Được và mất của Ukraine sau một tháng đưa quân tấn công lãnh thổ Nga
(Dân trí) - Cuộc đột kích của Ukraine vào vùng Kursk được thiết kế để gây tổn thất cho Nga, nhưng Kiev lại đang hứng chịu hệ quả từ chiến dịch quân sự này.
Một tháng trước, vào ngày 6/8, Ukraine đã phát động một cuộc tấn công lớn vào khu vực biên giới Kursk của Nga. Mặc dù có những tiến triển ban đầu, cuộc tấn công này khiến Ukraine phải chịu tổn thất lớn.
Việc triển khai các lữ đoàn gồm những binh lính giàu kinh nghiệm nhất và được trang bị tốt nhất cho một chiến dịch tấn công vào lãnh thổ Nga được xem là ván cược rủi ro của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Chiến dịch Kursk đã làm suy yếu khả năng phòng thủ của chính Ukraine trước những bước tiến ổn định và nhanh chóng của Nga ở các khu vực khác trên tiền tuyến Ukraine. Chiến dịch này cũng khiến các nhà tài trợ phương Tây của Ukraine lo lắng trước sự lãng phí nguồn lực vốn khan hiếm của Ukraine, trong đó có nhiều nguồn lực do nước ngoài viện trợ.
Ukraine cũng đạt được những bước tiến nhất định khi tuyên bố kiểm soát khoảng 1.300km2 lãnh thổ và 100 khu định cư của Nga. Kiev cũng tuyên bố bắt giữ tù binh Nga để bổ sung vào "quỹ trao đổi tù binh" trong tương lai. Tuy nhiên, một trong những mục đích của Kiev là tiếp cận nhà máy điện hạt nhân Kursk vẫn chưa thực hiện được.
Chuyên gia Tarik Cyril Amar, nhà sử học người Đức làm việc tại Đại học Koc, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng chiến dịch Kursk của Ukraine sẽ "thất bại". Ông cho rằng, Nga rốt cuộc sẽ giành lại toàn bộ phần lãnh thổ rất nhỏ đang bị Ukraine kiểm soát, trong khi rủi ro đối với Ukraine đang không ngừng tăng lên từng ngày.
Chuyên gia đã chỉ ra 3 khía cạnh chính cho thấy sự thất bại của Ukraine trong chiến dịch Kursk.
Thứ nhất, theo trợ lý của Tổng thống Zelensky, Mikhail Podoliak, mục tiêu của chiến dịch Kursk là buộc Moscow phải đàm phán chấm dứt xung đột theo các điều kiện của Ukraine. Ông cũng ngụ ý rằng Kiev đang kiểm soát lãnh thổ Nga để làm đòn bẩy cho một cuộc trao đổi sau này.
Tuy nhiên, với năng lực quân sự và nguồn lực dự bị của Nga, đây được xem là một ý tưởng phi thực tế. Thay vào đó, chiến dịch Kursk đã dẫn đến điều ngược lại là sự củng cố hơn nữa lập trường của Moscow.
Tổng thống Vladimir Putin đã nhắc lại lập trường lâu nay của Nga rằng Moscow đã sẵn sàng đàm phán. Tuy nhiên, ông cũng tuyên bố các cuộc đàm phán không thể diễn ra trước khi chiến dịch Kursk kết thúc. Nhà lãnh đạo Nga cũng bày tỏ hy vọng rằng sau thất bại của Ukraine ở Kursk, những người phản đối Moscow sẽ đủ khôn ngoan để sẵn sàng cho một thỏa hiệp thực tế.
Thứ hai, một mục tiêu khác khi Ukraine mở chiến dịch Kursk là buộc Nga phải rút quân khỏi các khu vực khác trên tiền tuyến, đặc biệt là ở khu vực thành phố Pokrovsk, cách vùng Donetsk ở miền Đông Ukraine khoảng 50km về phía tây bắc. Tuy nhiên, kịch bản này cũng không xảy ra. Thay vào đó, chính quyền Ukraine đang phải sơ tán dân ở Pokrovsk và Nga được cho là sắp kiểm soát thành phố chiến lược này.
Theo một sĩ quan Ukraine giấu tên ở Kursk, người đã nói với báo Pháp Le Monde rằng, sự sụp đổ của Pokrovsk là một "thảm họa quân sự" và quá trình này được đẩy nhanh do một số "đơn vị tốt nhất của Ukraine đã được điều động để tham gia cuộc tấn công vào vùng Kursk".
Báo Telegraph của Anh cũng cho rằng "kể từ khi Ukraine rút các đơn vị tinh nhuệ khỏi vùng Donbass để xâm nhập vào Kursk, bước tiến của Nga đã tăng tốc" tại khu vực này.
Nga đang đẩy lực lượng phòng vệ Ukraine ra khỏi vị trí của họ mỗi ngày. Một binh lính Ukraine khác - người từng tham gia trận chiến năm 2023 giành thị trấn Bakhmut - dự đoán Pokrovsk sẽ sụp đổ nhanh chóng, nói rằng "chưa bao giờ thấy điều gì như thế này", với "mọi thứ sụp đổ nhanh chóng như vậy".
Theo Financial Times, Pokrovsk "có tầm quan trọng chiến lược". Là một trung tâm vận tải lớn, việc mất Pokrovsk sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực phòng thủ của Ukraine đối với những vùng còn lại ở Donetsk, gây áp lực nghiêm trọng lên lực lượng Ukraine xung quanh các thị trấn Toretsk và Chasov Yar, cũng như các cứ điểm ở Slavyansk, Kramatorsk và Konstantinovka. Ngoài ra, việc kiểm soát Pokrovsk có thể giúp mở ra cánh cửa cho một cuộc tiến quân về phía tây của Nga tới sông Dnieper.
Trong khi Pokrovsk là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy cuộc xâm nhập Kursk hoàn toàn không phải là một ý tưởng hay, Nga cũng đang có những bước tiến nhanh chóng ở những khu vực khác, góp phần tạo nên "những thành quả lớn nhất của Moscow kể từ tháng 10/2022".
Thứ ba, bằng cuộc xâm nhập qua biên giới Nga, Kiev cũng muốn chứng minh rằng các lằn ranh đỏ của Moscow không phải là vấn đề quan trọng và do vậy, phương Tây, đặc biệt là Mỹ, không cần coi trọng những lằn ranh này.
Cụ thể, lãnh đạo Ukraine đang cố gắng thuyết phục chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Joe Biden cho phép Kiev sử dụng vũ khí của Mỹ - đặc biệt là tên lửa ATACMS - để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga. Ngoài ra, Kiev cũng muốn Washington cho phép Anh và Pháp làm điều tương tự đối với tên lửa Storm Shadow/Scalp mà họ đã cung cấp, vì theo Economist đưa tin, Mỹ đang âm thầm kiềm chế các đồng minh trong việc cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine do lo ngại leo thang xung đột.
Bất chấp nỗ lực của chính quyền Tổng thống Zelensky, phương Tây cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn "cởi trói" cho Ukraine để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Ngay cả khi Ukraine được phép tấn công sâu hơn vào Nga bằng vũ khí phương Tây, tương tự việc Kiev từng vượt qua nhiều lằn ranh đỏ trước đây, điều đó sẽ khiến Nga càng quyết liệt hơn.
Đại sứ Nga tại Washington, Anatoly Antonov, cảnh báo Mỹ sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp nếu các kế hoạch leo thang xung đột Ukraine của họ thành hiện thực. Theo ông, nếu vũ khí phương Tây bị bắn vào sâu bên trong nước Nga, hậu quả sẽ ảnh hưởng đến cả hai bờ Đại Tây Dương. Ông cũng tuyên bố bất chấp phương Tây viện trợ bao nhiêu vũ khí cho Ukraine, Nga sẽ đạt được mục tiêu đề ra trong chiến dịch quân sự đặc biệt.