Bị dọa đòi tiền, Facebook kích hoạt "cuộc chiến tin tức" với Australia
(Dân trí) - Mạng xã hội Facebook đã chặn người dùng ở Australia chia sẻ đường dẫn bài báo lên nền tảng này, động thái nhằm đáp trả dự luật mà Canberra muốn Facebook phải trả tiền cho bên sản xuất nội dung.
Người dùng Facebook ở Australia không thể tìm thấy tin tức trên mạng xã hội này kể từ 17/2, khi Facebook tuyên bố sẽ chặn việc chia sẻ đường link các bài báo trong nước và quốc tế. Động thái của Facebook nhằm đáp trả việc giới chức Australia đang đề xuất một dự luật yêu cầu các nền tảng công nghệ phải trả tiền cho các đơn vị báo chí và sản xuất nội dung khi người dùng chia sẻ những thông tin này lên nền tảng mạng xã hội.
Campbell Brown, Phó chủ tịch phụ trách đối tác tin tức toàn cầu của Facebook, cho biết: "Điều không đúng của dự luật ở Australia là việc họ không nhận ra bản chất cơ bản của mối quan hệ giữa nền tảng của chúng tôi và bên xuất bản. Khác với quan điểm của một số người, Facebook không đánh cắp nội dung tin tức, phía xuất bản mới là bên muốn chia sẻ nội dung lên nền tảng này".
Trong một phiên điều trần hồi tháng 1 ở Thượng viện Australia, Facebook từng cảnh báo sẽ có động thái trên nếu dự luật trở thành luật. Google cũng cảnh báo sẽ đóng cửa công cụ tìm kiếm tại Australia.
Nhưng khác với sự cứng rắn của Facebook, Google hiện phát đi tín hiệu rằng họ sẽ không rời bỏ thị trường, mà sẽ cải thiện quan hệ với bên các nhà xuất bản nội dung.
Google và News Corp (NWS) - tập đoàn tin tức sở hữu nhiều phương tiện truyền thông của Australia cũng như một số trang tin của Anh và Wall Street Journal cùng New York Post ở Mỹ - đã công bố một thỏa thuận kéo dài 3 năm, theo đó gã khổng lồ công nghệ sẽ trả tiền để cho nội dung News Corp sản xuất.
Australia phản pháo
Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg ngày hôm nay đã chỉ trích mạnh mẽ hành động của Facebook, cho rằng điều đó có hại cho sự hiện diện của mạng xã hội trên ở nước này.
"Facebook đã sai. Hành động của Facebook là không cần thiết, họ đã quá nặng tay và họ sẽ làm ảnh hưởng tới uy tín của họ ở Australia", ông Frydenberg cho hay.
Thủ tướng Australian Scott Morrison cũng chỉ trích Facebook, cho rằng nó gây ảnh hưởng đến việc chia sẻ các "thông tin thiết yếu về y tế và dịch vụ khẩn cấp" trên nền tảng này.
"Những hành động này sẽ xác nhận mối quan ngại mà ngày càng nhiều quốc gia bày tỏ về hành vi của các công ty công nghệ lớn, những bên cho rằng họ có nhiều quyền hơn chính phủ…Họ có thể đang thay đổi thế giới, nhưng điều đó không có nghĩa là họ điều hành nó", ông Morrison nói.
Ý tưởng về việc các công ty công nghệ phải trả tiền cho các nội dung được chia sẻ trên nền tảng của họ đã xuất hiện được một thời gian. News Corp được xem là bên quyết liệt nhất trong việc ủng hộ động thái trên. Cuộc chiến được dự đoán sẽ diễn ra mạnh mẽ ở các nước khác khi các nhà hoạch định chính sách cũng đang nghiên cứu về luật liên quan tới quan hệ giữa nền tảng công nghệ và bên sản xuất tin tức.