1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nhật-Trung-Hàn: Tuần trăng mật lại chấm dứt

Mấy năm qua ở Đông Á được ví von như là những ngày dài của một tuần trăng mật giữa các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Và họ đã có không ít tuần trăng mật như vậy trong chuỗi ngày dài sống trong căng thẳng, cạnh tranh và tị hiềm.

Song điểm giống nhau giữa các tuần trăng mật ấy là đều kết thúc bất ngờ vì những lý do hết sức quen thuộc: lịch sử.

 

Mới hồi tháng 1/2005, Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun còn ca ngợi về mối quan hệ Nhật - Hàn với dân chúng Seoul rằng "chúng ta vui mừng được là bạn của nhau để cùng hướng tới tương lai". Không lâu sau đó, bài hát "Cùng nhảy múa với tôi" được hai ban nhạc lớn của hai nước cùng thể hiện, như một minh chứng thực tiễn cho tuyên bố trên của Tổng thống Hàn Quốc.

 

Trung Quốc cũng đã bày tỏ quan điểm ôn hoà đó. Họ cho phép các phụ nữ nước mình cùng với các phụ nữ Nhật Bản tổ chức một cuộc chinh phục đỉnh Everest như muốn chứng tỏ cho thế giới thấy rằng, không khó khăn nào là không thể vượt qua đối với họ.

 

Còn kinh tế thì khỏi phải nhắc lại nhiều. Ai cũng thấy rõ quan hệ kinh tế giữa 3 nước này đến nay đã đạt tầm cao như thế nào. Họ là bạn hàng lớn, thân thiết nhất của nhau. Kim ngạch xuất khẩu 3 bên luôn đạt mức cao và tăng đều qua nhiều năm.

 

Nhật kiếm ghế HĐBA làm Trung-Hàn khó chịu?

 

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vũ Đại Vệ nói, quan hệ Trung-Nhật đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1972.

 

Nhưng tuần trăng mật không mấy khi kéo dài quá lâu, nhất là ở Đông Á. Sự êm ấm chợt biến mất nhanh chóng khi Nhật Bản chính thức công khai vận động cho một ghế ở Hội đồng Bảo an LHQ - nơi mà Trung Quốc vẫn đang là đại diện duy nhất của châu Á được tham gia.

 

Trung Quốc chưa vội tỏ ra chống đối, nhưng với một phiếu veto, lúc nào họ cũng có thể phủ quyết, không cho Nhật tham gia dù cho Nhật có vận động được bao nhiêu nước ủng hộ đi nữa.

 

Chưa nói ra, nhưng việc sinh viên có thể biểu tình rầm rộ tới tận Đại sứ quán Nhật bất chấp các quy định nghiêm ngặt của cảnh sát cũng như việc một trang web đang thu thập chữ ký người dân để phản đối việc Nhật đòi gia nhập HĐBA cũng đã nói lên nhiều điều, đủ để người Nhật đoán biết.

 

"Nhật vẫn chưa quên tham vọng muốn thống trị cả châu Á bằng bạo lực quân sự. Trung Quốc có trách nhiệm phải ngăn bước chân họ", Thông Tăng, một thành viên trong ban tổ chức trang web thu thập chữ ký trên cho biết.

 

Còn Hàn Quốc ngay lập tức bày tỏ ý kiến một cách mạnh mẽ và công khai. Đại sứ Hàn Quốc tại LHQ cho rằng "Nhật chưa xứng đáng có một ghế thường trực trong HĐBA vì chưa tạo được lòng tin cần thiết cho các nước láng giềng".

 

Vậy là đã rõ. Đó dường như chính là nguyên nhân chung khiến cả Trung Quốc và Hàn Quốc nhất loạt thay đổi thái độ với Nhật Bản. Và sự kiện xuất bản sách giáo khoa là cái cớ quá đúng lúc.

 

Quyết làm căng, bất chấp thiệt hại kinh tế

 

Nhật-Trung-Hàn: Tuần trăng mật lại chấm dứt  - 1
 

 

Tổng thống Roh còn định

 làm trung gian hòa giải

Trung - Nhật.

Quan hệ đã bắt đầu băng giá trên khắp Đông Á vào thời điểm này. Honda - công ty Nhật đầu tiên sản xuất xe hơi trên đất Trung Quốc - đã tuyên bố huỷ mọi chuyến đi qua lại giữa hai nước nhằm tránh các rắc rối về an ninh. 8 sự kiện giao lưu Nhật - Hàn đã bị hoãn lại vô thời hạn.

 

Thậm chí, trong trang web riêng của mình, Tổng thống Roh cho đăng "Thư gửi cả nước" trong đó ám chỉ rằng một cuộc chiến ngoại giao là điều khó tránh khỏi giữa Hàn Quốc với Nhật Bản.

 

Vậy là những lời hứa hữu nghị đã đổi thay thành những tuyên bố đe doạ và lạnh nhạt nhanh không ngờ được. Tất cả những bất đồng mà lâu nay các bên "tạm gác sang một bên để hướng tới tương lai, vì một khu vực hoà bình, thịnh vượng và an toàn hơn" như lời nguyên thủ các nước thường tuyên bố chợt trở về đồng loạt.

 

Nhật và Trung Quốc vẫn tiếp tục khẳng định chủ quyền trên các hòn đảo tranh chấp, vẫn tiếp tục cho doanh nhân nước mình khoan thăm dò trên các vùng biển chưa phân định rõ ràng... Thế nhưng kinh tế không phải là nguyên nhân chính. Vấn đề là cả hai nước không thể bỏ qua điều cốt lõi trong chính sách đối ngoại của mình dành cho nhau: ngăn chặn nguy cơ đe doạ từ đối thủ.

 

Chưa hết, trong thời gian qua, khi Trung Quốc liên tiếp có những bước đi nhằm hiện đại hoá nền quốc phòng thì Nhật cũng vội vàng "sắp xếp lại" nền công nghiệp quân sự nước mình.

 

Thực tế những ngày qua cho thấy, cả hai nước dường như đã xác định rõ: có thể thiệt thòi đôi chút về kinh tế, nhưng nhất quyết phải không để đối thủ mạnh hơn và tăng sự đe doạ với an ninh khu vực, an ninh quốc gia.

 

Trong khi đó, Hàn Quốc, vốn không phải là đối thủ của cả Trung Quốc và Nhật Bản về mặt quốc phòng, cũng lại tỏ thái độ bất đồng với Nhật Bản. Với quân Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc và với sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ, Hàn Quốc dường như có thể chỉ trích bất cứ ai trong số 2 nước trên, miễn là có lý do chính đáng. Lần này là Nhật.

 

Theo NHQ

Vietnamnet/FT, Guardian

Dòng sự kiện: China - Japan Relations

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm