1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đức nói tìm ra vắc xin Covid-19 có thể mất nhiều năm

(Dân trí) - Bộ trưởng Y tế Đức dự đoán việc phát triển vắc xin trị Covid-19 có thể kéo dài nhiều năm trong khi số ca nhiễm toàn cầu đã lên tới hơn 3,5 triệu người.

Đức nói tìm ra vắc xin Covid-19 có thể mất nhiều năm - 1

Nhân viên làm việc tại công ty dược phẩm CureVac ở Tuebingen, Đức. (Ảnh: Reuters)

“Tôi rất vui nếu việc phát triển vắc xin thành công sau vài tháng nữa, nhưng mọi người nên thận trọng. Chuyện này cũng có thể mất tới nhiều năm, vì đương nhiên sẽ có những lần thất bại trong việc tìm kiếm vắc xin, như chúng ta từng làm với các loại vắc xin khác”, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn ngày 3/5 cho biết.

Theo ông Spahn, “việc phát triển vắc xin là một trong những nhiệm vụ khó khăn và thử thách nhất trong ngành y”.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3/5 cho biết Mỹ có thể sẽ có vắc xin Covid-19 vào cuối năm nay.

Chính quyền Tổng thống Trump được cho là đang thúc giục các cơ quan đẩy nhanh tốc độ phát triển vắc xin. Mục tiêu của chiến dịch này nhằm thúc đẩy quá trình điều chế vắc xin và sản xuất 300 triệu liều vào tháng 1 năm sau.

Anthony Fauci, chuyên gia trong nhóm chống Covid-19 của Nhà Trắng, tuần trước cho biết việc Mỹ có vắc xin vào tháng 1 năm sau là khả năng có thể xảy ra.

Các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới, gồm Nga, Trung Quốc, Mỹ và châu Âu, đã nỗ lực tham gia vào cuộc đua phát triển vắc xin từ tháng 1. Hiện vẫn còn nhiều hoài nghi về việc khi nào vắc xin Covid-19 mới đủ an toàn để đưa vào sử dụng.

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng việc phân phối vắc xin, chứ không phải phát triển vắc xin, mới là thách thức quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19. Phát biểu của lãnh đạo WHO được đưa ra tại hội nghị gây quỹ được tổ chức hôm nay 4/5 với mục tiêu kêu gọi ít nhất 7,5 tỷ euro (8,2 tỷ USD) cho việc nghiên cứu vắc xin và phương thức điều trị Covid-19.

“Thước đo thành công cuối cùng không phải là chúng ta có thể phát triển vắc xin nhanh như thế nào, mà là chúng ta có thể phân phối chúng công bằng ra sao. Không ai trong số chúng ta có thể chấp nhận một thế giới mà ở đó, một số người được bảo vệ, trong khi những người khác vẫn bị nhiễm bệnh”, ông Tedros nói.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới hiện đã vượt 3,5 triệu người, trong khi số ca tử vong cũng ghi nhận ít nhất 247.000 người.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm