1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ngoại trưởng Mỹ tới Triều Tiên: Tiết lộ về cuốn hộ chiếu đặc biệt

(Dân trí) - Phải cam kết giữ bí mật, được cấp hộ chiếu đặc biệt và lịch trình kín đến phút chót là những trải nghiệm khó quên của hai phóng viên có cơ hội tháp tùng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong chuyến đi tới Triều Tiên trong tuần này.

Máy bay chở Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Triều Tiên (Ảnh: AP)
Máy bay chở Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Triều Tiên (Ảnh: AP)

Hai phóng viên Matthew Lee của hãng thông tấn AP và Carol Morello của báo Washington Post đã có cơ hội tháp tùng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong chuyến đi tới Bình Nhưỡng trong tuần này. Trong bài viết được công bố hôm qua 12/5, Matthew Lee đã kể lại những trải nghiệm đặc biệt trong hành trình tới Triều Tiên cũng như sự khác biệt của chuyến đi lần này so với những dịp trước đó, cũng với vai trò là phóng viên của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Dưới đây là phần ký sự của phóng viên Matthew Lee:

Giữ bí mật

Mọi chuyện bắt đầu từ những lời thủ thỉ của các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ. Họ nói với tôi rằng: “Ông hãy đăng ký hộ chiếu mới ngay lập tức đi. Ông sắp đi tới một đất nước mà các hộ chiếu thông thường của Mỹ sẽ không có giá trị sử dụng”.

Mặc dù mọi thứ lúc đó rất mơ hồ, nhưng thông báo mà chúng tôi nhận được từ hôm thứ 6 (4/5) khiến chúng tôi không còn nghi ngờ rằng điểm đến bí mật sắp tới của là Triều Tiên.

Ngoại trưởng Mike Pompeo từng có chuyến thăm bí mật tới Bình Nhưỡng khi ông còn là Giám đốc CIA hồi tháng 4 để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh chưa từng có tiền lệ giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Tới bây giờ, Washingon lại xôn xao với tin đồn rằng ông Pompeo sẽ quay trở lại Bình Nhưỡng để hoàn tất những phần việc chuẩn bị cuối cùng cho hội nghị thượng đỉnh, đồng thời đưa 3 công dân Mỹ về nước sau hơn một năm bị Triều Tiên bắt giữ với cáo buộc có hành động chống phá chính quyền nhà nước Triều Tiên.

Phóng viên Matthew Lee của AP
Phóng viên Matthew Lee của AP

Chuyến đi lần này hóa ra lại là lần thứ hai tôi đến thăm quốc gia bị cô lập. 18 năm trước đây, tôi từng tháp tùng bà Madeleine Albright trong chuyến đi lịch sử của bà tới Triều Tiên. Đây chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ đương nhiệm tới Triều Tiên. Sự kiện kéo dài 2 ngày và có khoảng 80 phóng viên tới đưa tin.

Tuy nhiên, chuyến đi lần này của tôi hoàn toàn khác với trước đó. Đây là một nhiệm vụ bí mật, giấu kín tới phút chót và chỉ có 2 phóng viên Mỹ được cử đi theo với vai trò là nhân chứng độc lập.

Từ sau cái chết hồi năm ngoái của Otto Warmbier, sinh viên Mỹ bị tổn thương não trong thời gian bị giam giữ tại Triều Tiên, các công dân Mỹ bị cấm đi lại tới Triều Tiên nếu không có hộ chiếu với hiệu lực đặc biệt.

Một giờ sau khi nộp các hộ chiếu của mình, Carol Morello của báo Washington Post và tôi đã có trong tay hộ chiếu mới và một bức thư đặc biệt.

“Gửi ông Lee. Bộ Ngoại giao đã thông qua đề nghị ngày 4/5/2018 của ông và xác nhận cho phép ông tới Triều Tiên… Dựa trên thông tin được cung cấp, chúng tôi xác nhận rằng việc cấp phép này phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ”.

Carol và tôi, những người đưa tin cho Bộ Ngoại giao, được yêu cầu đóng gói hành lý và ở trong trạng thái sẵn sàng chờ. Chúng tôi còn không được biết ngày giờ nào sẽ khởi hành. Chúng tôi phải hứa giữ bí mật và được nhắc nhở rằng, chỉ cần bất kỳ thông tin nào liên quan tới việc ông Pompeo quay lại Triều Tiên bị rò rỉ, hai vị trí dành cho báo chí trên máy bay chở ông Pompeo và đoàn tùy tùng sẽ bị bỏ trống.

Tuy vậy, những tin đồn ngày càng rộ lên nhiều vào dịp cuối tuần khi các nhà ngoại giao châu Âu, những người muốn gặp Ngoại trưởng Pompeo để thảo luận về quyết định gần đây của chính quyền Mỹ liên quan tới thỏa thuận hạt nhân Iran, nhận được thông báo rằng ông sẽ rời khỏi Mỹ để thực hiện một chuyến đi liên quan tới Triều Tiên.

Và rồi, ngày thứ 7 và chủ nhật (5-6/5) trôi qua mà không có thêm thông tin gì.

Chuyến đi không lịch trình

Ông Mike Pompeo bắt tay nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong chuyến thăm Triều Tiên hồi tháng 4. Khi đó ông Pompeo vẫn đang giữ chức Giám đôc CIA (Ảnh: Fox)
Ông Mike Pompeo bắt tay nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong chuyến thăm Triều Tiên hồi tháng 4. Khi đó ông Pompeo vẫn đang giữ chức Giám đôc CIA (Ảnh: Fox)

Vào cuối buổi chiều ngày thứ 2 (7/5), chúng tôi nhận được thông tin rằng chúng tôi sẽ khởi hành từ trụ sở ở Foggy Bottom của Bộ Ngoại giao vào lúc 7h45 tối hôm đó. Chúng tôi sẽ bay qua đêm và máy bay sẽ dừng tại Alaska và Nhật Bản để tiếp nhiên liệu trước khi bay tiếp tới Triều Tiên. Bộ Ngoại giao tính dành khoảng 10 giờ đồng hồ cho các hoạt động trên mặt đất. Trong khi đó, các vị quan chức cho rằng có thể sẽ mất tới 24 giờ phụ thuộc vào phía đối tác khó đoán như Triều Tiên.

Cùng với đoàn hộ tống, chúng tôi đã rời khỏi bãi đỗ xe ngầm tại trụ sở Bộ Ngoại giao cùng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Heather Nauert, một phiên dịch viên và các trợ lý của Ngoại trưởng Pompeo. Nơi chúng tôi đến là căn cứ không quân Andrews ở ngoại ô Washington.

Sau khi tới căn cứ Andrews, chúng tôi tiếp tục đợi ông Pompeo. Không lâu sau, máy bay C-32 của Không lực Mỹ - một chiếc Boeing 757 biến thể với phần thân in rõ dòng chữ “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ” và số hiệu 80001 ở phần đuôi xuất hiện. Điểm đến của chúng tôi là Bình Nhưỡng, thủ đô của quốc gia bí ẩn nhất trên Trái Đất.

Chúng tôi bắt đầu hành trình 4 ngày trong khi không hề có lịch trình cụ thể tại Triều Tiên, cũng không có gì đảm bảo rằng Triều Tiên sẽ thả các tù nhân Mỹ hoặc hai nước sẽ đạt được tiến triển về hội nghị thượng đỉnh. Và chúng tôi gần như không được ngủ.

Cố lãnh đạo Kim Jong-il đón cựu Ngoại trưởng Abright tại Bình Nhưỡng năm 2000 (Ảnh: NYT)
Cố lãnh đạo Kim Jong-il đón cựu Ngoại trưởng Abright tại Bình Nhưỡng năm 2000 (Ảnh: NYT)

Khi tôi đến Triều Tiên vào năm 2000 với tư cách là phóng viên của hãng thông tấn Pháp AFP để đưa tin về chuyến đi của Ngoại trưởng Albright, bối cảnh lúc đó rất khác.

Chuyến đi năm đó không yêu cầu hộ chiếu đặc biệt nào. Hàng chục phóng viên hoặc đi cùng chuyến bay với ngoại trưởng hoặc đáp chuyến bay từ Bắc Kinh, Trung Quốc tới Bình Nhưỡng để đưa tin về sự kiện. Nước chủ nhà Triều Tiên đã tổ chức các chuyến tham quan dành cho báo chí tại thủ đô Bình Nhưỡng và một chương trình hoành tráng tại sân vận động do đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong-il chủ trì.

Ngày 15/5, khi máy bay của chúng tôi hạ cánh xuống căn cứ không quân Mỹ tại Yokota, Nhật Bản để thực hiện lần tiếp nhiên liệu thứ hai, Tổng thống Trump chính thức thông báo rằng nhà ngoại giao hàng đầu của ông đang trên đường tới Bình Nhưỡng. Thông tin được đưa ra sau khi ông tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Tổng thống Trump muốn sử dụng chuyến đi của của Ngoại trưởng Pompeo để dập tắt những ý kiến chỉ trích cho rằng, quyết định rút khỏi thỏa thuận Iran đồng nghĩa với việc ông không còn hứng thú đàm phán với các đối thủ.

Sau lần tắm gội chóng vánh bằng nước lạnh, cũng là cơ hội tắm duy nhất của chúng tôi trong suốt 4 ngày, chúng tôi đã lên máy bay rời Nhật Bản, đi thêm 2 tiếng rưỡi trước khi tới sân bay Bình Nhưỡng vào sáng sớm ngày 16/5. Tất cả các phương tiện liên lạc thông thường đều bị ngắt. Mọi người chỉ được mang theo “điện thoại sim rác” với chức năng nhắn tin và vài điện thoại vệ tinh để dùng trong trường hợp khẩn cấp.

Thành Đạt

Theo Dailymail

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm