1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Australia tìm cách lôi kéo thế giới trong "cuộc chiến" với Facebook

An Bình

(Dân trí) - Australia đang huy động sự ủng hộ của các nước lớn như Pháp, Canada, Ấn Độ... trong cuộc chiến đòi 2 tập đoàn công nghệ Mỹ là Google và Facebook phải chia "miếng bánh" lợi nhuận cho các hãng tin tức.

Australia tìm cách lôi kéo thế giới trong cuộc chiến với Facebook - 1

Thủ tướng Australia Scott Morrison (trái) và ông chủ Facebook Mark Zuckerberg (Ảnh: AP)

Khi ông chủ Facebook Mark Zuckerberg có các cuộc đàm phán với chính phủ Australia vào ngày 19/2 về một dự luật yêu cầu mạng xã hội này phải trả tiền về nội dung trên báo chí nước này, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã thể hiện thái độ rất cứng rắn. Ông tuyên bố các nỗ lực của Canberra nhận được sự ủng hộ của quốc tế nhằm điều tiết các công ty công nghệ và ủng hộ báo chí.

Ông Morrison cho hay ông đã nêu ra dự luật - có thể trở thành luật ngay từ đầu tuần tới sau một cuộc thảo luận tại Thượng viện bắt đầu vào ngày 22/2 - trong một cuộc điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ông cũng trao đổi với những người đồng cấp tại Pháp và Canada để tìm kiếm sự ủng hộ của họ nhằm khiến các hãng khổng lồ công nghệ Mỹ là Facebook và Google phải trả tiền cho các hãng tin tức, vốn bị ảnh hưởng nặng nề do doanh thu sụt giảm từ quảng cáo, cho những tin tức được chia sẻ trên các nền tảng của họ.

"Thế giới rất quan tâm tới những gì Australia đang làm", Thủ tướng Morrison cho biết ngày 19/2, sau khi Facebook đột ngột cấm người dùng Australia xem và chia sẻ nội dung tin tức trên mạng xã hội này, và ngăn người dùng toàn cầu xem các trang trên Facebook của các hãng tin tức Australia.

Thế giới dõi theo "cuộc chiến" Australia - Facebook

Tiến sĩ Belinda Barnet, một giảng viên cấp cao tại Đại học Swinburne ở Melbourne, cho rằng lập trường của Australia phản ánh sự thừa nhận ngày càng tăng trên khắp thế giới rằng các nền tảng như Facebook thực chất là các nhà xuất bản, điều mà họ không muốn thừa nhận.

Tai Neilson, một giảng viên về truyền thông tại Đại học Macquarie ở Sydney, cho rằng đã có một bước ngoặt trong thái độ của mọi người về sự cần thiết phải điều tiết các hãng khổng lồ công nghệ.

"Các vấn đề nảy sinh từ việc điều tiết các hãng khổng lồ công nghệ như Facebook và Google không chỉ xảy ra tại Australia, mà là khắp thế giới. Đó là lý do tại sao cả thế giới đang theo dõi cuộc chiến đang diễn ra giữa chính phủ Australia và Facebook", chuyên gia trên nhận định.

"Cần làm gì đó để giải quyết sự độc quyền của Google-Facebook và để đặt ra những ràng buộc dân chủ đối với hoạt động của các tập đoàn này. Cần làm gì đó để ủng hộ báo chí Australia, vốn đang bị áp lực tài chính ngày càng tăng, một phần, bởi các công ty này", Neilson nhấn mạnh.

Jaspreet Bindra, người sáng lập một công ty tư vấn về các vấn đề kỹ thuật số tại New Delhi (Ấn Độ), cho rằng Australia sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của quốc tế vì tất cả các chính phủ, trong đó có Ấn Độ, đang tìm cách điều tiết các mạng xã hội lớn, vốn đã phát triển thành "mối đe dọa chủ quyền" đối với họ.

"Tôi cho rằng chính phủ Ấn Độ đang theo dõi chặt chẽ những gì Australia đang làm, và tôi nghĩ Trung Quốc cũng vậy, và làm thế nào mô hình của họ có thể điều tiết các tập đoàn công nghệ lớn và để các công ty công nghệ của chính họ phát triển thành những người đi đầu", Bindra nói.

"Tôi cho rằng trong một số khía cạnh nhất định và điều này sẽ rất được ủng hộ. Tầm nhìn "Ấn Độ tự chủ" của Thủ tướng Modi ủng hộ cách tiếp cận này. Ví dụ, nhiều bộ trưởng và các chính trị gia gần đây đã ủng hộ Koo, một mạng xã hội của Ấn Độ, thay thế Twitter".

Tuy nhiên, chuyên gia trên tỏ ra thận trọng rằng sự bất bình ngày càng gia tăng của thế giới đối với các hãng công nghệ lớn bị thúc đẩy bởi các lý do chính trị hơn là lo ngại của chính phủ về khía cạnh mang lại lợi ích cho cộng đồng.

"Tại Ấn Độ, chính phủ đang đưa Facebook, Twitter, WhatsApp và các nền tảng khác ra tòa hoặc triệu tập họ tới quốc hội trong vài năm qua. Các biện pháp can thiệp để gỡ bỏ các xử lý và bình luận trên Twitter diễn ra rất thường xuyên và tôi tin rằng Ấn Độ dẫn đầu xu hướng này", Bindra cho biết.

Việc Facebook ngày 18/2 đột ngột chặn người dùng Australia đăng tải đường link các bài viết và chặn các hãng tin tức chia sẻ nội dug cũng dẫn tới việc nhiều trang web phi tin tức, như của các cơ quan y tế, cứu hỏa và cứu hộ, các tổ chức từ thiện và vận động, cũng bị "cấm cửa". Facebook sau đó nói rằng việc này là một sự nhầm lẫn xuất phát từ việc hãng này có "định nghĩa rộng" về dự luật của Australia.

Bộ trưởng Di sản Canada Steven Guilbeault chỉ trích động thái của Facebook là "rất vô trách nhiệm" và cam kết sẽ thúc đẩy kế hoạch đưa ra một dự luật tương tự để thảo luận tại Canada. Ông cũng nhấn mạnh về việc gần đây đã trao đổi với những người đồng cấp Pháp, Australia, Đức và Phần Lan về việc hợp tác nhằm đảm bảo rằng các công ty truyền thông được đền bù xứng đáng để sử dụng để nội dung của họ.

"Tôi cho rằng không bao lâu nữa chúng ta sẽ có 5,10, 15 quốc gia có những quy định tương tự… Liệu Facebook sẽ cắt quan hệ với Đức, với Pháp?", ông Guilbeault đặt câu hỏi.

Google, mặc dù phản đối dự luật của Australia, nhưng những ngày gần đây đã ký các thỏa thuận trị giá nhiều triệu USD với các hãng tin lớn của Australia, trong đó có News Corp của tỷ phú Rupert Murdoch để tập đoàn công nghệ này phải trả tiền cho các nội dung xuất hiện trên nền tảng tin tức News Showcase. Các thỏa thuận này được xem là một nỗ lực nhằm đạt được sự thỏa hiệp.

Facebook "phản pháo"

Tuy nhiên, nột nhà cựu ngoại giao Australia đã bày tỏ sự hoài nghi về dự luật, cho rằng nó hầu như chỉ có lợi cho News Corp, tập đoàn tin tức lớn nhất Australia.

"Thủ tướng Morrison chỉ đang hành động vì áp lực từ Murdoch", nhà ngoại giao trên nói, và tin rằng Australia sẽ khó giành được sự ủng hộ lớn của quốc tế vì "hầu hết mọi người biết động lực phía sau của việc này là gì".

Facebook cho rằng dự luật của Australia "hiểu sai cơ bản" mối quan hệ giữa nền tảng này và các hãng tin tức, và rằng trên thực tế chính công ty đã thúc đẩy lợi nhuận của các hãng truyền thông vào năm ngoái, tạo ra 5,1 tỷ lượt truy cập, trị giá ước tính 407 triệu đôla Australia (315,8 triệu USD).

"Với Facebook, lợi nhuận kinh doanh từ tin tức là rất thấp", William Easton, giám đốc điều hành hoạt động của Facebook tại Australia và New Zealand, giải thích về quyết định hạn chế dịch vụ tại Australia.

"Tin tức chỉ chiếm chưa tới 4% nội dung người dùng nhìn thấy trên bảng tin tức Facebook của họ. Báo chí đóng vai trò quan trọng đối với một xã hội dân chủ, đó là lý do tại sao chúng tôi xây dựng các công cụ chuyên biệt, miễn phí để hỗ trợ các hãng tin tức khắp thế giới trong việc sáng tạo nội dung của họ cho độc giả trên mạng".

Một số nhà bình luận công nghệ đã bày tỏ sự cảm thông đối với lập trường của Facebook.

Trevor Long, một nhà bình luận công nghệ tại Sydney, nhận định: "Hành động của Facebook là một bước đi cứng rắn vì điều đó cho thấy họ muốn nói gì với lời đe dọa rút các tin tức, nhưng nó cũng chứng tỏ với tất cả người dân Australia rằng Facebook có ảnh hưởng to lớn như thế nào, và điều đó không phù hợp với nhiều người".