Điều gì sẽ đến nếu Syria bị Mỹ tấn công?
(Dân trí) – Những ngày này, cả thế giới đang nín thở dõi theo từng cử động của Nhà Trắng. Syria đang tiến gần nhất tới bờ vực của một cuộc tấn công quân sự từ bên ngoài, một cuộc chiến mới chồng lên cuộc nội chiến đã kéo dài hơn 2 năm qua ở nước này.
Quân chính phủ Syria tại Jobar ngày 24/8. Ảnh: THX/TTXVN
Phải thừa nhận, vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô thủ đô Damascus đêm 20, rạng sáng 21 tháng 8 khiến hơn 1.400 người thiệt mạng đã làm thay đổi hoàn toàn “cuộc chơi” chiến tranh tại Syria. Từ chỗ chỉ là cuộc nội chiến giằng co giữa quân đội chính phủ và lực lượng đối lập do phương Tây và một số thế lực khu vực hậu thuẫn, giờ đây cuộc chiến ở Syria đã rẽ sang một ngả mới với sự tham gia của các lực lượng bên ngoài mà chủ lực là Mỹ và châu Âu. Liên tục các tuyên bố và hành động quân sự đã diễn ra trong những ngày qua với những diễn biến khó đoán định.
Những biến chuyển khôn lường
Cụ thể là trong suốt 10 ngày kể từ khi xảy ra vụ tấn công, dù chưa biết rõ bên chính thức sử dụng vũ khí giết người hàng loạt, nhưng nhất cử nhất động ở Syria đều bị phương Tây đẩy lên mức quốc tế hóa. Lấy cớ “bảo vệ dân thường Syria”, Mỹ và nhiều nước, trong đó có Anh và Pháp, đã liên tiếp “điều binh, khiển tướng” tại các vùng biển quanh quốc gia Trung Đông này..
Và tính đến ngày 1/9, Mỹ đã điều 5 tàu khu trục, 1 tàu vận tải đổ bộ, 1 tàu sân bay hạt nhân cùng vô số tên lửa Tomahawk, máy bay chiến đấu đến Địa Trung Hải và Biển Đỏ, hình thành rõ rệt hai gọng kìm siết chặt Syria.
Trong khi đó, dù luôn nói rằng sẽ tôn trọng và chờ đợi kết quả điều tra chính thức của đội thanh sát viên vũ khí hóa học Liên hợp quốc (LHQ) vừa trở về từ Syria sau nhiều ngày thu thập mẫu phẩm, song những tuyên bố cứng rắn của các bên cho thấy dường như quyết định tấn công Syria không nằm trên mặt bàn của Hội đồng Bảo an LHQ, mà ở trong quyết định chính trị của chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Điều này được nhìn thấy trong nhiều phát biểu gần đây của giới chức cấp cao Mỹ về khả năng phát động tấn công Syria và việc rốt ráo “bài binh, bố trận” trong khu vực.
Trong phát biểu mới nhất, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry còn khẳng định: “Hoa Kỳ có đủ bằng chứng về việc sử dụng khí độc thần kinh sarin ở Syria”. Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel tuyên bố “sẵn sàng hành động khi nhận được quân lệnh từ Tổng thống Obama”, người cũng nắm giữ cương vị Tổng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ. Cũng như ông Kerry, ông Hagel khẳng định vũ khí hóa học đã được sử dụng trên quy mô lớn tại Syria, cho thấy chính quyền Syria đã hiển nhiên vi phạm “lằn ranh đỏ” do đích thân Tổng thống Obama ấn định cách đây hơn một năm.
Nhưng phát động chiến tranh dễ, kết thúc mới khó. Có lẽ vì biết rõ tính chất và mức độ mạo hiểm của cuộc tấn công này nên khi nhận được thư kêu gọi của 140 thành viên Hạ viện yêu cầu Tổng thống phải thực hiện đúng phận sự theo Hiến định, Tổng thống Obama đã quyết định đi một nước cờ vô cùng khôn ngoan. Thay vì đưa ra lệnh phát động tấn công, ông đã đẩy “quả bóng trách nhiệm” sang Quốc hội, cho dù không nhất thiết phải làm như vậy.
Không chỉ thế, người đứng đầu Nhà Trắng còn không quên nhấn mạnh rằng nếu phát động tấn công - trong trường hợp không còn lựa chọn nào khác - thì đây cũng chỉ là hành động quân sự có giới hạn và mang tính cảnh cáo, chứ không phải hủy diệt.
Bằng cách này, ông Obama vừa có thể làm yên lòng các ông nghị Mỹ trước khi diễn ra phiên bỏ phiếu vào ngày 9/9 tới, vừa khích lệ các đồng mình phương Tây yên tâm tham chiến cùng Mỹ trong chiến dịch tấn công Syria. Ngoài ra, nhà lãnh đạo nước Mỹ cũng ngầm gửi đi thông điệp tới chính quyền Damascus và các đồng minh trong khu vực rằng sẽ không có chuyện lật đổ chế độ Assad bằng vũ lực hay khơi mào cho một cuộc đại chiến thế giới lần thứ III.
Nếu kịch bản đi đúng theo hướng này, tức là Mỹ có thể lãnh đạo đồng minh tấn công chớp nhoáng Syria, khi đó chính quyền Obama không chỉ giữ được thể diện cho mình, mà còn tránh bị cuốn vào vòng xoáy xung đột mới ở khu vực vốn đã có quá nhiều mâu thuẫn và hoài nghi đan xen trong các mối quan hệ phức tạp. Nói như lời Tướng quân đội Pháp đã về hưu Vincent Desportes, nước Mỹ không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước hành vi vượt lằn ranh đỏ rõ như ban ngày của chính quyền Damascus, vì nếu không uy tín của Mỹ sẽ bị sụp đổ.
Tuy nhiên, những toan tính của Mỹ và phương Tây chưa chắc đã trùng với suy nghĩ của chính quyền Damascus và các đồng minh của Syria trong khu vực như Iran, lực lượng Hezbollah hay phong trào Hamas ở Dải Gaza. Nó thể hiện ở tuyên bố của một nhà lãnh đạo cấp cao Iran mới đây khi ông nói rằng: “Tấn công Syria cũng có nghĩa là tấn công vào thế giới Arập và Hồi giáo”.
Vậy là, trong khi hiện tại chưa thể biết chắc điều gì sẽ đến với Syria thì một hậu quả nhãn tiền đã được cảnh báo nếu chiến tranh thực sự xảy ra. Đó là phạm vi khói lửa sẽ không dừng ở Syria mà lan rộng ra toàn khu vực chảo lửa Trung Đông.
Điều gì sẽ đến nếu Syria bị tấn công?
Trong cuộc nội chiến kéo dài 29 tháng qua tại Syria, đây không phải là lần đầu tiên nước này đứng sát bờ vực chiến tranh, nhưng quả thực chưa lần nào Mỹ, Anh, Pháp lại phản ứng quyết liệt như lần này.
Với lời khẳng định chắc chắn rằng chính quyền của Tổng thống al-Assad đã sử dụng khí độc hủy hoại thần kinh sarin, Mỹ quả quyết kế hoạch trừng phạt Syria đã sẵn sàng, cho dù không nhận được sự ủng hộ của HĐBA, nơi họ vấp phải phản ứng quyết liệt của Nga và Trung Quốc trong việc đưa ra bất kỳ hành động quân sự nào chống Syria.
Mỹ nhiều lần khẳng định việc sử dụng vũ khí hóa học là hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, là tội ác chống lại loài người và phải bị lên án, trừng phạt. Đó là điều không cần bàn cãi.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng điều trước tiên hiện nay là phải tôn trọng kết quả điều tra của LHQ, tôn trọng và khẳng định vai trò của HĐBA trong các vấn đề liên quan đến chiến tranh và hòa bình. Trong khi LHQ hưa đưa ra kết luận về bên sử dụng vũ khí hóa học ở Syria, thì việc một số nước phương Tây khăng khăng gán tội cho chính quyền của Tổng thống Assad chỉ càng khiến vấn đề thêm rối ren và đẩy cuộc khủng hoảng vượt khỏi tầm kiểm soát.
Hơn nữa, cũng cần phải nhớ rằng quy luật của chiến tranh là leo thang. Chẳng ai dám chắc cuộc tấn công Syria, nếu nổ ra, sẽ chỉ dừng lại ở những mục tiêu đã định như Tổng thống Obama tuyên bố mà không lan rộng hơn. Các nhà phân tích cảnh báo, nếu Syria bị tấn công, nó sẽ làm bùng nổ thêm các cuộc chiến nữa ở Trung Đông và gây hậu quả nghiêm trọng cho toàn khu vực.
Đối với Syria, nguy cơ chiến tranh khiến người dân nước này đang hối hả tích trữ lương thực và hàng hóa thiết yếu. Các ngân hàng đông nghẹt người đến giao dịch, trong khi những dòng người đứng chờ tại các máy rút tiền tự động ngày một dài thêm. Hàng triệu người dân Syria, có lẽ chiếm tới 1/3 dân số đã phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán sang các quốc gia láng giềng. Một thế hệ trẻ em Syria đang phải đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng và thiếu giáo dục vì phải theo cha mẹ chạy loạn.
Không những thế, các nhà phân tích cho rằng giải pháp chiến tranh đối với Syria cũng không thể giải quyết được vấn đề mâu thuẫn nội bộ hiện nay ở nước này. Một cuộc can dự từ bên ngoài chỉ làm tình hình thêm phức tạp hơn. Thực tế cũng cho thấy trong cuộc xung đột ở Syria hiện nay, thật khó để nhận diện trong lực lượng chống đối chính quyền, ai là người thực sự vì đất nước và nhân dân. Đó là chưa kể những phần tử khủng bố cực đoan đang lợi dụng trà trộn vào thành phần này để trục lợi và chính họ sẽ trở thành lực lượng tấn công lại các lợi ích của Mỹ và phương Tây trong khu vực về sau này.
Kịch bản ông al-Assad bị lật đổ và phe đối lập lên nắm quyền cũng sẽ chẳng mang lại điều gì hứa hẹn cho một đất nước vốn bị chia rẽ bởi các phe nhóm, sắc tộc, tôn giáo, những lực lượng quyết không thỏa hiệp trong cuộc tranh giành quyền lực ở Syria. Vì thế, tương lai hỗn loạn thời kỳ hậu chiến ở Syria sẽ giống như Iraq, Afghanistan hay Lybia là điều có thể thấy rõ.
Thực tế từ cuộc chiến ở ba quốc gia này cũng cho thấy chính phủ các nước hiện vẫn đang đứng trước một cuộc khủng hoảng nhân đạo sâu sắc với con số thường dân thiệt mạng lên đến hàng trăm nghìn người.
Còn đối với khu vực và thế giới, tin tức về một cuộc chiến nữa đã khiến các thị trường toàn cầu rung lắc mạnh. Vàng đang chứng kiến những ngày tăng giá chóng mặt, dầu thô nhảy lên mốc cao nhất trong hơn hai năm, trong khi các thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt tụt dốc thê thảm.
Tuy Syria không phải là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt tại Trung Đông, nhưng một khi nước này bị tấn công, việc vận chuyển dầu trong khu vực vốn được xem là trung tâm nhiên liệu của thế giới ít nhiều cũng sẽ chịu tác động. Các nhà phân tích không loại trừ nguy cơ cuộc xung đột ở Syria có thể vượt ra ngoài đường biên giới lãnh thổ để gây bất ổn ở tầm khu vực, dẫn đến một sự gián đoạn về nguồn cung. Đã có những dự báo rằng sản lượng dầu của khu vực (cung cấp tới 35% sản lượng dầu thô thế giới) có thể giảm từ 500.000 – 2.000.000 thùng/ngày nếu bất ổn lan rộng và kéo dài.
Chắc chắn, chiến tranh leo thang ở Trung Đông sẽ làm mất ổn định thị trường năng lượng và tài chính ở khu vực cũng như toàn cầu, từ đó kéo lùi quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế và khắc phục khủng hoảng tài chính của thế giới.
Trong bối cảnh đó, các nhà phân tích cho rằng giải pháp tốt nhất lúc này là tăng cường các nỗ lực ngoại giao để tìm được tiếng nói chung. Cần bằng mọi cách tìm ra giải pháp chính trị lâu dài nhằm bảo đảm sự ổn định và hòa bình bền vững cho Syria, cũng là cho Trung Đông và thế giới.
Đức Vũ