Ecuador nhờ Mỹ chuyển vũ khí Nga sản xuất tới Ukraine, Moscow "nóng mặt"
(Dân trí) - Nga lên án quốc gia Mỹ Lalinh Ecuador vì chuyển vũ khí do Moscow sản xuất tới Mỹ để Washington viện trợ cho Ukraine.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 2/2 đã chỉ trích quyết định của Ecuador trong việc bàn giao khí tài quân sự do Nga sản xuất cho Mỹ để Washington chuyển cho Ukraine. Nga cho rằng đây là một hành vi vi phạm hợp đồng mua bán quân sự đầy "liều lĩnh".
Chính phủ Ecuador hồi tháng trước cho biết họ sẽ chấp nhận lời đề nghị từ Washington để trao đổi cái mà họ gọi là "kim loại phế liệu do Ukraine và Nga sản xuất" lấy thiết bị tiên tiến của Mỹ trị giá 200 triệu USD.
Mỹ cho biết số vũ khí mà nước này nhận được từ Ecuador sẽ được gửi tới Ukraine để Kiev sử dụng chống lại chiến dịch quân sự đặc biệt kéo dài gần 2 năm qua của Nga. Hiện chưa rõ Ecuador sẽ chuyển những vũ khí gì qua Mỹ tới Ukraine.
Maria Zakharova, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, nói với hãng tin RIA rằng quyết định của Ecuador được đưa ra dưới áp lực từ các thế lực bên ngoài.
"Các đối tác của chúng tôi hiểu rõ các điều khoản trong hợp đồng, trong đó bao gồm nghĩa vụ sử dụng thiết bị được cung cấp cho các mục đích đã nêu và không chuyển giao thiết bị cho bên thứ 3 mà không có sự đồng ý liên quan của phía Nga", bà nhấn mạnh.
Các nhà chức trách ở Ecuador cho biết Moscow đã khuyến cáo họ không nên chuyển các vũ khí tới Mỹ. Tuy nhiên, Ecuador tin rằng họ có quyền thực hiện điều đó.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 30/1 cáo buộc các cường quốc phương Tây đã đề nghị một vài quốc gia âm thầm viện trợ vũ khí do Nga chế tạo cho Ukraine.
Ông không nêu cụ thể những quốc gia nào, nhưng khẳng định sẽ tiếp tục yêu cầu tất cả các nghĩa vụ quốc tế liên quan đến chuyển giao vũ khí phải được tuân thủ.
Ông Lavrov chỉ ra rằng khi một quốc gia nước ngoài mua vũ khí của Nga một cách hợp pháp, các lô hàng sẽ đi kèm với một số tài liệu nhất định, bao gồm cả giấy chứng nhận người dùng cuối.
Ông giải thích: "Theo giấy chứng nhận này, người nhận vũ khí không có quyền bán lại hoặc chuyển nó đi bất cứ đâu mà không có sự đồng ý của quốc gia cung cấp".