Facebook đảo ngược lệnh cấm tranh cãi, "đình chiến" với chính phủ Australia
(Dân trí) - Facebook tuyên bố tiếp tục cho người dùng Australia đọc và chia sẻ tin tức trên nền tảng mạng xã hội, vài ngày sau lệnh cấm gây tranh cãi làm bùng phát "cuộc chiến" với chính phủ Canberra.
Reuters đưa tin, Facebook ngày 23/2 cho biết họ sẽ khôi phục lại việc cho người dùng đọc và chia sẻ tin tức, sau khi đàm phán thành công với chính phủ Australia về những thay đổi trong dự luật của nước này về việc buộc các ông lớn công nghệ phải trả tiền cho đơn vị sản xuất tin tức, báo chí khi những bài báo xuất hiện trên nền tảng của họ.
Tuần trước, để bày tỏ sự phản đối với dự luật, Facebook đã có quyết định gây tranh cãi khi cấm người dùng Australia chia sẻ và đọc tin tức trên mạng xã hội của hãng này - động thái bị chính phủ và các bên sản xuất nội dung chỉ trích mạnh mẽ.
Sau các cuộc đàm phán giữa Bộ trưởng Tài chính Josh Frydenberg và Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg, một thỏa thuận đã được đưa ra.
"Facebook đã 'kết bạn lại' với Australia và tin tức sẽ được khôi phục trên nền tảng Facebook", ông Frydenberg thông báo hôm 23/2.
Campbell Brown, Phó chủ tịch về quan hệ đối tác tin tức toàn cầu Facebook, cho biết thỏa thuận mới với Australia "sẽ cho phép chúng tôi hỗ trợ các bên xuất bản nội dung mà chúng tôi chọn, bao gồm cả các bên có quy mô nhỏ và địa phương".
Dự luật ban đầu của Australia cho phép các đơn vị báo chí, truyền thông sẽ đàm phán riêng lẻ hoặc tập thể với Facebook và Google về vấn đề cung cấp tin tức trên các nền tảng và Canberra sẽ đưa ra phân xử nếu các bên không thể đạt được thỏa thuận.
Hôm 22/2, Australia cho biết họ sẽ thay đổi 4 điểm trong dự luật nhằm để giải quyết lo ngại từ phía Facebook, trong đó có một quy định rằng chính phủ có thể không áp dụng quy tắc cho Facebook nếu nền tảng này có thể chứng minh được "sự đóng góp đáng kể" cho hoạt động báo chí địa phương.
"Chính phủ đã làm rõ là chúng tôi có quyền chọn tin tức nào xuất hiện trên Facebook để chúng tôi sẽ không bị tự động đặt vào một cuộc thương lượng ép buộc. Chúng tôi luôn có ý định hỗ trợ hoạt động báo chí ở Australia và khắp nơi trên thế giới, và chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào tin tức trên toàn cầu và chống lại nỗ lực của các tập đoàn truyền thông lớn khi họ thúc đẩy thông qua quy định mà không tính đến giá trị thực tế của những trao đổi giữa các nhà xuất bản và các nền tảng như Facebook", bà Brown cho hay.
Vấn đề yêu cầu các "ông lớn" công nghệ như Facebook, Google chia sẻ lợi nhuận cho các bên sản xuất nội dung đang được xem xét trên toàn cầu khi Anh và Canada cùng một số nước khác đang cân nhắc những dự luật tương tự.