1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Giả thuyết mới về "bệnh nhân số 0" nhiễm biến chủng siêu đột biến Omicron

Đức Hoàng

(Dân trí) - Một nhà khoa học Nam Phi, người phát hiện ra chủng Omicron, đưa ra giả thuyết mới về "bệnh nhân số 0" mà biến chủng nhiều đột biến chưa từng có này có thể đã xuất hiện.

Giả thuyết mới về bệnh nhân số 0 nhiễm biến chủng siêu đột biến Omicron - 1

Châu Phi đang trở thành tâm điểm toàn cầu sau khi các ca nhiễm Omicron xuất hiện tại đây (Ảnh minh họa: Reuters).

LA Times đưa tin, ông Tulio de Oliveira, giám đốc trung tâm ứng phó dịch bệnh Nam Phi, đưa ra nghi vấn rằng biến chủng này đã có thể đã sử dụng cơ thể của một người bị bệnh về suy giảm miễn dịch, ví dụ như HIV, để làm "vườn ươm".

Ông Oliveira là một trong những nhà khoa học phát hiện và công bố thông tin về biến chủng Omicron. Ông cho rằng, sự xuất hiện của Omicron từ một bệnh nhân có hệ miễn dịch bị tàn phá có thể được xem là một trong cách giải thích được xem là "hợp lý nhất" về sự bùng phát của biến chủng có nhiều đột biến chưa từng có này.

Các bệnh nhân mắc bệnh suy giảm hệ miễn dịch có điểm chung là khó có thể loại bỏ virus một cách nhanh chóng khi nó xâm nhập vào cơ thể và điều này gây ra rủi ro khiến virus có cơ hội để biến đổi liên tục trong thời gian dài trở thành dạng nguy hiểm.

Trước đó, các nhà nghiên cứu ở Mỹ và châu Âu đã phát hiện các biến chủng nguy hiểm của SARS-CoV-2 ở bệnh nhân Covid-19 có hệ thống miễn dịch tự nhiên bị ảnh hưởng bởi thuốc trị ung thư, thuốc ngăn chặn rối loạn tự miễn hoặc thuốc nhằm ngăn cơ quan nội tạng được ghép không bị đào thải.

Trong nhiều tháng qua, ông Oliveira đã cảnh báo rằng, khu vực hạ Sahara có nguy cơ trở thành nơi sản sinh ra các biến chủng SARS-CoV-2 vì nơi đây có khoảng 8 triệu người bị mắc HIV mà không được ghi nhận, hoặc không tiếp nhận điều trị cẩn thận. Ông nêu nghi vấn rằng, những người trẻ tuổi, chưa tiêm chủng và có hệ miễn dịch suy yếu có thể trở thành "nhà máy biến chủng cho toàn thế giới".

Mối nguy hiểm

Hồi tháng 6, đội ngũ của ông đã ghi lại sự xuất hiện của hơn 30 đột biến gen trong mẫu bệnh phẩm SARS-CoV-2 từ một phụ nữ Nam Phi bị nhiễm HIV giai đoạn nặng không thể kiểm soát. Những đột biến mà họ nhìn thấy - bao gồm một số đột biến có thể làm giảm khả năng bảo vệ của vaccine và tăng khả năng lây truyền bệnh - đã xuất hiện trong khoảng thời gian 6 tháng.

Giờ đây, ông Oliveira lo ngại rằng, kịch bản tương tự có thể đã xảy ra dẫn tới sự xuất hiện của Omicron ở tỉnh Gauteng. Tuần trước, ông đã báo lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về hàng chục đột biến trên Omicron. Phần lớn những đột biến này khá quen thuộc với chuyên gia trên vì ông đã từng nghiên cứu về các bệnh nhân HIV bị nhiễm SARS-CoV-2 kéo dài.

Tỉnh Gauteng được xem là một trong những tâm điểm của HIV ở Nam Phi khi nơi đây chiếm khoảng 20% trong tổng số 7,5 triệu người ở Nam Phi đang sống cùng với HIV.

Tại Nam Phi, có khoảng 2,2 triệu người bị nhiễm HIV mà không hay biết, không được chữa trị hoặc được điều trị sơ sài. Theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm từ Harvard Jonathan Li, những bệnh nhân này có hệ miễn dịch bị tổn hại khá nặng nề. Dưới sự tấn công của HIV, tế bào T trong cơ thể họ không thể hỗ trợ đầy đủ cho hệ miễn dịch để chống lại các nhiễm trùng.

"Nếu tôi phải đoán, tôi sẽ nói đây có thể là cách Omicron ra đời", chuyên gia Li nói, nhấn mạnh vào con số đột biến cao chưa từng có trên biến chủng này.

Tiến sĩ Bruce Walker, một nhà miễn dịch học và là giám đốc sáng lập của Viện Ragon ở Cambridge, Massachuset đã cảnh báo mọi người không nên kỳ thị những bệnh nhân có tình trạng bệnh có thể làm phát sinh các biến chủng SARS-CoV-2. Tuy nhiên, ông cho rằng có khả năng về việc Omicron có thể đã xuất hiện ở một bệnh nhân bị ức chế miễn dịch kéo dài. Tại Nam Phi, HIV là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ảnh hưởng tới miễn dịch của người bệnh.

Trong một bài viết đăng tải trên tạp chí Nature hôm 2/12, ông Oliveira và 3 đồng nghiệp Nam Phi cho rằng, nếu các nước lớn không giúp các nước châu Phi trong việc kiểm soát cả HIV và Covid-19, điều đó sẽ làm suy yếu nỗ lực của họ trong việc dập tắt đại dịch trên toàn thế giới.

Gần 40% dân số toàn cầu đã tiêm chủng đầy đủ nhưng tỷ lệ này ở châu Phi chỉ là 7%. Tại Nam Phi, con số này là 24%. Phức tạp hơn nữa, do châu Phi khó tiếp cận nguồn cung vaccine, nên họ ưu tiên tiêm chủng cho người cao tuổi trước, dẫn tới việc phần lớn người trẻ tuổi ở châu lục này không được tiêm phòng. Trong khi đó, 80% người nhiễm HIV ở châu Phi dưới 50 tuổi. Điều này có thể làm cho dịch bệnh thêm phần phức tạp.

Ngoài giả thuyết Omicron xuất hiện ở người có hệ miễn dịch suy yếu, ông de Olivera cũng đưa ra cách giải thích khác có thể là nguyên nhân mà biến chủng nhiều đột biến kỷ lục đã xuất hiện.

Có khả năng Omicron đã lây lan ở một nơi nào đó trong nhiều tháng và tích lũy những thay đổi về gen. Nếu biến chủng này xuất hiện ở một quốc gia có khả năng giải trình tự gen kém, nó có thể không nhận được sự chú ý cần thiết, cho tới khi nó lan tới Nam Phi - nơi có trình độ giải trình tự gen cao ở châu lục.