(Dân trí) - Tổng thống Ukraine đã nộp đơn xin nhanh chóng gia nhập NATO như một cách đáp trả việc Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ, tuy nhiên nguyện vọng của Kiev khó có thể thành hiện thực trong tương lai gần.
GIẤC MỘNG NATO KHÓ THÀNH CỦA UKRAINE SAU 7 THÁNG XUNG ĐỘT VỚI NGA
Tổng thống Ukraine đã nộp đơn xin nhanh chóng gia nhập NATO như một cách đáp trả việc Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ, tuy nhiên nguyện vọng của Kiev khó có thể thành hiện thực trong tương lai gần.
"Chúng tôi đang thực hiện bước đi mang tính quyết định với việc ký đơn xin nhanh chóng gia nhập NATO", Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết trong đoạn video được công bố hôm 30/9.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cũng xác nhận Kiev đã nộp đơn chính thức để gia nhập liên minh quân sự NATO.
"Chúng tôi đã ký đơn đăng ký khẩn cấp làm thành viên của NATO. Ukraine đang bảo vệ nền dân chủ, các nguyên tắc tự do và toàn bộ thế giới văn minh. Ukraine đã chứng minh rằng chúng tôi là một đồng minh xứng đáng và đáng tin cậy", ông Shmyhal viết trên Twitter.
Động thái của Ukraine được đưa ra chỉ ngay sau khi Nga tổ chức lễ sáp nhập 4 khu vực gồm Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson ở miền Đông và miền Nam Ukraine vào Nga. Tổng thống Vladimir Putin và lãnh đạo của 4 khu vực trên đã ký thỏa thuận, mở đường cho quy trình sáp nhập vào Nga.
Ukraine từ lâu đã theo đuổi mục tiêu gia nhập NATO, thậm chí Kiev đã đưa mục tiêu trở thành thành viên NATO vào hiến pháp. Tuy nhiên, ngay khi bắt đầu mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ cuối tháng 2, Nga đã tuyên bố chiến dịch chỉ kết thúc khi Kiev cam kết trung lập và không gia nhập NATO.
Các diễn biến trong thời gian qua cho thấy, việc gia nhập NATO với Ukraine dường như đang gặp khó khăn. Ukraine nhiều lần thừa nhận NATO không muốn kết nạp nước này vào khối. Kiev cũng từng phát đi tín hiệu sẽ dừng mong muốn gia nhập NATO như một nhượng bộ cho việc đàm phán hòa bình với Nga.
Sau khi Tổng thống Zelensky tuyên bố nộp đơn xin gia nhập NATO, các nước phương Tây đã đưa ra những phản ứng trái chiều về mong muốn của Ukraine. Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng, việc kết nạp Ukraine đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả 30 thành viên của khối do Mỹ đứng đầu.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ngày 1/10 cho biết, đề xuất gia nhập NATO của Ukraine không phải là vấn đề được ưu tiên ở thời điểm hiện tại. Nhà ngoại giao hàng đầu của EU cho rằng, điều quan trọng hơn bây giờ là phải hỗ trợ khả năng phòng vệ của Ukraine.
Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết, Mỹ cam kết duy trì chính sách mở cửa với các nước muốn gia nhập NATO. Tuy nhiên, ông Sullivan cho rằng, đây không phải là thời điểm thích hợp để xem xét đơn xin gia nhập liên minh quân sự của Ukraine.
Theo ông Sullivan, cách tốt nhất để hỗ trợ Ukraine ở thời điểm hiện tại là thông qua hoạt động hỗ trợ trên thực địa, còn quá trình gia nhập NATO có thể được tiến hành vào một thời điểm khác.
Trong tuyên bố chung hôm 2/10, lãnh đạo của 9 nước thành viên NATO gồm Cộng hòa Séc, Estonia, Latvia, Lithuania, Bắc Macedonia, Montenegro, Ba Lan, Romania và Slovakia tuyên bố "ủng hộ quyết định của hội nghị thượng đỉnh NATO tại Bucharest năm 2008 liên quan đến tư cách thành viên tương lai của Ukraine".
Tại hội nghị thượng đỉnh Bucharest, các thành viên liên minh hoan nghênh "nguyện vọng trở thành thành viên của NATO" của Ukraine và Georgia, nhưng không đưa ra bất kỳ khung thời gian nào cho việc gia nhập của các quốc gia này.
Tuy nhiên, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, lãnh đạo một nước thành viên NATO, cho rằng NATO không nên chấp nhận Ukraine trở thành thành viên của khối cho đến khi cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine được giải quyết. Ông cũng cảnh báo "sự tham gia trực tiếp của các nước NATO vào cuộc chiến" tại Ukraine.
Động lực khiến Ukraine vội xin gia nhập NATO
Các nhà phân tích cho rằng, việc Tổng thống Zelensky nộp đơn xin gia nhập NATO được coi là động thái đáp trả ngay lập tức quyết định của Nga về việc sáp nhập 4 vùng lãnh thổ tại Ukraine.
Một số quan chức Ukraine nói với Foreign Policy rằng, động thái nộp đơn xin gia nhập NATO của Kiev nhằm gửi một tín hiệu quan trọng tới Nga. Ukraine cũng muốn chứng minh rằng tính toán ban đầu của Moscow khi mở chiến dịch quân sự tại nước láng giềng, trong đó có mục tiêu đẩy lùi sự mở rộng của NATO về phía đông, đã không thực hiện được.
"Nga sáp nhập các vùng lãnh thổ (của Ukraine), vậy Ukraine sẽ gia nhập NATO", một quan chức Ukraine nói.
Quan chức Ukraine bình luận thêm rằng, việc nộp đơn xin gia nhập NATO cũng cho phép Ukraine đẩy nhanh các cải cách quân sự cần thiết để trở thành thành viên của liên minh trong tương lai. NATO thời gian qua đã nỗ lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Ukraine sang các thiết bị theo tiêu chuẩn của liên minh, bao gồm việc thay thế pháo 152mm theo tiêu chuẩn của Nga sang pháo 155mm, sau đó hướng tới các hệ thống vũ khí hiện đại của phương Tây như hệ thống pháo phản lực phóng loạt do Mỹ và châu Âu sản xuất.
Tổng thống Zelensky nói rằng nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan cũng là động lực để Ukraine nộp đơn xin gia nhập liên minh. "Chúng tôi biết điều đó có thể xảy ra. Chúng tôi đã thấy Phần Lan và Thụy Điển bắt đầu xin gia nhập liên minh trong năm nay, dù trước đó họ không có kế hoạch trở thành thành viên của khối. Đây là sự công bằng. Điều này cũng là công bằng cho Ukraine", ông Zelensky nói.
Theo một số nhà phân tích, nỗ lực mới nhất của Tổng thống Zelensky trong việc đưa Ukraine gia nhập NATO là dấu hiệu cho thấy ông "sắp hết cách".
"Ông ấy sắp hết cách, vì vậy ông ấy đang níu kéo bất kỳ ảo ảnh nào có thể để cứu ông ấy, trong đó có ý tưởng gia nhập NATO", giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế Michael Brenner tại Đại học Pittsburgh nhận định.
Ông Brenner dự đoán kịch bản Ukraine gia nhập NATO sẽ "không bao giờ xảy ra" vì điều đó đồng nghĩa với việc NATO sẽ rơi vào "chiến tranh toàn diện" với Nga. "Không ai ở Washington muốn kịch bản tự sát này xảy ra", chuyên gia Brenner cho biết thêm.
Lý do Ukraine khó gia nhập NATO sớm
Một số nhà phân tích cho rằng nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine là bất khả thi ở thời điểm hiện tại.
"Việc kết nạp thêm thành viên mới vào NATO là điều rất khó khăn, chứ chưa nói đến việc kết nạp một thành viên đang có chiến tranh. Có thể thấy điều đó qua trường hợp của Phần Lan và Thụy Điển", Jim Townsend, cựu quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ và hiện làm việc tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, cho biết.
"Tôi thực sự đồng cảm với Tổng thống Zelensky về việc đưa Ukraine gia nhập NATO. Nhưng nếu thực sự có một quá trình gia nhập nhanh vào NATO, Phần Lan và Thụy Điển đã thực hiện rồi", chuyên gia Townsend nói thêm. Cho đến nay, 28 trong số 30 thành viên NATO đã chấp thuận đơn gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary vẫn chưa đồng ý.
Nhà bình luận Joshua Askew của hãng tin Euronews đã nêu 5 lý do khiến Ukraine khó có thể sớm gia nhập NATO.
Nguy cơ xảy ra cuộc chiến lớn hơn
Theo Điều 5 của hiệp ước phòng thủ tập thể NATO, nếu một quốc gia thành viên bị tấn công, tất cả những quốc gia khác phải coi đây là một cuộc tấn công nhằm vào chính họ và nhờ đến sự trợ giúp của tất cả đồng minh trong khối.
Điều này có nghĩa là nếu Ukraine gia nhập NATO trong khi vẫn còn xung đột với Nga, Điều 5 sẽ được kích hoạt.
"Sẽ có những rủi ro leo thang nếu Ukraine trở thành thành viên NATO", John Williams, giáo sư về chính trị quốc tế, chiến tranh và chủ quyền tại Đại học Durham, nhận định, đồng thời cảnh báo điều này có thể dẫn đến một "kịch bản ác mộng".
"NATO sẽ tham gia cuộc chiến (tại Ukraine) một cách rõ ràng hơn và theo cách trực tiếp hơn. Điều này đồng nghĩa với việc các thành viên khác (của NATO) có biên giới với Nga, chẳng hạn các nước Baltic và Ba Lan, có khả năng trở thành tiền tuyến", ông Williams cho biết thêm.
Khi Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO, Tổng thống Putin cảnh báo Nga sẽ đáp trả quyết liệt nếu NATO triển khai binh lính và cơ sở hạ tầng quân sự tại hai nước này.
Tuy nhiên, sự chần chừ của NATO ở thời điểm hiện tại không có nghĩa là cánh cửa gia nhập sẽ vĩnh viễn khép lại với Ukraine. Sau khi xung đột kết thúc, Ukraine vẫn có thể tham gia liên minh với tư cách là một thành viên đáng tin cậy trong tương lai.
"Hãy tập trung giải quyết xung đột trước. Ở thời điểm này, vấn đề quan trọng là bảo vệ Ukraine và đẩy lùi lực lượng Nga khỏi lãnh thổ Ukraine", Jamie Shea, cựu Phó trợ lý Tổng thư ký NATO, nhận định.
Việc gia nhập NATO "chưa thực sự cần thiết" với Ukraine
NATO vẫn duy trì cam kết hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cam kết sự ủng hộ "kiên định" đối với Ukraine, nhưng khẳng định điều đó không biến NATO trở thành một bên trong cuộc xung đột với Nga.
Ngoài hàng chục tỷ euro viện trợ quân sự và tài chính từ các quốc gia thành viên NATO, liên minh cũng hỗ trợ rất lớn cho Ukraine thông qua viện trợ nhân đạo và viện trợ quân sự phi sát thương.
"Tất cả vũ khí này vẫn được cấp cho Ukraine. Điều này có nghĩa là, theo một cách nào đó, Ukraine vẫn nhận được sự bảo đảm an ninh từ NATO mà không cần trở thành thành viên của liên minh", cựu Phó trợ lý Tổng thư ký NATO Jamie Shea cho biết.
"Đôi khi một nước có thể nhận được rất nhiều lợi ích của một thành viên NATO mà không cần thực sự gia nhập liên minh", ông Shea nói thêm.
Giáo sư John Williams tại Đại học Durham cũng nhận định, Ukraine vẫn sẽ được bảo vệ tương tự một nước thành viên NATO khi gặp mối đe dọa hạt nhân.
Sau bình luận của nhà lãnh đạo Cộng hòa Chechnya thuộc Nga Ramzan Kadyrov rằng Nga nên sử dụng vũ khí hạt nhân quy mô nhỏ ở Ukraine, Washington tuyên bố sẽ có hành động đáp trả nghiêm khắc. Cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) David Petraeus cảnh báo Mỹ sẽ đẩy lùi lực lượng Nga ở Ukraine và đánh chìm toàn bộ Hạm đội Biển Đen nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân.
Ukraine "chưa sẵn sàng" gia nhập NATO
Để gia nhập NATO, các quốc gia ứng cử viên trước tiên phải đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định về kinh tế, chính trị và quân sự.
Theo Giáo sư Williams, Ukraine vẫn cần phải nỗ lực để hoàn thành các tiêu chí trước khi trở thành thành viên của NATO, trong đó có "các vấn đề" liên quan đến "các thể chế dân chủ" và "quy trình chống tham nhũng".
Mặc dù giới chức Ukraine khẳng định họ đã đáp ứng được các tiêu chí trên, nhưng Mỹ và châu Âu không đồng tình như vậy. Năm 2020, Tổ chức Minh Bạch Quốc tế, tổ chức giám sát chống tham nhũng, đã xếp Ukraine ở vị trí 117 trong số 180 quốc gia về chỉ số tham nhũng, thấp hơn toàn bộ các nước thành viên NATO.
Ngoài ra, phương Tây cũng đặt câu hỏi về việc liệu Ukraine có thể đáp ứng yêu cầu đóng góp vào khả năng phòng thủ tập thể của NATO hay không.
Mặc dù vậy, cuộc xung đột với Nga được cho là có thể cải thiện khả năng của Ukraine trong việc đáp ứng các yêu cầu của NATO, đặc biệt là về quân sự.
"Ukraine sẽ khắc phục được vấn đề này khi họ có khả năng sở hữu một trong những đội quân tốt nhất trong khối NATO, vì Ukraine đã nhận được rất nhiều trang thiết bị và sự đào tạo từ phương Tây. Điều này sẽ giúp Ukraine trở thành một ứng cử viên tiềm năng trong tương lai", ông Shea nhận định.
Các thành viên NATO khó đồng lòng ủng hộ Ukraine
Theo quy định của NATO, các thành viên mới chỉ có thể được kết nạp nếu toàn bộ 30 quốc gia thành viên của khối đồng ý. Chỉ cần một nước không đồng ý, quá trình này sẽ phải tạm dừng.
Thụy Điển và Phần Lan đã gặp phải khó khăn trong quá trình xin gia nhập NATO khi Thổ Nhĩ Kỳ phản đối hai nước này trở thành thành viên của liên minh.
Hungary có thể là một trở ngại với Ukraine trên con đường gia nhập NATO. Hai quốc gia có chung đường biên giới trên bộ và tranh chấp kéo dài về quyền của người thiểu số nói tiếng Hungary ở Ukraine.
Kể từ năm 2017, khi Ukraine đưa tiếng Ukraine trở thành ngôn ngữ bắt buộc trong các trường tiểu học, Hungary đã nhiều lần ngăn cản nỗ lực gia nhập NATO và EU của Ukraine.
Hungary nhiều lần chỉ trích chiến lược của phương Tây khi áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Hungary cũng thực hiện các thỏa thuận khí đốt với Moscow.
Quan điểm của các nước châu Âu khác về việc kết nạp Ukraine vào NATO cũng là một vấn đề gây tranh cãi.
"Câu hỏi lớn là liệu Pháp và Đức có đồng ý hay không. Liệu họ có sẵn sàng đi xa như vậy không?", William Alberque, giám đốc chiến lược, công nghệ và kiểm soát vũ khí tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết.
Năm 2008, cả Pháp và Đức đều ngăn cản nỗ lực của Ukraine và Georgia gia nhập NATO. Vào tháng 2/2022, một tuần trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết việc Ukraine gia nhập NATO chưa được xem xét.
Nga lo ngại Ukraine gia nhập NATO
Kể từ khi xung đột Ukraine bắt đầu nổ ra, Tổng thống Putin đã tuyên bố rằng Nga đang bị NATO đe dọa. Ông nhiều lần khẳng định chiến dịch quân sự tại Ukraine nhằm giúp Nga loại bỏ mối đe dọa này. Moscow cho rằng đây là mối nguy hiểm đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga.
Theo cựu Phó trợ lý Tổng thư ký NATO Jamie Shea, nếu Ukraine gia nhập NATO, điều này sẽ dẫn đến việc phương Tây triển khai quân đội và đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Ukraine.
"Điều này sẽ mang lại cho Tổng thống Putin sự thúc đẩy mạnh mẽ về mặt tuyên truyền. Ông Putin muốn chứng minh rằng Nga đang đối mặt với mối đe dọa hiện hữu từ NATO", ông Shea bình luận.
Các quan chức NATO và các chính trị gia phương Tây nhiều lần nói rằng cuộc chiến ở Ukraine là cuộc xung đột giữa Kiev và Moscow. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ông sẽ không kéo liên minh vào một cuộc xung đột rộng lớn hơn.
Thành Đạt
Theo Euronews, Foreign Policy, Sputnik, Reuters