Động thái bảo toàn lực lượng của Nga sau loạt vụ nổ tại sân bay chiến lược
(Dân trí) - Những hình ảnh vệ tinh thu được cho thấy nhiều máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 của Nga đã được rút khỏi căn cứ không quân Dyagilyaevo.
Trang Defense Express đã công bố những hình ảnh vệ tinh so sánh khung cảnh căn cứ không quân Dyagilyaevo ở vùng Ryazan, Nga trước và sau vụ nổ hôm 6/12. Theo đó, ít nhất 10 máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3, một máy bay vận tải quân sự An-124 cùng một số máy bay chiến đấu khác đã không còn xuất hiện tại bãi đỗ của sân bay Dyagilyaevo sau sự kiện hôm 6/12.
Theo các chuyên gia quân sự, các máy bay trên nhiều khả năng đã được chuyển đến một sân bay khác nằm sâu trong lãnh thổ Nga, như là một động thái nhằm bảo toàn lực lượng của Moscow. Giả thiết về việc các máy bay trên bị phá hủy bởi UAV Ukraine đã được loại trừ do không phát hiện dấu vết của các vụ nổ trên mặt đường băng tại căn cứ Dyagilyaevo.
Kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga được tiến hành tại Ukraine, căn cứ chính của phi đội Tu-22M3 được đặt tại sân bay quân sự Shaikovka. Tuy nhiên, sau một vụ nổ bí ẩn xảy ra hồi đầu tháng 10, số máy bay này đã được điều động đến đóng quân tại căn cứ không quân Dyagilyaevo. Từ đó đến nay, các oanh tạc cơ Tu-22M3 đã thực hiện nhiều phi vụ xuất kích nhằm tấn công các mục tiêu của Ukraine từ căn cứ ở vùng Ryazan.
Trước đó, trong một thông cáo được đưa ra hôm 5/12, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc các UAV của quân đội Ukraine đã tấn công 2 căn cứ không quân Dyagilyaevo ở vùng Ryazan và Engels ở vùng Saratov của Nga. Theo Bộ Quốc phòng Nga, các máy bay không người lái (UAV) cảm tử Tu-141 được chế tạo từ thời Liên Xô của Ukraine đã bay ở độ cao thấp trước khi lao tới 2 căn cứ trên, gây ra thiệt hại về người và khiến ít nhất 2 máy bay của Moscow, trong đó có một máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS bị hư hỏng.
UAV Tu-141 được phát triển và chế tạo bởi Viện thiết kế Tupolev của Liên Xô trong thập niên 70 của thế kỷ trước. Ban đầu, UAV này được thiết kế với nhiệm vụ do thám và trinh sát các hoạt động của đối phương. Tuy nhiên, vào năm 2014, quân đội Ukraine đã giới thiệu một phiên bản mới của loại máy bay không người lái này với khả năng mang theo đầu đạn nặng tới 150kg để tấn công các mục tiêu của đối phương.
Với chiều dài 14,33m, sải cánh 3,88m và chiều cao 2,44m, Tu-141 có trọng lượng cất cánh có tải lên tới 6 tấn. Được trang bị động cơ Tumansky KR-17A, UAV này có thể đạt vận tốc tối đa lên tới 1.100km/h, tầm bay 1.000km và trần bay 6.000m.