128 thành viên Liên Hợp Quốc phản đối Mỹ công nhận Jerusalem
(Dân trí) - 128 thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 21/12 đã bỏ phiếu ủng hộ dự thảo nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Reuters dẫn kết quả bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cho biết, tổng cộng 128 thành viên đã bỏ phiếu thuận, 9 thành viên bỏ phiếu chống và 35 thành viên bỏ phiếu trắng trong khi 21 thành viên không bỏ phiếu.
Trong số các thành viên bỏ phiếu chống có Guatemala, Honduras, quần đảo Marshall, Micronesia, Palau, Nauru, Togo, Mỹ và Israel. Trong số các thành viên bỏ phiếu trắng có Australia, Canada, Mexico, Argentina, Colombia, Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan, Philippines, Rwanda, Uganda và Nam Sudan.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã gọi cuộc bỏ phiếu này là “chiến thắng lịch sử cho Palestine”. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng cho rằng, kết quả bỏ phiếu cho thấy sự phản đối rõ ràng của cộng đồng quốc tế với quyết định của Mỹ về Jerusalem.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lên tiếng phản đối cuộc bỏ phiếu này.
128 thành viên Liên Hợp Quốc phản đối Mỹ công nhận Jerusalem
Trước đó, hôm 6/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chỉ thị chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem.
Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng, quyết định này nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Trung Đông và rằng Mỹ vẫn theo đuổi các cuộc đàm phán Palestine-Israel. Trong khi đó, giới chức Ả rập chỉ trích động thái của Washington có thể là “mồi lửa” làm thổi bùng lên căng thẳng ở khu vực.
Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đầu tuần này cũng bỏ phiếu một dự thảo nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại quyết định công nhận Jerusalem. Tuy nhiên, Mỹ đã phủ quyết dự thảo.
Trước thềm cuộc bỏ phiếu hôm qua tại Đại hội đồng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo, Mỹ sẽ cắt viện trợ với các thành viên Đại hội đồng nếu chống lại Washington.
Mỹ là một trong 5 thành viên có quyền phủ quyết trong Hội đồng bảo an nhưng lại không có quyền như vậy trong Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, nghị quyết của Đại hội đồng không mang tính ràng buộc như của Hội đồng bảo an, do vậy kết quả bỏ phiếu sẽ chỉ mang tính biểu tượng.
Minh Phương
Tổng hợp