1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga cảnh báo kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức Nga cảnh báo quyết định của phương Tây cho phép Ukraine tấn công tầm xa vào sâu trong lãnh thổ Nga có thể buộc Moscow phải dùng đến vũ khí hạt nhân.

Nga cảnh báo kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân - 1

Một tổ hợp tên lửa liên lục địa của Nga tham gia duyệt binh năm 2022 (Ảnh: AFP).

Trong một cuộc phỏng vấn với RIA Novosti vào ngày 28/9, Andrey Kartapolov, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Nga, đã bình luận đề xuất gần đây của Tổng thống Vladimir Putin về việc cập nhật học thuyết hạt nhân của Nga.

Theo ông Kartapolov, nếu phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do họ sản xuất tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, mọi phương án đều có thể được đưa ra xem xét khi Moscow tung đòn đáp trả.

"Quyết định sẽ do Tổng tư lệnh đưa ra", ông Kartapolov nói.

Theo ông Kartapolov, còn có những yếu tố khác tác động đến việc Nga quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân và vì lý do này, không thể khẳng định liệu vũ khí hạt nhân có thực sự được sử dụng hay không.

Quan chức Nga cũng cho rằng sự mơ hồ xung quanh tuyên bố của Tổng thống Putin đã gây ra sự hoảng loạn ở phương Tây.

"Các đối tác phương Tây trước đây của chúng tôi đã trở nên lo lắng, vì đây là một tuyên bố nghiêm túc", ông Kartapolov cho biết.

Ukraine từ lâu đã kêu gọi phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga, nhưng cho đến nay vẫn chưa được chấp thuận. Vào tháng 5, Mỹ đã cho phép Kiev sử dụng vũ khí do Washington sản xuất để tấn công các mục tiêu ở Nga nhưng chỉ trong phạm vi rất hạn chế. Quyết định được đưa ra để đáp trả việc Moscow tiến vào khu vực Kharkov của Ukraine.

Tổng thống Putin cảnh báo việc dỡ bỏ các hạn chế đối với những cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga sẽ khiến Mỹ và NATO trực tiếp tham gia vào cuộc chiến công khai với Nga. Ông Putin cho rằng Ukraine phải dựa vào vệ tinh do Mỹ và phương Tây cung cấp để tấn công chính xác.

Theo New York Times, các cơ quan tình báo Mỹ đã cảnh báo chính quyền rằng việc dỡ bỏ hạn chế cho Ukraine có thể dẫn đến phản ứng dữ dội từ Moscow, bao gồm "phá hoại các cơ sở bị nhắm mục tiêu ở châu Âu" và "các cuộc tấn công có khả năng gây tổn thất vào các căn cứ quân sự của Mỹ và châu Âu".

Bất chấp những lo ngại về sự leo thang, Politico đưa tin rằng vấn đề này "vẫn đang được xem xét" tại Nhà Trắng.

Tổng thống Putin trong tuần này cho biết, các nguyên tắc cơ bản về răn đe hạt nhân của Nga cần phải được điều chỉnh để phù hợp với thực tế hiện tại.

Chủ nhân Điện Kremlin chỉ ra, tình hình quân sự và chính trị hiện nay đang thay đổi mạnh mẽ và Moscow phải tính đến điều này, bao gồm cả sự xuất hiện của các mối đe dọa và rủi ro quân sự mới.

Ông Putin nhấn mạnh, Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả một cuộc tấn công thông thường xuyên biên giới lớn có sự tham gia của máy bay, tên lửa hoặc máy bay không người lái. Một cường quốc hạt nhân đối thủ hỗ trợ quốc gia khác tấn công Nga cũng sẽ bị coi là một bên tham gia cuộc tấn công đó.

Nói như vậy, việc phương Tây cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng các tên lửa tầm xa mà họ viện trợ như ATACMS của Mỹ và Storm Shadows của Anh sẽ bị coi là thuộc diện áp dụng quy tắc răn đe hạt nhân của Nga.

Theo RT