1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Dự đoán đường đi của phóng xạ nếu Triều Tiên thử bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương

(Dân trí) - Giới chuyên gia cảnh báo, nếu Triều Tiên thực sự thử bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương như tuyên bố, nguy cơ phát tán phóng xạ ra các khu vực xung quanh là rất lớn.


Đồ họa mô phỏng sự lan truyền của mây phóng xạ trong trường hợp Triều Tiên thử bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương. (Ảnh: Dailymail/Twitter)

Đồ họa mô phỏng sự lan truyền của mây phóng xạ trong trường hợp Triều Tiên thử bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương. (Ảnh: Dailymail/Twitter)

Hãng tin RT cho biết, một tài khoản Twitter có tên Lassina Zerbo, người đứng đầu Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện, mới đây đã đăng tải một hình ảnh đồ họa mô phỏng mức độ lan truyền của mây đồng vị phóng xạ trong trường hợp Triều Tiên thử bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương.

Đồ họa không kèm các dữ liệu hỗ trợ cũng như về mối đe dọa từ mây phóng xạ đến sức khỏe của con người. Zerbo sau đó cho biết, đây chỉ là hình ảnh mô phỏng đơn giản mà ông thực hiện để đáp lại đề nghị của nhiều người đang lo ngại nguy cơ Bình Nhưỡng thử bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, hiện còn khá nhiều tranh cãi về đồ họa này.

Đánh giá trên được đưa ra không lâu sau khi Triều Tiên tuyên bố cân nhắc thử bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương để đáp trả Mỹ. Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho nói rằng, đây có thể là vụ thử bom nhiệt hạch mạnh nhất từ trước đến nay.

Các chuyên gia cảnh báo, nếu Triều Tiên thực sự tiến hành một vụ thử bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương, hậu quả sẽ rất khó lường, trong đó có nguy cơ lan truyền phóng xạ.

Hãng tin Sputnik dẫn nhận định của ông Alexei Kokorin, lãnh đạo Chương trình khí hậu của Quỹ Động vật Hoang dã thế giới (WWF) Nga, cho biết: "Mưa phóng xạ có thể diễn ra trên tất cả các châu lục nhưng đặc biệt là ở Nhật Bản và vùng biển Nhật Bản vì khối không khí chính đi từ tây sang đông". Cũng theo chuyên gia này, sự lan truyền của phóng xạ còn phụ thuộc vào hướng gió và dòng chảy.

"Nó sẽ bay vòng quanh thế giới, toàn bộ Bắc bán cầu và sau đó thâm nhập Nam bán cầu. Chúng ta có thể nhớ đến trường hợp Chernobyl mặc dù khi đó không xảy ra vụ nổ hạt nhân. Bụi phóng xạ tuy không nhiều nhưng ghi được ở hầu hết các nơi trên thế giới", Sputnik dẫn lời chuyên gia Kokorin.

Minh Phương

Theo Dailymail