"Đòn giáng" kép trút xuống dân thường Gaza trong những ngày bom đạn rực lửa
(Dân trí) - Chiến sự leo thang đúng vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát khiến người dân ở Dải Gaza càng hứng chịu thêm nhiều khó khăn.
Cũng như hàng nghìn người khác ở Gaza, Umm Jihad Ghabayin cùng các con vội vã rời bỏ nhà cửa để sơ tán khỏi đợt oanh tạc của Israel mà không mang theo bất kỳ vật dụng cần thiết nào, chứ đừng nói đến khẩu trang để phòng dịch Covid-19 đang hoành hành.
Để đáp trả hỏa lực từ Gaza, các cuộc không kích của Israel đã tấn công các khu vực đông đúc của người Palestine kể từ khi chiến sự bắt đầu leo thang giữa quân đội Israel và lực lượng vũ trang Hamas của Palestine hôm 10/5.
Theo Sputnik, cơ quan y tế Gaza cho biết các cuộc giao tranh trong hơn 1 tuần qua khiến ít nhất 219 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương tại Palestine.
Khi những tòa nhà cao tầng bị bom đạn đánh sập và trong phút chốc biến thành đống đổ nát, nỗi lo sợ về đại dịch Covid-19 lập tức bị "thế chỗ" bởi mối đe dọa nguy hiểm hơn từ các cuộc không kích chết người.
"Tất nhiên tôi sợ bị nhiễm virus corona, nhưng virus vẫn còn dễ đối phó hơn tên lửa của Israel", MsGhabayin, một bà mẹ 6 con, cho biết.
"Tên lửa giết chết chúng tôi", một trong những đứa con của MsGhabayin cho biết thêm.
Các cuộc không kích của Israel đã phá hủy hàng loạt cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm cả nước và điện, ở Dải Gaza - vùng đất nghèo nàn, đông đúc và là nơi sinh sống của khoảng 2 triệu người Palestine.
Sau khi tháo chạy khỏi nhà, Ghabayin đã tìm nơi trú ẩn tại một trường học do Liên Hợp Quốc hỗ trợ, nơi cô cảm thấy an toàn hơn trước các cuộc không kích, nhưng cũng thừa nhận nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao.
"Kể từ khi chúng tôi đến đây hôm 14/5, chúng tôi chưa tắm một lần nào. Nước bị cắt hàng tiếng đồng hồ và hoàn toàn mất vệ sinh", người phụ nữ 34 tuổi nói với AFP.
"Tâm chấn" Covid-19
Bên trong các trường học - nơi bị biến thành chỗ trú ẩn và trên những con phố bị tàn phá bởi bom đạn ở Gaza, rất ít người nghĩ đến việc đeo khẩu trang.
"Các cuộc tấn công liên tục của Israel đang làm suy yếu nỗ lực của chúng tôi trong việc chống dịch Covid-19", Ashraf al-Qudra, phát ngôn viên cơ quan y tế Gaza, cho biết.
Khu vực Gaza đã ghi nhận một số trường hợp mắc Covid-19 trong những tháng đầu khi đại dịch mới bùng phát.
Israel và Ai Cập vốn kiểm soát chặt chẽ việc tiếp cận Gaza. Trong khi đó, các biện pháp do Hamas triển khai ban đầu đã làm chậm sự lây lan của virus.
Tuy nhiên, tại một nơi còn gặp nhiều khó khăn với hạ tầng y tế yếu kém như Gaza, việc kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu không dễ dàng.
Trước khi đụng độ vũ trang giữa Hamas và Israel leo thang tuần trước, tỷ lệ xét nghiệm Covid-19 có kết quả dương tính tại Gaza thuộc hàng cao nhất thế giới, 28%, và các bệnh viện luôn quá tải bệnh nhân.
Theo Reuters, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hơn 100.000 người đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona ở Gaza, trong đó hơn 930 người đã chết.
Theo Adnan Abou Hasna, phát ngôn viên của cơ quan Liên Hợp Quốc về người tị nạn Palestine, các trường học , nơi được chuyển đổi thành chỗ trú ẩn cho hơn 40.000 người Gaza di tản, có thể trở thành "tâm chấn" của đại dịch Covid-19.
Mặc dù các trạm rửa tay và các cơ sở vệ sinh khác đã được dựng lên, song ông Hasna thừa nhận những biện pháp này vẫn chưa đủ.
"Quá sức chịu đựng"
Ngày 17/5, cuộc không kích của Israel đã tấn công một phòng khám, trụ sở cơ quan y tế và phòng xét nghiệm duy nhất ở Gaza - nơi đang tiến hành các xét nghiệm Covid-19. 2 bác sĩ đã thiệt mạng và nhiều nhân viên y tế bị thương sau cuộc không kích.
Phát ngôn viên cơ quan y tế Gaza, cho biết cuộc không kích của Israel "làm suy yếu nỗ lực của cơ quan y tế trong đối phó với đại dịch Covid-19", đồng thời "làm đình trệ các xét nghiệm sàng lọc tại phòng thí nghiệm trung tâm".
Trước khi giao tranh giữa Hamas và Israel leo thang từ hơn một tuần trước, các nhà chức trách ở Gaza đã xét nghiệm trung bình khoảng 1.600 người mỗi ngày.
Xung đột cũng đang cản trở việc triển khai vắc xin, khi việc mua sắm của người dân Gaza chủ yếu trông cậy vào chính quyền Palestine có trụ sở tại Bờ Tây và việc cung cấp hàng hóa đi qua lãnh thổ Israel.
WHO cho biết Dải Gaza với 2 triệu dân đã nhận được 122.000 liều vắc xin Covid-19, nhưng hơn một nửa trong số này chưa được tiêm.
Theo số liệu thống kê của cơ quan y tế Gaza, đại dịch Covid-19 khiến hệ thống y tế của khu vực này rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, trong khi các cơ sở y tế đang phải nỗ lực điều trị cho hơn 1.500 người bị thương do các cuộc tấn công của Israel.
Các phòng bệnh trước đây vốn chỉ dành riêng cho bệnh nhân Covid-19 thì bây giờ phải tổ chức lại để xử lý số người thương vong tăng vọt sau các cuộc giao tranh.
Salem Al-Attar, 38 tuổi, đang trú ẩn trong một trường học của Liên Hợp Quốc sau khi nhà của anh bị phá hủy trong một trận không kích. Salem cho biết anh lo sợ điều kiện sống chật chội tại nơi trú ẩn có thể khiến virus lây lan nhanh chóng.
"Tình hình thật thảm khốc," Salem, cha của 6 đứa con, cho biếtt.
Ở phía bên kia sân trường, Umm Mansour al-Qurum đã bật khóc sau khi nhận được điện thoại từ một người hàng xóm rằng, một nửa căn nhà của cô đã bị phá hủy trong một cuộc không kích. Bà al-Qurum đã phải đi sơ tán cùng 30 thành viên khác trong gia đình để tránh bom.
"Tình hình thật quá sức chịu đựng - Covid-19 và chiến tranh xảy ra cùng một lúc. Tôi không thể chịu đựng được nữa", người phụ nữ 65 tuổi cho biết.
Lãnh đạo WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 17/5 cảnh báo, việc bảo vệ cơ sở hạ tầng y tế và nhân viên y tế tại Gaza là yêu cầu bắt buộc "trong mọi trường hợp".
"Điều cần thiết là các tiêu chuẩn nhân đạo quốc tế phải được tôn trọng đầy đủ", ông Tedros nhấn mạnh.