1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đường dây buôn người Trung Quốc khét tiếng của bà trùm băng đảng “Đầu Rắn”

(Dân trí) - Băng nhóm buôn người từng đưa 39 người nhập cư châu Á vào Anh do một bà trùm khét tiếng người Trung Quốc điều hành và kiếm hàng triệu USD trong suốt 20 năm.

Đường dây buôn người Trung Quốc khét tiếng của bà trùm băng đảng “Đầu Rắn” - 1

Bà trùm “Chị Ping” khét tiếng trong đường dây buôn người từ Trung Quốc (Ảnh: Getty)

Bà trùm “xã hội đen” với biệt danh “Chị Ping” đã qua đời tại nhà tù ở Texas, Mỹ vào năm 2014 khi đang thụ án 35 năm vì tội xây dựng mạng lưới buôn người tinh vi nhất thế giới. Được xem là “Mẹ của các Đầu rắn”, bà trùm người Trung Quốc đã đưa khoảng 200.000 người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ.

Trong phiên xét xử tại New York hồi năm 2005, “chị Ping” được mô tả như “quỷ dữ hiện hình”, kiếm bộn tiền bằng việc đưa các thế hệ người Trung Quốc đi khắp nơi trên thế giới với mức giá 20.000 bảng (25.600 USD) cho mỗi trường hợp kể từ đầu thập niên 1980.

Khoản nợ mà mỗi “khách hàng” Trung Quốc phải trả cho đường dây buôn người của “chị Ping” sẽ được thanh toán dần bằng tiền lương từ những công việc tay chân sau khi họ được đưa thành công tới các nước phương Tây. Số tiền này cũng có thể do chính người thân của họ ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), nơi được xem là “cái nôi của nạn buôn người”, bị ép buộc phải trả bằng cách vay mượn từ chính “chị Ping”.

Cảnh sát rốt cuộc cũng lùng ra dấu vết của “chị Ping” tại khu China Town ở New York và bỏ tù người phụ nữ này vì tội buôn người. Mặc dù bà trùm đã bị bắt và bỏ mạng trong tù, song băng nhóm “Đầu Rắn” của “chị Ping” vẫn hoạt động rất mạnh. Tuy vậy, hiện vẫn chưa biết ai là thủ lĩnh mới của băng nhóm này.

Khi không còn “chị Ping”, băng nhóm buôn người vẫn tiếp tục vận hành. Cách thức hoạt động là sử dụng các ứng dụng trên mạng xã hội, trong đó có MoMo và WeChat, với mức cam kết cho chuyến vượt biên là “100% an toàn”. Nhóm này cũng đưa ra những khẩu hiệu quảng cáo rất hấp dẫn trên các ứng dụng như “Qua cửa khẩu cực nhanh!” hay “Chỉ trả tiền khi đến nơi!”.

Những người ôm mộng về cuộc sống mới ở một nơi cách xa Trung Quốc sẽ trả khoản tiền đặt cọc nhỏ qua mạng trị giá 5.000 Nhân dân tệ (700 USD), trước khi bị nhồi nhét trên những con thuyền hay những thùng container trong một hành trình dài, tăm tối và nguy hiểm.

Giấc mộng đổi đời

Đường dây buôn người Trung Quốc khét tiếng của bà trùm băng đảng “Đầu Rắn” - 2

Thùng xe tải chở 58 thi thể người nhập cư Trung Quốc tại cảng Dover, Anh năm 2000. (Ảnh: PA)

Những người Trung Quốc, đặc biệt là những đối tượng có trình độ học vấn thấp, vẫn tiếp tục bị lôi kéo tới châu Âu hoặc Bắc Mỹ bởi những lời hứa hẹn về mức thu nhập cao hơn so với ở quê nhà, bất chấp những rủi ro mà họ phải đối mặt.

Các nạn nhân muốn rời bỏ quê nhà để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn tại Anh. Tuy nhiên, hành trình đến Anh của họ rất cực khổ và nguy hiểm, thậm chí mất cả tháng ngồi trong thùng xe tải trong những điều kiện bẩn thỉu và nguy hiểm.

Hầu hết những người nhập cư bất hợp pháp sẽ đáp chuyến bay từ Trung Quốc tới Serbia, sau đó di chuyển bằng đường bộ qua Hungary, Áo, Pháp, trước khi lên tàu đi qua Bỉ hoặc Hà Lan để tới Anh.

Mike Gradwell, cựu cảnh sát thuộc sở cảnh sát Lancashire từng tham gia điều tra thảm kịch khiến 23 người nhập cư Trung Quốc chết đuối ở vịnh Morecambe (Anh) năm 2004, nói với BBC rằng, hầu hết những người nhập cư đều đi theo đường dây của các băng nhóm “Đầu Rắn”.

“Chúng tôi không hiểu tại sao có nhiều người Trung Quốc chọn tới Anh như vậy”, Lisa Yam, luật sư chuyên về người tị nạn Trung Quốc, nói.

Các băng nhóm buôn người được gọi là “Đầu Rắn” vì chúng phải thường xuyên luồn lách để tìm mọi cách vượt qua các cửa khẩu ở biên giới, từ đó đưa người nhập cư bất hợp pháp vào lãnh thổ của một nước khác.

Trước khi xảy ra vụ 39 nạn nhân bị cho là chết cóng trong thùng đông lạnh ở Essex hôm 23/10, có hai thảm kịch khác cũng liên quan tới người nhập cư Trung Quốc từng gây chấn động nước Anh.

Năm 2000, thi thể của 58 người Trung Quốc được tìm thấy bên trong một container xe tải được niêm phong và không có không khí tại cảng Dover. Kết quả khám nghiệm sau đó phát hiện ra rằng, họ chết vì ngạt khí.

Perry Wacker, tái xế lái xe người Hà Lan, bị tuyên án 14 năm tù vì tội giết người. Họ là những người nhập cư phải trả cho băng nhóm buôn người hàng nghìn USD để được nhập cảnh vào Anh.

4 năm sau, 23 người Trung Quốc cũng bị chết đuối sau khi nhóm buôn người nhẫn tâm bỏ rơi họ trên bãi biển ở vịnh Morecambe. Lin Liang Ren, kẻ đứng sau vụ việc, đã bị tuyên án 14 năm tù.

Cả hai vụ việc trên đều có một điểm chung: tỉnh Phúc Kiến. Tất cả những người thiệt mạng đều xuất thân từ Phúc Kiến, tỉnh nằm phía đông bắc Trung Quốc. Đây cũng là “hang ổ” của các nhóm “Đầu Rắn” buôn người khét tiếng, một nhánh của hội Tam Hoàng - tổ chức bí mật của người Hoa có dính líu tới hoạt động tội phạm. 

Wang Wei, một nhân chứng từng đi theo nhóm buôn người để vào Anh qua vùng Dover, đã kể lại hành trình kinh hoàng trước đây.

“Họ (băng nhóm buôn người) đưa tôi vào trong một container và nói rằng họ sẽ đưa chúng tôi tới nơi an toàn. Hành trình đó mất hơn một tháng, hơn 40 ngày. Tất cả đều diễn ra bên trong container. Tôi không biết mình đang ở đâu. Tôi đoán mình ở trên biển. Tôi chỉ biết một điều là container được bốc dỡ lên xuống. Họ đưa đồ ăn cho tôi. Tôi đi vệ sinh bên trong container trong hơn 40 ngày. Tôi trả cho họ hơn 15.000 bảng Anh”, Wei hồi tưởng lại.

Thành Đạt

Theo Dailymail