1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Giải cứu đội bóng Thái Lan được ví như leo đỉnh núi cao nhất thế giới

(Dân trí) - Sự khó khăn của chiến dịch giải cứu đội bóng thiếu niên Thái Lan bị mắc kẹt trong hang Tham Luang được chuyên gia ví như chinh phục đỉnh núi Everest cao nhất thế giới.

Các thợ lặn di chuyển qua những lối đi ngập nước trong hang Tham Luang (Ảnh: Reuters)
Các thợ lặn di chuyển qua những lối đi ngập nước trong hang Tham Luang (Ảnh: Reuters)

Jake Zweig, cựu đặc nhiệm Hải quân Mỹ và là người nhái chiến đấu, cho biết ông tin rằng đặc nhiệm Hải quân Thái Lan có thể giải cứu thành công 12 thành viên trong đội bóng và huấn luyện viên bị mắc kẹt trong hang Tham Luang. Theo Jake, mức độ nguy hiểm và khó khăn của chiến dịch giải cứu đội bóng có thể so sánh với việc chinh phục đỉnh núi Everest.

“Trong tình huống này, nếu bạn gặp sự cố dưới nước, bạn không thể nổi lên trên mặt nước ngay được. Điều đó sẽ dẫn đến mọi vấn đề”, Jake nhận định.

“Mọi người không thể hiểu được rằng các thợ lặn phải mang theo bao nhiêu thiết bị bên người. Họ không thể lúc nào cũng bơi được. Có lúc họ phải leo qua những tảng đá, cũng có lúc phải đi bộ… Có rất nhiều giai đoạn trong chiến dịch này, giống như leo đỉnh Everest vậy”, Jake cho biết thêm.

Chuyên gia Anmar Mirza, điều phối viên quốc gia của Tổ chức Cứu hộ Hang động Quốc gia, nhận định “đây là tình huống đáng sợ nhất mà một người phải trải qua”.

“Tôi không nghĩ có bộ phim kinh dị nào có thể so sánh với những gì xảy ra trong hang… Tôi đã tham gia cứu hộ hang động hơn 30 năm nay và tôi thậm chí chưa thấy vụ giải cứu nào phức tạp như thế này”, ông Mirza nói.

Đồ họa mô phỏng quá trình 2 thợ lặn hộ tống một người mắc kẹt ra khỏi hang (Ảnh: Bangkok Post)
Đồ họa mô phỏng quá trình 2 thợ lặn hộ tống một người mắc kẹt ra khỏi hang (Ảnh: Bangkok Post)

Tuyến đường di chuyển từ mô đất nơi 13 người bị mắc kẹt đứng cho tới cửa hàng rất dài và nguy hiểm. 12 cầu thủ nhí và huấn luyện viên sẽ phải vượt qua những lối đi chật hẹp không ánh sáng. Nước trong hang rất đục do có nhiều bùn và tầm nhìn tại một số chỗ được cho là bằng 0. Cứ hai thợ lặn, một người bơi trước và một người bơi sau, sẽ kèm một người mắc kẹt ra ngoài và tất cả sẽ cùng bám vào đoạn dây thừng được đặt cố định dọc theo đoạn đường dài hơn 4km trong hang.

Các thành viên của đội bóng sẽ phải di chuyển qua những lối đi ngập nước và tại một số chỗ, khoảng cách lối đi chỉ rộng khoảng 0,5m. Giới chức Thái Lan cho biết nếu lối đi quá hẹp khiến người mang theo bình oxy không thể lọt qua, các thợ lặn có thể sẽ nhấc bình oxy ra khỏi lưng đồng thời tìm cách hỗ trợ các em luồn qua các ngóc ngách. Theo kế hoạch, khoảng thời gian để đưa một người bị mắc kẹt ra tới cửa hang mất khoảng 6 giờ đồng hồ, tuy nhiên các thành viên của đội bóng đều được đưa ra ngoài sớm hơn dự kiến.

“Sự tin tưởng giữa thợ lặn và các cậu bé có lẽ chiếm tới 90% khả năng thành công của việc đưa họ ra khỏi hang”, chuyên gia Mirza nhận định.

Theo ông Narongsak Osottanakorn, chỉ huy chiến dịch giải cứu đội bóng, khu vực khó khăn nhất đối với thợ lặn và các cầu thủ nhí là ở bên trái điểm giao cắt trong hang Tham Luang vì đây là lối đi khúc khuỷu lên xuống với diện tích rất nhỏ hẹp và buộc phải xoay người để chui lọt qua.

“Sự tin tưởng giữa thợ lặn và các cậu bé có lẽ chiếm tới 90% khả năng thành công của việc đưa họ ra khỏi hang”, chuyên gia Mirza nhận định.

Đội bóng thiếu niên Thái Lan và huấn luyện viên bị mắc kẹt từ ngày 23/6 và được các thợ lặn phát hiện trong hang từ ngày 2/7. Thái Lan ngày 8/7 đã bắt đầu chiến dịch giải cứu 13 người mắc kẹt với sự tham gia của các thợ lặn và đã đưa thành công 8 người ra khỏi hang. Những người còn lại sẽ tiếp tục được giải cứu trong những đợt cứu hộ sắp tới.

Đội cứu hộ tiếp tế cho đội bóng mắc kẹt trong hang Tham Luang

Thành Đạt

Theo Fox

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm