Đối đầu nảy lửa Iran và Israel: Bên nào thực sự chiếm ưu thế?
(Dân trí) - Lệnh ngừng bắn giữa Israel và Iran có hiệu lực, nhưng dường như đây là một vụ “dàn xếp kết quả”. Vậy bên nào mới thực sự chiếm ưu thế?

Lệnh ngừng bắn giữa Israel và Iran khá mong manh, xung đột có thể tái diễn bất cứ lúc nào (Ảnh minh họa: Getty).
Tổng thống Trump cảm ơn Iran
“Nếu Mỹ tấn công chúng tôi, chúng tôi sẽ tấn công Israel”, đây là thông điệp rõ ràng của lãnh đạo Tehran. Sau khi Mỹ bất ngờ tung máy bay ném bom tàng hình B-2 không kích 3 cơ sở hạt nhân Iran hôm 22/6, Tehran đã phóng 40 tên lửa đạn đạo vào Israel trong suốt cả ngày 23/6.
Iran tuyên bố, họ đã nâng cấp vũ khí tấn công và sử dụng chiến thuật mới để đột phá hệ thống phòng thủ của Israel. Tehran lần đầu tiên sử dụng tên lửa đạn đạo Khorramshahr-4, có sức sát thương cực cao và có thể xuyên qua được hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng của Israel.
Tiếp đó, đêm 23/6, Iran đã “tấn công trả đũa” bằng tên lửa tầm ngắn vào căn cứ Không quân Al Udeid của Mỹ tại Qatar. Họ đã phóng những tên lửa "mạnh mẽ có sức tàn phá", và số lượng tên lửa được phóng đi, tương đương với số lượng bom mà Mỹ đã sử dụng trong cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân Iran.
Tuy nhiên, Qatar cho biết, Iran đã phóng 19 tên lửa vào căn cứ Không quân Al Udeid trong 2 đợt, trong đó, đợt đầu tiên gồm 7 tên lửa đều bị đánh chặn và đợt thứ hai gồm 12 tên lửa, trong đó có 11 tên lửa bị đánh chặn.
Sau đó Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng một thông điệp để “cảm ơn Iran”, vì đã thông báo trước. Cuộc tấn công trả đũa này không gây thương vong, trong 19 tên lửa của Iran đã phóng, trong đó có tổng cộng 18 quả bị đánh chặn và chỉ một quả đã được "thả" một cách thiện chí, vì nó bay theo hướng “không đe dọa”.
Tổng thống Trump cho biết: "Phản ứng trả đũa chính thức của Tehran trước hành động Mỹ phá hủy các cơ sở hạt nhân Iran là rất yếu ớt, điều này đã được Mỹ dự đoán trước".
Iran chọn căn cứ Al Udeid của quân đội Mỹ tại Qatar làm mục tiêu, vì biết rõ đây là căn cứ quân sự có mật độ hỏa lực phòng không thuộc loại “cao nhất thế giới”. Họ cũng đã thông báo trước cho quân đội Mỹ và lo sợ rằng, bất kỳ binh sĩ Mỹ nào thiệt mạng trong vụ trả đũa thì Iran cũng lãnh hậu quả nghiêm trọng.
Căn cứ không quân Al Udeid nằm cách Doha, thủ đô của Qatar 35km và có diện tích 260 ha. Đây là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông. Có 13.000 quân nhân Mỹ đồn trú tại đây quanh năm. Toàn bộ lãnh thổ Qatar là nơi có lực lượng phòng thủ tên lửa mạnh nhất tại Trung Đông, bao gồm Patriot PAC-2, Patriot PAC-3, THAAD, Aster-30 và các hệ thống chống tên lửa và phòng không khác.
Iran đã phóng tên lửa tầm ngắn vào đây, có lẽ không có ý định phá hủy gì, với một vài quả tên lửa như một hành động “tự an ủi”, mang tính biểu tượng, nhằm xoa dịu những cái “đầu nóng” ở Iran. Hiện tại, giá dầu quốc tế đã giảm mạnh và tâm lý thị trường đã trở nên lạc quan.
Có thể thấy rằng, Iran không có ý định tiếp tục chiến đấu, và Israel dường như cũng đã kiệt sức. Trước đó, Tổng thống Israel đã kêu gọi ngừng bắn, và thái độ của Iran đã dịu đi. Ngay cả khi Mỹ đột nhiên ném bom, Iran cũng chỉ phản ứng lấy lệ. Rất có thể Iran và Israel sẽ tạm thời ngừng bắn dưới sự điều phối của Mỹ, cùng “lau máu mũi” để chờ cơ hội chiến đấu trở lại.
Phòng không Mỹ khai hỏa ồ ạt đánh chặn tên lửa Iran ở Qatar (Video: RT).
Bên nào chiếm ưu thế?
Vào lúc 7h sáng 23/6 theo giờ miền Đông nước Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra tuyên bố rằng, Israel và Iran đã đồng ý ngừng bắn toàn diện.
Tổng thống Trump cho biết, lệnh ngừng bắn giữa Iran và Israel sẽ bắt đầu sau 6 giờ nữa, tức là 00h00 giờ miền Đông ngày 24/6 (05h00 giờ GMT).
Phía Iran không chính thức xác nhận hoặc phủ nhận việc tham gia ngừng bắn. Đến 7h sáng, tiếng còi báo động không kích ở Israel đã tắt.
Trước đó, vào đêm 23, rạng sáng 24/6, Iran vẫn tổ chức tấn công tên lửa dồn dập vào nhiều mục tiêu trên lãnh thổ Israel, để đáp trả cuộc tấn công của Tel Aviv vào thủ đô Tehran và các thành phố khác ngày hôm trước.
Như vậy, cho đến nay chế độ ngừng bắn đã được thiết lập, nhưng nó sẽ bền vững đến mức nào, hiện vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ?
Nếu chúng ta đặt giả thiết cho rằng, các cuộc tấn công lẫn nhau sẽ không tiếp tục, thì câu hỏi đặt ra là ai được hưởng lợi nhiều hơn, từ cuộc chiến 12 ngày?
Lựa chọn một: Israel đã thắng
Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 24/6 ra thông cáo xác nhận, họ đã hoàn thành tất cả các mục tiêu của Chiến dịch “Sư tử trỗi dậy” và thành công còn vượt xa tính toán ban đầu. “Israel đã loại bỏ mối đe dọa hiện hữu kép cả về hạt nhân lẫn tên lửa đạn đạo của Iran”, thông cáo nêu rõ.
Quân đội Israel (IDF) đã hạ sát hàng chục sĩ quan cấp cao chủ chốt của quân đội và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), một số nhà vật lý hạt nhân, ném bom (với sự giúp đỡ của Mỹ) một số cơ sở hạt nhân, tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Iran và một số căn cứ quân sự. Các đòn tấn công của Iran có thể khiến chương trình hạt nhân của Iran tụt lùi vài năm, thậm chí cả chục năm.
Tuy nhiên, Israel không đạt được sự thay đổi quyền lực mong muốn. Họ cũng không khiến Iran tan rã thành nhiều phần. Việc phá hủy số lượng uranium đã làm giàu cũng rất khó đánh giá. Iran đã bảo tồn được các trung tâm sản xuất dầu khí quan trọng, và cùng với chúng, hoạt động của nền kinh tế cũng được bảo tồn.
Quân đội Iran đã không tan rã hoặc bỏ chạy, mức độ ủng hộ của công chúng đối với các hành động của chính quyền, không những không sụp đổ mà thậm chí còn tăng lên. Đặc biệt Iran nổi lên là ngọn cờ đầu, trong phong trào chống Israel và Mỹ trong thế giới Hồi giáo.
Lựa chọn thứ hai: Iran đã thắng
Iran đã chứng minh được rằng hệ thống phòng thủ trên không của Israel không phải là bất khả xâm phạm. Iran đã gây ra thiệt hại đáng kể cho Đại học Khoa học Weizmann, trung tâm đầu não của chương trình hạt nhân Israel.
Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và tình báo Mỹ đã nói rõ rằng, Iran không có thông tin về khả năng tạo ra vũ khí hạt nhân của Iran "ngay bây giờ". Trên thực tế, chính quyền Iran đã đứng vững trước sóng gió, đồng thời họ đã và đang thực hiện một chiến dịch lớn, để thanh trừng các điệp viên Mossad.
Tuy nhiên, Iran cũng phải đối mặt với thiệt hại đáng kể, bao gồm cả chương trình hạt nhân của mình. Sự phá hủy tại các cơ sở ở Isfahan, Natanz, Fordow và các cơ sở khác rất khó có thể khắc phục. Ngoài ra, Iran gần như đã tham gia vào một cuộc đối đầu quân sự với Qatar và Ả rập Xê út.
Tất cả những điều kể trên diễn ra chính xác vào thời điểm này. Từ đó, chúng ta có thể kết luận rằng không bên nào có thể được gọi là bên chiến thắng.
Dù vậy, các chuyên gia dự đoán rằng, những mâu thuẫn giữa hai đối thủ "không đội trời chung" sẽ khiến lệnh ngừng bắn trở nên mong manh. Chính Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho rằng cuộc xung đột giữa Israel và Iran có thể sớm tái diễn.
Tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh NATO ở The Hague ngày 25/6, ông Trump cho biết cả Israel và Iran đều đang "kiệt sức" vì xung đột. "Liệu xung đột có thể tái diễn không? Tôi đoán là một ngày nào đó nó có thể. Có lẽ nó sẽ sớm tái diễn", ông Trump nói thêm.