1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga giữa vòng vây trừng phạt của phương Tây

Thanh Thành

(Dân trí) - Nga đã phải hứng chịu hàng loạt các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt chưa từng có kể từ khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, khiến hàng loạt tập đoàn nổi tiếng của phương Tây phải rời đi.

Nga giữa vòng vây trừng phạt của phương Tây - 1

Các nhân viên dọn vệ sinh ngồi trên ghế bên ngoài một cửa hàng bán đồ trang sức ở Moscow, Nga (Ảnh: Reuters).

Marks & Spencer đã trở thành công ty quốc tế mới nhất rút khỏi Nga sau hàng loạt cái tên như McDonald's. Động thái này diễn ra trong bối cảnh phương Tây giáng hàng loạt đòn trừng phạt quy mô chưa từng có nhằm vào Nga do cuộc chiến Ukraine, bao gồm một loạt các biện pháp trừng phạt mới do Liên minh châu Âu (EU) đề xuất.

Mục đích của các nước phương Tây là nhằm gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga và trừng phạt các quan chức cấp cao, trong đó có các nhân vật thân cận của nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin.

Vậy cho đến nay, Nga đã hứng chịu những lệnh trừng phạt nào từ phương Tây?

Gói trừng phạt mới đề xuất của EU 

Các biện pháp trừng phạt đề xuất đối với Nga chưa được các thành viên EU thông qua. Gói bao gồm các biện pháp như: cấm nhập khẩu dầu thô của Nga trong 6 tháng và các sản phẩm tinh chế vào cuối năm 2022; ngắt kết nối ngân hàng lớn nhất của Nga Sberbank và các ngân hàng khác khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT (vốn được sử dụng để chuyển tiền xuyên biên giới); cắt đứt ba trong số các đài truyền hình quốc doanh của Nga khỏi hệ thống cáp, vệ tinh và internet của EU.

EU cũng có thể xử phạt 58 người Nga, bao gồm cả những người liên quan đến các cáo buộc ở Bucha và cuộc bao vây ở Mariupol, Ukraine.

Kế hoạch cấm vận đối với dầu thô của Nga là một phần của gói trừng phạt thứ 6, được đề xuất vào ngày 4/5. EU cho đến nay đã tung ra nhiều gói trừng phạt lên Nga, nhưng chưa có lệnh cấm vận lên dầu mỏ và khí đốt của Moscow, hai mặt hàng quan trọng của nước này. Các nước thành viên EU hiện vẫn chưa thể thống nhất được đề xuất cấm nhập khẩu dầu của Nga, trong đó Hungary dẫn đầu một nhóm nước phản đối biện pháp này. Kinh tế châu Âu được dự báo đối mặt với khó khăn nếu không có nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga.

Các biện pháp tài chính

Tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga đã bị đóng băng, để ngăn chặn ngân hàng này sử dụng 630 tỷ USD dự trữ ngoại tệ.

Điều này khiến đồng rúp giảm 22% giá trị, đẩy giá hàng hóa nhập khẩu tăng và kéo theo tỷ lệ lạm phát của Nga tăng 14%. Đồng rúp kể từ đó đã phục hồi, nhưng chủ yếu là do các biện pháp hỗ trợ của chính phủ.

Washington cũng đã cấm Moscow thanh toán các khoản nợ bằng số tiền 600 triệu USD mà họ nắm giữ trong các ngân hàng của Mỹ, khiến Nga khó trả các khoản vay quốc tế.

Các ngân hàng lớn của Nga đã bị xóa khỏi hệ thống tài chính quốc tế SWIFT, khiến Nga bị chậm các khoản thanh toán xuất khẩu năng lượng.

Anh đã loại các ngân hàng chủ chốt của Nga khỏi hệ thống tài chính của London, đóng băng tài sản của tất cả các ngân hàng Nga, cấm các công ty Nga vay tiền và đặt giới hạn tiền gửi mà người dân nước này có thể gửi tại các ngân hàng của Anh.

Lĩnh vực năng lượng

Ngoài các biện pháp mới của EU, Mỹ đang cấm tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga và Anh sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm 2022.

Đức đã đóng băng kế hoạch mở đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga. EU cũng cho biết họ sẽ ngừng nhập khẩu than của Nga vào tháng 8.

Mỹ, EU, Anh và các quốc gia khác đã cùng nhau trừng phạt hơn 1.000 cá nhân và doanh nghiệp Nga liên quan đến lĩnh vực năng lượng bao gồm: lãnh đạo các công ty lớn, được gọi là giới tài phiệt và xem là có mối quan hệ thân cận với Điện Kremlin, trong đó có những tên tuổi nổi bật như tỷ phú Roman Abramovich.

Các quan chức chính phủ Nga và các thành viên trong gia đình, bao gồm cả người thân của Tổng thống Vladimir Putin và Ngoại trưởng Sergei Lavrov. Tài sản của một số quan chức cấp cao Nga đang bị đóng băng ở Mỹ, EU, Anh và Canada. London cũng đã ngừng bán "thị thực vàng", vốn cho phép người Nga giàu có có được quyền cư trú tại Anh.

Hàng hóa quân sự, hàng không và các lĩnh vực khác

Anh, EU và Mỹ đã đưa ra lệnh cấm xuất khẩu các mặt hàng lưỡng dụng, những mặt hàng có mục đích dân sự và quân sự, chẳng hạn như phụ tùng xe… Anh cũng đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tập đoàn Wagner của Nga, một công ty quân sự tư nhân.

Hiện tại, tất cả các chuyến bay của Nga đã bị cấm trên không phận Mỹ, Anh, EU và Canada. London đã cấm máy bay phản lực tư nhân do người Nga thuê. Anh và EU đã cấm xuất khẩu hàng hóa xa xỉ sang Nga, bao gồm ô tô, thời trang cao cấp và các tác phẩm nghệ thuật. Anh còn đã áp thuế 35% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Nga, bao gồm cả rượu vodka.

Hành động của các công ty quốc tế 

Theo BBC, nhiều công ty quốc tế đã tạm ngừng giao dịch tại Nga hoặc rút lui hoàn toàn, trong đó có McDonalds, Coca Cola, Starbucks, Marks & Spencer.

Marks & Spencer - "gã khổng lồ" trong ngành bán lẻ - trước đó cho biết các thỏa thuận nhượng quyền thương mại đã ngăn họ rút lui hoàn toàn, nhưng giờ đây đã tuyên bố sẽ hoàn toàn rời khỏi Nga. Trước đó, thương hiệu McDonald's cũng tuyên bố rời đi và bán bớt 850 cửa hàng sau hơn 30 năm hiện diện tại Nga.

Nestle đã rút một số thương hiệu của tập đoàn nhưng vẫn sẽ bán "thực phẩm thiết yếu". Tuy nhiên, một số thương hiệu quốc tế khác nói rằng, họ không thể rút đi vì doanh nghiệp hoạt động theo các thỏa thuận nhượng quyền phức tạp.

Ứng phó của Nga 

Đáp trả, Nga đã cấm xuất khẩu hơn 200 sản phẩm cho đến cuối năm 2022, bao gồm viễn thông, y tế, xe cộ, nông nghiệp, thiết bị điện và gỗ.

Ngoài ra, Moscow đang chặn các khoản thanh toán lãi suất cho các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trái phiếu chính phủ và cấm các công ty Nga trả tiền cho các cổ đông ở nước ngoài. Nga cũng đã yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ hàng tỷ USD cổ phiếu và trái phiếu của Nga không được bán.

Theo BBC