1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Điều gì xảy ra sau "cú sốc Jerusalem" của Mỹ tại Liên Hợp Quốc?

(Dân trí) - Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 21/12 đã thông qua nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Mặc dù chủ yếu mang tính biểu tượng, không ràng buộc như một nghị quyết của Hội đồng bảo an, nhưng nghị quyết này của Đại hội đồng được cho là cũng có những tác động nhất định.

128 thành viên Liên Hợp Quốc phản đối Mỹ công nhận Jerusalem

Nghị quyết nói gì?

Nghị quyết được thông qua tại phiên họp bất thường hôm 21/12 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc với 128 phiếu thuận, 9 phiếu chống, 35 phiếu trắng trong khi 21 thành viên không bỏ phiếu.

Nghị quyết nhấn mạnh, vị thế cuối cùng của Jerusalem phải được giải quyết thông qua đàm phán. Nghị quyết cũng tuyên bố quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem “không có hiệu lực”.

Liên quan đến việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem, nghị quyết “hối thúc tất cả các quốc gia không lập đại sứ quán tại thánh địa Jerusalem”.

Trong số các thành viên bỏ phiếu chống có Guatemala, Honduras, quần đảo Marshall, Micronesia, Palau, Nauru, Togo, Mỹ và Israel. Trong số các thành viên bỏ phiếu trắng có Australia, Canada, Mexico, Argentina, Colombia, Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan, Philippines, Rwanda, Uganda và Nam Sudan.

Trước đó, một nghị quyết như vậy đã bị Mỹ phủ quyết tại Hội đồng bảo Liên Hợp Quốc.

Điều gì xảy ra tiếp theo?

Tổng thống Trump dọa cắt viện trợ các nước phản đối quyết định Jerusalem

CNN nhận định: “Kết quả bỏ phiếu là thất bại nặng nề về uy tín của Mỹ tại Liên Hợp Quốc, tuy nhiên sẽ không thay đổi thực chất gì nhiều”.

Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chỉ là một nghị quyết phản đối quan điểm của Mỹ, mà không phải là một sự thay đổi về chính sách hay một “mệnh lệnh” hành động dứt khoát.

Điều đó có nghĩa là nghị quyết này thực tế mang tính biểu tượng nhiều hơn mặc dù nó vẫn có thể tác động đến nền tảng ngoại giao của Mỹ và mối quan hệ giữa Mỹ với các quốc gia khác cũng như có thể khiến một số nước cân nhắc lại quan điểm về vấn đề Palestine - Israel.

Ngoài ra, điều mà nhiều người quan tâm lúc này là liệu Mỹ có thực sự cắt viện trợ cho các nước thành viên Liên Hợp Quốc “trái ý” Washington hay không. Trước cuộc bỏ phiếu, Tổng thống Trump cảnh báo sẽ cắt viện trợ cho bất cứ thành viên Liên Hợp Quốc nào chống lại Mỹ trong vấn đề Jerusalem.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley nói: “Mỹ sẽ nhớ mãi ngày này, ngày của sự tấn công tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhằm vào chủ quyền của một quốc gia. Chúng tôi sẽ nhớ ngày này khi có những tiếng nói kêu gọi Mỹ hãy là nhà tài trợ lớn nhất của Liên Hợp Quốc. Chúng tôi cũng sẽ nhớ ngày này khi có quốc gia nào đó kêu gọi chúng tôi hãy đóng góp nhiều hơn, sử dụng tầm ảnh hưởng của mình”. Bà Haley cũng tuyên bố, bất chấp nghị quyết của Liên Hợp Quốc, Mỹ vẫn sẽ chuyển đại sứ quán đến Jerusalem theo kế hoạch.

Trong khi đó, Tổng thống Palestine Mahmud Abbas hôm qua tuyên bố người dân Palestine sẽ không chấp nhận bất kỳ kế hoạch hòa bình nào do Mỹ đề xuất liên quan đến căng thẳng Palestine-Israel. Palestine sẽ tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ về vấn đề Jerusalem tại các diễn đàn quốc tế.

Minh Phương

Theo Independent