với năm 2017, khi các vũ khí này tràn ngập trên truyền hình, báo chí, thì đây có thể coi là một sự thay đổi đáng kể của Triều Tiên.

Những hình ảnh tên lửa, máy bay chiến đấu đã được thay thế bằng những bài hát cổ động, chương trình nghệ thuật. Các chuyên gia dự đoán, Triều Tiên dường như đang muốn chuẩn bị cho người dân nước này để họ có thể sẵn sàng thích ứng với những sự thay đổi quan trọng trong tương lai trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực vũ khí.

Đức Hoàng

Theo BBC