1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đông Bắc Á - Tay bắt chặt mà mặt chưa mừng

Những gì đã diễn ra ở khu vực Đông Bắc Á trong năm 2015 đã cho thế giới thấy sự phức tạp vốn có của khu vực này.

Cuộc gặp thượng đỉnh của ba nhà lãnh đạo Trung Quốc-Hàn Quốc-Nhật Bản thời điểm tháng 11-2015 ở Seoul giúp họ có được cái bắt tay rất chặt. Nhưng, Đông Bắc Á trong năm 2015 vẫn còn đầy âu lo.

Đông Bắc Á vừa được nhìn nhận là khu vực của sự phồn thịnh khi một nửa số nước nằm trong khu vực này vẫn là những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Song, Đông Bắc Á trong một khuôn mặt khác, là những ngổn ngang mâu thuẫn song phương, đa phương cùng tiềm tàng nguy cơ về tranh chấp lãnh thổ, vũ khí hạt nhân. 

Trước hết, phải thừa nhận năm 2015 là năm khá ổn định, phồn thịnh của Đông Bắc Á, nơi được coi là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối nhanh trên toàn cầu. Khu vực này có hai quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) là Nhật Bản đứng thứ ba thế giới và Hàn Quốc đứng thứ 12 thế giới, còn Trung Quốc đứng thứ hai thế giới về tổng lượng kinh tế.

Nhưng đến nay, về mặt hợp tác khu vực, Đông Bắc Á vẫn là một ẩn số. Trên bình diện một tổng thể, người ta chưa thấy một Đông Bắc Á thống nhất trên cấp độ một khu vực kinh tế mạnh. Nguyên nhân của tình trạng này ở mức độ nào đó chịu ảnh hưởng tiêu cực của nhân tố chính trị, những yếu tố đặc thù liên quan tới lịch sử.

Đông Bắc Á - Tay bắt chặt mà mặt chưa mừng - 1

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (giữa), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp lịch sử tại Seoul. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tại sao lãnh đạo những nước chủ chốt ở Đông Bắc Á là Trung Quốc-Hàn Quốc-Nhật Bản có thể “ngồi” được với nhau trong khi giữa ba nước này đang tồn tại những mâu thuẫn rất gay gắt đan xen trên cả bình diện song phương và khu vực?

Trước hết, “vật cản” mà các nước Đông Bắc Á cực kỳ khó vượt qua chính là vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ. Sự dũng cảm cũng như những chính sách tích cực của lãnh đạo ba nước suốt một thời gian dài, đã được đánh dấu bằng cuộc gặp thượng đỉnh ba bên Trung-Nhật-Hàn vào tháng 11-2015 cho thấy những khúc mắc lịch sử, những tranh chấp hoàn toàn có thể giải quyết trong hòa bình.

Điều gì đã thôi thúc để khu vực Đông Bắc Á có một kết thúc có hậu vào dịp cuối năm 2015? Điều gì đã gắn kết các nước vốn khó “đội trời chung”?

Không quá khó để giải thích: Lợi ích kinh tế. Có thể thấy rõ, năm 2015 không phải là năm mà các nước Đông Bắc Á đạt được những chỉ số kinh tế xuất sắc. Kinh tế Trung Quốc đã chững lại. Kinh tế Nhật Bản cũng chật vật. Hàn Quốc cần tìm ra thị trường mới. Nếu không “ngồi” lại với nhau, cơ hội sẽ trôi qua hoặc mất đi.

Xác định rõ điều này, năm 2015, hàng loạt cuộc gặp con thoi từ cấp thứ trưởng, bộ trưởng của nhiều ngành, nghề đã được thiết kế trong những sóng gió ngoại giao hồi đầu và giữa năm 2015. Điều này phản ánh một thực tế rằng các nền kinh tế hàng đầu thế giới, hàng đầu khu vực Đông Bắc Á vẫn cần phải dựa vào nhau để thúc đẩy tăng trưởng, bất chấp những bất đồng. Và như vậy, điểm chung đầy hấp dẫn là lợi ích kinh tế đã gắn bó các nước với nhau.

Thêm vào đó, trong bối cảnh cả Hàn Quốc và Trung Quốc đều rất “sốt ruột” khi TPP đang chuẩn bị đi vào cuộc sống của hàng tỷ gia đình khu vực châu Á-Thái Dương, họ không thể khoanh tay ngồi chờ. Rõ ràng các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều không muốn từ chối những cái bắt tay mang lại giá trị hàng chục tỷ USD, đem lại an ninh và thịnh vượng cho hàng tỷ người ở khu vực, tạo ra "cú huých" cho các cuộc thương thuyết tiếp theo về Hiệp định Tự do thương mại (FTA) ba bên.

Rõ ràng, đích đến của cái bắt tay lịch sử tháng 11-2015 còn xa hơn khi nó mang vai trò làm tiền đề cho các cuộc đàm phán tiếp theo với hy vọng sự hợp tác thương mại chặt chẽ giữa ba nước thông qua một FTA sẽ giúp ba nền kinh tế lớn thứ hai, thứ ba và thứ 12 thế giới, với 1,5 tỷ người, sánh ngang với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Khuôn mặt thứ hai của Đông Bắc Á, khu vực ngổn ngang với các mâu thuẫn song phương, đa phương đan xen trong sự căng thẳng, bất ổn và ẩn chứa những nguy cơ tiềm tàng. Không sai khi nói như vậy. Khu vực Đông Bắc Á vừa là một khái niệm địa lý, nhưng cũng là một khái niệm địa chính trị mang tính tổng hợp bao gồm nhiều nhân tố như: Chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự và an ninh.

Với những đặc thù không giống bất kỳ khu vực nào trên thế giới, khu vực Đông Bắc Á có môi trường địa chính trị và vị trí chiến lược hội tụ nhiều mâu thuẫn mang tính quốc tế. Vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên là một trong những điển hình nhất cho hoàn cảnh khó khăn trong vấn đề an ninh khu vực Đông Bắc Á.

Vẫn còn đó những mưu toan tính toán chiến lược của một số nước làm xói mòn lòng tin không chỉ của khu vực Đông Bắc Á. Nói về khu vực Đông Bắc Á trong năm 2015, các chuyên gia nhận định, năm qua, Đông Bắc Á là một khu vực “nóng” cũng nhanh và “nguội” cũng nhanh.

Nhận xét này không phải không có lý. Ngoài tính chất phức tạp trong mối quan hệ giữa các nước thuộc khu vực, các nước bên ngoài khu vực cũng có tác động không ít. Sự an nguy của người dân Đông Bắc Á không chỉ phụ thuộc vào các nước trong khu vực này.

Bối cảnh chính trị phức tạp của Đông Bắc Á cho thấy, sự an nguy ấy có liên hệ chặt chẽ tới các khu vực khác như Đông Nam Á, Nam Á, những nước lớn như Nga, Mỹ, Ấn Độ, Úc… Mỗi khi biển Hoa Đông dậy sóng thì Hoàng Hải cũng không yên ả. Biển Đông khi bị âm mưu thôn tính thì các nước khác cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Bởi tính chất liên thông này mà trong năm 2015, Đông Bắc Á vẫn còn đó những mâu thuẫn song phương giữa Trung Quốc với Nhật Bản liên quan tới vấn đề chủ quyền ở biển Hoa Đông, những mâu thuẫn liên quan tới những tuyên bố về tự do hàng hải ở Biển Đông; mâu thuẫn giữa Nhật Bản với Hàn Quốc liên quan tới chủ quyền một số hòn đảo; mâu thuẫn giữa Nhật Bản với Hàn Quốc và Trung Quốc liên quan đến vấn đề lịch sử… Cho tới nay, các bên chưa tìm được tiếng nói chung để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Tất cả những mâu thuẫn này sẵn sàng bùng phát thành nguy cơ xung đột. Không phải vô cớ mà tháng nào cũng có báo cáo tàu, thuyền của nước nọ đi vào khu vực nước kia; không phải vô cớ cứ vài tháng lại có một cuộc nã pháo, một vụ tên lửa bay khỏi bệ phóng… cho dù sau đó mọi việc được kiểm soát, nhưng sự “nóng”, “nguội” thất thường cho thấy khu vực này vẫn chông chênh, trắc trở, bất ổn.

Bàn cờ Đông Bắc Á trong năm 2015 không đơn thuần là nhìn nhận cơ học từng quốc gia. Phải nhìn nhận khu vực này theo từng cặp quan hệ và mối quan hệ tổng thể.

Năm 2015, các nước lớn ở Đông Bắc Á đã cơ bản đạt được những tiến bộ trong quan hệ, song, để ổn định tình hình an ninh khu vực Đông Bắc Á, chỉ một vài cuộc gặp là chưa đủ để hóa giải, cần có trách nhiệm để cùng nhau xây dựng cơ chế cùng tồn tại hài hòa; lấy hợp tác bình đẳng thúc đẩy các nước cùng phát triển, lấy cùng phát triển để mưu cầu cùng thắng; xây dựng các cơ chế hợp tác an ninh, kinh tế đặc thù, phù hợp với môi trường an ninh đặc thù của khu vực Đông Bắc Á; giảm bớt xu hướng phức tạp hóa trong chính trị; không tạo nên sự đối lập và thù địch; tìm ra nhận thức chung, từ đó xây dựng lòng tin chính trị giữa các nước, xây dựng một Đông Bắc Á vững mạnh hơn, ổn định hơn trong năm 2016.

Theo Nguyễn Hòa

Quân đội nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm