1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đòn "ngoại giao tẩy chay" của Trung Quốc trước nguy cơ bị điều tra Covid-19

(Dân trí) - Việc Australia kêu gọi điều tra quốc tế về nguồn gốc của Covid-19 có thể đẩy nước này vào cuộc chiến “ngoại giao tẩy chay” với Trung Quốc với những hệ quả khó kiểm soát.

Đòn ngoại giao tẩy chay của Trung Quốc trước nguy cơ bị điều tra Covid-19 - 1

Quan hệ giữa Australia và Trung Quốc gia tăng căng thẳng gần đây liên quan tới vấn đề điều tra nguồn gốc Covid. (Ảnh: Financial Times )

Chỉ vài ngày sau khi chính phủ Thủ tướng Australia Scott Morrison kêu gọi sự ủng hộ toàn cầu đối với cuộc điều tra độc lập về đại dịch Covid-19, Đại sứ Trung Quốc tại Australia Cheng Jingye đã “phản pháo” bằng một lời cảnh báo cứng rắn.

Ngoại trưởng Australia Marise Payne ngày 19/4 kêu gọi mở một cuộc điều tra quốc tế nhằm “xác định nguồn gốc của virus corona chủng mới, cách ứng phó cũng như sự minh bạch của thông tin được chia sẻ”. Theo Reuters, bà Payne cũng bày tỏ quan ngại về tính minh bạch của Trung Quốc trong việc xử lý đại dịch Covid-19 sau khi dịch này bùng phát tại thành phố Vũ Hán hồi cuối năm ngoái.

Đại sứ Cheng nói rằng khách du lịch Trung Quốc có thể sẽ suy nghĩ lại về việc tới Australia và các phụ huynh Trung Quốc có thể sẽ cân nhắc việc cho con học tập tại một đất nước mà họ xem là “không thân thiện, thậm chí thù địch”. Ngoài ra, ông Cheng cho biết các mặt hàng rượu và thịt bò có thể bị “tổn thương” trước làn sóng tẩy chay của người Trung Quốc.

Thông điệp phía sau tuyên bố của Đại sứ Trung Quốc rất rõ ràng: Nếu chính phủ Australia không từ bỏ đề xuất điều tra “mang động cơ chính trị”, nền kinh tế của nước này sẽ chịu thiệt hại.

Trước đây, giới chức Trung Quốc từng có tiền lệ phát động cái gọi là “ngoại giao tẩy chay”, trong đó những tranh cãi về chính trị được gắn liền với phản ứng của người tiêu dùng tại đại lục.

Tại Australia, mối đe dọa tẩy chay từng phủ bóng lên chính quyền của cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull hồi năm 2017, khi đạo luật chống sự can thiệp từ bên ngoài, được cho là nhắm tới Trung Quốc, khiến quan hệ song phương trở nên căng thẳng.

Theo ABC News, tác động của chính sách ngoại giao tẩy chay có thể rất khốc liệt.

Hàn Quốc từng chứng kiến số khách du lịch Trung Quốc tới nước này giảm một nửa hồi năm 2017, sau khi Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh.

Hàng loạt hàng hóa của Hàn Quốc, từ xe ô tô cho tới mỹ phẩm hay rượu, đều bị tẩy chay hàng loạt tại Trung Quốc, mặc dù giới chức Trung Quốc liên tục phủ nhận có sự tham gia của chính phủ nước này, mà chỉ nói rằng đó là phản ứng giận dữ từ người dân Trung Quốc.

Australia có chịu chung số phận với Hàn Quốc?

Đối với Australia, những hàng hóa và dịch vụ dễ bị tổn thương nhất trước làn sóng tẩy chay là những mặt hàng mà bên mua tương đối dễ thay thế, trong khi bên bán sẽ phải mất rất nhiều chi phí nếu chuyển sang các thị trường khác.

Điều này đồng nghĩa với việc các vật liệu thô (như quặng sắt trong trường hợp của Australia) hay các nguyên liệu sản xuất (như chất bán dẫn trong trường hợp của Hàn Quốc) sẽ ít có khả năng bị tẩy chay, vì việc tìm nguồn cung thay thế trong khoảng thời gian ngắn có thể rất khó khăn và đắt đỏ.

Thực tế cho thấy Đại sứ Trung Quốc dường như cũng không đề cập tới rủi ro đối với hoạt động xuất khẩu sắt, than đá và khí đốt của Australia.

Tuy nhiên, ngành du lịch của Australia sẽ dễ bị tổn thương hơn trước đòn tẩy chay của Trung Quốc, tương tự Hàn Quốc trước đây.

Cuộc nghiên cứu của ABC News chỉ ra rằng, ngành du lịch của Hàn Quốc bị ảnh hưởng không chỉ đơn thuần do khách du lịch Trung Quốc yêu nước từ chối đến Hàn Quốc, mà vì các nhà chức trách Trung Quốc đã “âm thầm” chỉ đạo các hãng lữ hàng không bán các chương trình du lịch cho khách tới Hàn Quốc.

Du khách riêng lẻ không bị hạn chế, do vậy Hàn Quốc vẫn ghi nhận hơn 4 triệu lượt khách Trung Quốc hồi năm 2017, bất chấp lệnh cấm du lịch theo nhóm.

Trong trường hợp này, chính sách ngoại giao tẩy chay của Trung Quốc không có tác dụng nhiều với hành vi độc lập của người tiêu dùng, mà phụ thuộc vào các biện pháp hạn chế có chủ đích do Bắc Kinh đưa ra.

Nếu các biện pháp hạn chế tương tự được Bắc Kinh áp dụng với khách du lịch tới Australia, Australia cần lưu ý rằng khách du lịch đi theo nhóm chiếm chưa đầy một nửa trong số du khách Trung Quốc và đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây.

Lĩnh vực giáo dục

Đòn ngoại giao tẩy chay của Trung Quốc trước nguy cơ bị điều tra Covid-19 - 2

Australia là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất với sinh viên Trung Quốc. (Ảnh: AFP)

Mặc dù chất lượng của các trường đại học Trung Quốc dần tăng lên, song Trung Quốc hiện chỉ có 3 trong nhóm 100 trường đại học, và 7 trong nhóm 250 trường đại học tốt nhất thế giới. Trong khi đó, Australia lần lượt có 6 và 12 trường.

Mỹ, nơi từng là lựa chọn hàng đầu của các sinh viên Trung Quốc muốn theo học ở nước ngoài, đang có nhiều chính sách khiến nước này không còn là điểm đến hấp dẫn với sinh viên Trung Quốc.

Khi số trường đại học dạy bằng tiếng Anh với chất lượng giáo dục cao không còn nhiều, chính sách ngoại giao tẩy chay của Trung Quốc có lẽ chưa đủ mạnh để khiến các bậc cha mẹ Trung Quốc, những người vốn nuôi nhiều tham vọng, từ bỏ các cơ sở giáo dục tại Australia.

Ngay cả khi Trung Quốc có thể tìm cách làm nản chí các sinh viên bằng cách ban hành cảnh báo hạn chế đi lại và tăng cường giọng điệu chỉ trích trên truyền thông, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy Bắc Kinh can thiệp trực tiếp vào lĩnh vực này.

Hơn nữa, việc tăng cường tẩy chay Australia trong lĩnh vực du lịch và giáo dục càng thổi bùng tư tưởng phân biệt chủng tộc nhằm vào người châu Á. Điều này có thể khiến các gia đình hoặc công dân Trung Quốc tại Australia cảm thấy không được chào đón và không an toàn.

Cẩn trọng trong thời kỳ Covid-19

Đại sứ Trung Quốc cũng đề cập tới thịt bò và rượu, hai mặt hàng tiêu dùng rất dễ thay thế. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu người tiêu dùng Trung Quốc có tẩy chay và loại bỏ các sản phẩm này của Australia hay không.

Thủ tướng Morrison ngày 29/4 khẳng định Australia sẽ tiếp tục thúc đẩy việc mở cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của dịch Covid-19, bất chấp cảnh báo “tẩy chay” từ Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Australia cho rằng cuộc điều tra là động thái “hợp lý” và không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào.

Mặc dù vậy, theo ABC News, chính phủ Australia vẫn nên xem xét cảnh báo của Đại sứ Cheng một cách nghiêm túc, không chỉ bởi những hệ quả mà người tiêu dùng Trung Quốc có thể gây ra, mà còn tính đến những cách thức mà Bắc Kinh có thể thực hiện nhằm gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu Australia.

Điều này càng đáng lưu tâm hơn khi Trung Quốc hiện vẫn là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Hơn nữa, Australia đang phải đối mặt với nhiều tác động tiêu cực về kinh tế do lệnh phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19, sau khi ghi nhận ít nhất 88 ca tử vong và 6.738 ca nhiễm, theo Worldometers.

Thành Đạt

Tổng hợp