1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Donald Trump sẽ thắng Hillary Clinton?

Một cuộc "đấu chung kết" giữa Donald J. Trump và Hillary Clinton là điều chắc chắn sẽ diễn ra, sau khi tỷ phú Mỹ giành chiến thắng quyết định ở Indiana.

Tuy nhiên, theo đánh giá của tờ NY Times, Donald Trump sẽ bước vào cuộc đấu với nhiều bất lợi lớn.

Ảnh: AP/NY Times
Ảnh: AP/NY Times

Theo các cuộc khảo sát ý kiến về cuộc bầu cử "chung kết" tháng 11, hiện ông Trump đang "chạy" sau bà Clinton khoảng 10 điểm phần trăm, cả trên toàn quốc và những bang chủ chốt. Nhưng từ nay đến Ngày Bầu cử vẫn là một đoạn đường dài, và trong những chặng đua vừa qua, nhiều lần ứng viên Cộng hòa gây tranh cãi đã lật ngược thế cờ một cách ngoạn mục.

Thăm dò cho thấy, Trump thậm chí còn yếu thế ở một số bang mà Mitt Rommey từng chiến thắng năm 2012, chẳng hạn như Bắc Carolina, Arizona, Missouri và Utah. Vậy liệu ông có vượt qua được đối thủ Đảng Dân chủ? Rất có thể, bởi bản thân Hillary Clinton không phải chỉ toàn lợi thế. Vị trí dẫn đầu của bà hiện tại mới chỉ là tạm thời và lịch sử bầu cử Mỹ đã nhiều lần chứng kiến một sự đảo chiều ngoạn mục khỏi con số 10 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, bất lợi của Trump là ông khiến nhiều người thấy sợ. Họ có thể không thích cựu Ngoại trưởng nhưng họ không thấy tin tưởng ở Trump. Do vậy, để có cơ hội thì trùm bất động sản Mỹ sẽ cần phải thay đổi được thực tế này.

Vấn đề lớn nhất của Trump là, ông sẽ trở thành ứng viên "bị ghét" nhất của phe Cộng hòa thời hiện đại, với gần 2/3 người cho biết họ không ưa ông. Hơn một nửa "rất không thích", thậm chí nói rõ họ "sợ" những ứng viên như ông.

Tỷ lệ ủng hộ dành cho Trump cũng tồi tệ chưa từng có ở tầng lớp cử tri trẻ và không phải dân da trắng, đặc biệt những người có học - nhóm người đã giúp Tổng thống Barack Obama tái cử cách đây 4 năm.

Rõ ràng, Hillary Clinton không phải tự nhiên được "thừa hưởng" những người từng bỏ phiếu cho Obama, đặc biệt là giới trẻ vốn ưa thích Thượng nghị sĩ Bernie Sanders hơn trong cuộc bầu chọn ứng viên đại diện của Đảng Dân chủ. Nhưng vì họ không ưa Trump nên bà đã may mắn được họ ủng hộ, thậm chí với tỷ lệ cao hơn so với Obama khi ông tái cử nhiệm kỳ 2.

Sức mạnh của cựu Đệ nhất Phu nhân Mỹ trong giới trẻ, phi da trắng và có học đã đủ khiến bà có lợi thế vượt trội. Do vậy, con đường dẫn tới Nhà Trắng của phe Cộng hòa càng trở nên eo hẹp hơn. Các thành viên đảng này phải tận dụng tối đa số cử tri da trắng, như Ronald Reagan đã từng làm được trong chiến thắng tái cử "long trời lở đất" năm 1984, thì mới có thể cạnh tranh được trong một đất nước mà ngày nay sắc tộc đa dạng hơn nhiều. Người da màu có thể chiếm tới gần 30% tổng số cử tri trong cuộc bầu cử năm nay, cao hơn nhiều so với con số 14% năm 1984.

Nhưng khả năng Trump thất bại còn nằm ở chỗ, ông vẫn đang phải chật vật lấy lòng nhóm cử tri từng ủng hộ Romney, đặc biệt là phụ nữ da trắng và những người da trắng học cao. Một thăm dò mới đây của ABC/Washington Post cho thấy, Trump chỉ nhận được tỷ lệ ủng hộ 29% trong phụ nữ da trắng và 23% trong số những người da trắng tốt nghiệp đại học, trong khi chịu tới 68% và 74% (lần lượt) không thiện cảm.

Trump cũng bị bỏ lại xa phía sau trong một cuộc thăm dò ở Utah, một bang Cộng hòa thuộc diện có trình độ học vấn tốt nhất ở Mỹ. Không chắc cử tri nơi đây sẽ bỏ phiếu cho Hillary Clinton nhưng sẽ là vấn đề lớn khi một thành viên Cộng hòa không được ưa thích ở một bang mà các ứng viên Dân chủ chưa từng chiếm được quá 34% số phiếu trong suốt 11 cuộc bầu cử Tổng thống gần đây nhất.

Mục tiêu mà chiến dịch của ông Trump đặt ra là giành được những bang thiên về phe Dân chủ như Pennsylvania, Michigan và Ohio có vẻ như không mấy hứa hẹn. Một phần là bởi ông gặp khó với các cử tri da trắng có học. Ngoài ra còn bởi ông không thể kết nối được với những thành viên Dân chủ thuộc tầng lớp lao động theo cách mà chiến dịch từng hy vọng.

Vấn đề nữa mà Trump phải đối mặt là "cơn thịnh nộ" khiến ông thành công ở vòng bầu cử sơ bộ Đảng Cộng hòa sẽ không còn mang lại hiệu quả như vậy ở chung cuộc.

Trong khi đó, đa số người Mỹ giờ đây đang tín nhiệm năng lực của ông Obama - cải thiện lớn so với vị thế của đương kim Tổng thống Mỹ trong cuộc thăm dò trước bầu cử giữa kỳ. Một khảo sát của ABC/Washington Post cho thấy, chỉ 24% người Mỹ bực tức với chính phủ liên bang.

Cũng không có nhiều bằng chứng cho thấy người Mỹ bất mãn với thực trạng kinh tế của đất nước hiện nay. Tỷ lệ thất nghiệp đang là 5% trong khi giá khí đốt rất thấp. Các chỉ số về niềm tin kinh tế và tiêu dùng khá tốt.

Tất cả những điều kể trên được đánh giá là lợi thế của Hillary Clinton.

Theo Thanh Hảo

Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm