Điều gì chờ đợi người dân ở các vùng Ukraine sáp nhập vào Nga?
(Dân trí) - Nga hoàn tất sáp nhập các vùng đất rộng lớn ở miền Nam và Đông Ukraine sau các cuộc trưng cầu dân ý. Điều này có thể làm thay đổi cuộc sống của hàng triệu người dân chỉ sau một đêm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5/10 chính thức ký thành luật các hiệp ước sáp nhập 4 vùng ly khai của Ukraine gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia. Các thủ tục hợp thức hóa việc sáp nhập được hoàn tất chỉ hơn một tuần sau cuộc trưng cầu dân ý ở các vùng lãnh thổ trên.
Ông Putin từng nói với trang tin Bild của Đức rằng: "Với tôi, biên giới và lãnh thổ quốc gia không quan trọng, mà quan trọng là số phận của người dân nơi đây". Cuộc phỏng vấn khi đó tập trung vào bán đảo Crimea mà Nga đã cho sáp nhập năm 2014.
Giờ đây, Nga sáp nhập các vùng ly khai chiếm tới 15% diện tích lãnh thổ Ukraine. Moscow tuyên bố sẽ dùng mọi cách có thể, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, để bảo vệ các vùng sáp nhập.
Điều gì sẽ xảy ra với hàng triệu người dân Ukraine đang sinh sống ở những khu vực này? Liệu cuộc sống của họ sẽ thay đổi như thế nào?
Lựa chọn bên
Hiện chưa rõ có bao nhiêu người đang sống ở các khu vực của Ukraine sẽ sáp nhập vào Nga, song ước tính con số này có thể lên đến hàng triệu người. Dù cả 4 tỉnh này được sáp nhập đồng thời, song có sự khác biệt ở nhiều mặt. Kể từ năm 2014, hàng trăm nghìn người, chủ yếu là thanh niên, đã rời bỏ vùng ly khai Donbass để chuyển đến Nga hoặc các vùng đất do Ukraine kiểm soát. Những người ở lại là người cao tuổi, không thể di chuyển hoặc ủng hộ lực lượng ly khai thân Nga.
Andreas Umland thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu Stockholm (SCEEUS) cho biết: "Đây sẽ là giấc mơ thành hiện thực đối với một số người, nói cách khác là luôn có một bộ phận dân cư sẽ hợp tác". Dù không có số liệu chính xác, nhưng có vẻ như ở miền Đông Ukraine có nhiều người ủng hộ Nga hơn ở miền Nam.
Một số cư dân ở Donbass ủng hộ việc sáp nhập và họ đang lo ngại có thể vướng rắc rối nếu Ukraine giành lại quyền kiểm soát khu vực này, Serhiy Harmash, tổng biên tập của trang tin tức trực tuyến Ostrow, cho biết. "Những người này sẽ nói rằng họ bỏ phiếu đồng ý bởi vì khi Ukraine giành lại quyền kiểm soát, họ sẽ phải rời đi, khả năng cao là sang Nga". Hiện không rõ có bao nhiêu người bỏ phiếu ủng hộ sáp nhập vì lý do này.
Giống sự thay đổi trong cuộc sống ở Donbass, các vùng Kherson và Zaporizhzhia cũng chứng kiến những thay đổi nhất định về xã hội kể từ khi Nga giành quyền kiểm soát 6 tháng trước. Hàng trăm nghìn người đã sơ tán, nhưng vẫn còn nhiều người ủng hộ Ukraine trong số những người ở lại. Điều này được nhìn thấy rõ ràng nhất khi người dân địa phương tổ chức các cuộc tuần hành ủng hộ Ukraine trong những tuần và tháng đầu tiên khi chiến sự nổ ra.
Năm 2014, khi Crimea được sáp nhập vào Nga, 2/3 dân cư ở đây là người Nga. Tình hình ở miền Đông và Nam Ukraine lại khác khi chưa tới một nửa cư dân ở đây là người Nga. Theo số liệu điều tra dân số năm 2001, hầu hết người dân tộc Nga sống ở các vùng Donetsk và Lugansk, chiếm 40% dân số. Các khu vực Zaporizhzhia và Kherson lần lượt có khoảng 25% và 15% người dân tộc Nga.
Về phía Nga, Bộ Ngoại giao nước này hôm 4/10 cho biết, cư dân ở các vùng mới sáp nhập nếu đang ở nước ngoài sẽ có một tháng để chấp nhận hoặc từ chối trở thành công dân Nga. Tuy nhiên, cơ quan này không nêu rõ liệu biện pháp đối với công dân trở về nhưng từ chối quốc tịch Nga, trang tin Newsweek cho hay. Năm 2014, người dân Crimea cũng có một tháng để đưa ra quyết định sau khi lãnh thổ này chính thức sáp nhập Nga.
Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky hồi đầu tuần khẳng định, chính quyền sẽ đối xử công bằng với mọi công dân Ukraine sống ở các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát. "Nếu người đó không tiếp tay cho đối phương, không phản bội Ukraine, thì không có lý do gì coi họ là đối tượng cấu kết".
Thành trì mới và chính sách "Nga hóa"
Thoạt nhìn, việc sáp nhập vào Liên bang Nga sẽ không thay đổi cuộc sống của người dân ở những tỉnh này, nơi vốn đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga suốt nửa năm qua.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào những gì đã xảy ra ở Crimea, người ta có thể dự đoán những thay đổi trong vấn đề tiền lương hay Nga sẽ cố gắng khôi phục cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Ngày 29/9, Phó Chánh văn phòng Tổng thống Nga Sergey Kiriyenko cho biết, Nga sẽ cấp khoảng 3,3 tỷ rúp cho các dự án hỗ trợ ở các vùng lãnh thổ sắp sáp nhập.
Ngoài ra, Nga được cho là sẽ biến các vùng sáp nhập thành những "thành trì" để củng cố quyền kiểm soát. Thực tế, sau khi sáp nhập Crimea, Nga không ngừng tăng cường phòng thủ cho lãnh thổ này đề phòng các cuộc tấn công của Ukraine. Moscow tuyên bố có quyền bảo vệ lãnh thổ và cùng sáp nhập bằng mọi cách, kể cả vũ khí hạt nhân.
Thêm vào đó, luật pháp, tiền tệ, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, ngôn ngữ và hệ thống giáo dục của Ukraine sẽ dần được thay thế bằng những cơ chế tương đương của Nga. Một trong những mục tiêu lớn được đặt ra là "Nga hóa" những khu vực này về mặt văn hóa.
Cư dân của các vùng lãnh thổ sắp được sáp nhập vào Nga sẽ phải quyết định giữa việc chấp nhận tình hình mới hoặc chống lại nó. Andreas Umland của SCEEUS cho rằng: "Đây sẽ là những quyết định khó khăn vì họ không thể biết trước được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo".
Điều này là bởi không ai có thể nói chắc chắn rằng Nga sẽ còn nắm quyền kiểm soát ở 4 tỉnh này trong bao lâu hay Ukraine có thể giành lại vào một thời điểm nào đó.
Nam giới sống ở các vùng sáp nhập có thể phải nhập ngũ để chống lại chính lực lượng của Ukraine. Nga có thể sẽ tìm cách thử lòng trung thành của dân cư mới ở miền Đông và Nam Ukraine, ví dụ như khi bắt đầu cấp hộ chiếu Nga cho họ. Đây là những gì đã xảy ra ở Crimea và Donbass, nơi Nga kiểm soát từ nhiều năm trước.
Tuy nhiên, các nhà quan sát không cho rằng Nga sẽ thực hiện một cuộc tái định cư lớn tới các khu vực mới được sáp nhập giống như với Crimea. Lý do là giao tranh giữa hai bên vẫn khốc liệt.