Đòn đáp trả của Nga nếu Mỹ triển khai tên lửa đạn đạo đến châu Âu
Theo tờ Military-Industrial Courier, bất kì sự triển khai tên lửa đạn đạo nào của Mỹ đến châu Âu cũng có thể bị đáp trả bởi một động thái tương tự từ Nga.
Vào hồi tháng 3 năm nay, giới chức Mỹ đã lên tiếng cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) bằng việc triển khai một loại tên lửa hành trình mới có tên gọi SSC-X-8.
Điều này cũng khiến giới chức Mỹ nghĩ ngay tới một biện pháp đáp trả bao gồm việc lắp đặt các hệ thống phòng không hoặc triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) đến châu Âu.
Nếu Mỹ đặt IRBM tại châu Âu, điều này được cho là sẽ vi phạm hiệp ước INF được Moscow và Washington kí vào năm 1987 vì tên lửa Mỹ có thể vươn tới các mục tiêu chiến lược trên lãnh thổ Nga chỉ trong vòng 7 đến 10 phút.
Tuy nhiên, tờ Military-Industrial Courier cảnh báo rằng, Nga cũng sẽ không chịu ngồi yên và sẽ tiến hành triển khai tên lửa đạn đạo đến Bắc Cực, địa điểm mà từ đó, nó có thể vươn tới Mỹ trong vòng 10 phút.
Một biện pháp khác có thể được Nga tiến hành là đưa trở lại phục vụ loại tên lửa đạn đạo tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn 15Zh59 Kuryer do Liên-xô chế tạo.
Lợi thế của loại tên lửa dài 11,2m, nặng 15 tấn đến từ việc từ nó có thể dễ dàng ngụy trang thành một xe chở hàng thông thường và biến mất trước các hệ thống do thám của đối phương.
Mặc dù chương trình này đã được ngừng phát triển từ năm 1991 do thỏa thuận chung giữa Nga và Mỹ, nó vẫn có thể dễ dàng trở lại với mức độ công nghệ cao hơn.
“Không ai, đặc biệt là Nga, muốn điều này xảy ra. Nhưng Mỹ hành động trước, họ sẽ nhận được sự đáp trả giống với chiến dịch Anadyr, trong đó Liên-xô đã bí mật triển khai các tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân đến Cuba vào năm 1962, điều đưa 2 nước đứng trước bờ vực chiến tranh hạt nhân”, Military-Industrial Courier nhận định.
Theo Đặng Vũ
An ninh thủ đô