1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ lên tiếng về cảnh báo hạt nhân của Tổng thống Putin

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chỉ trích cảnh báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc cập nhật học thuyết hạt nhân.

Mỹ lên tiếng về cảnh báo hạt nhân của Tổng thống Putin - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).

"Hoàn toàn vô trách nhiệm", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trong một cuộc phỏng vấn với MSNBC vào ngày 26/9, đồng thời chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin "làm rung chuyển thanh kiếm hạt nhân".

Ông Blinken cũng cho rằng những tuyên bố của tổng thống Nga được đưa ra không đúng lúc, khi các nhà lãnh đạo thế giới đang tập trung tại New York, Mỹ để tham dự phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tuần này.

Nhà ngoại giao Mỹ kêu gọi cộng đồng quốc tế thảo luận về "nhu cầu giải trừ quân bị, không phổ biến vũ khí hạt nhân nhiều hơn".

Trước đó, Tổng thống Putin cảnh báo, theo phiên bản sửa đổi của học thuyết hạt nhân Nga, bất kỳ hành động gây hấn nào chống lại Nga từ một quốc gia không có vũ khí hạt nhân, nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia có vũ khí hạt nhân, đều có thể được coi là "cuộc tấn công chung" và vượt qua ngưỡng hạt nhân.

Sự thay đổi này ngụ ý rằng các quy tắc mới có thể áp dụng cho một cuộc tấn công của Ukraine vào sâu trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí tiên tiến do Mỹ, Anh hoặc Pháp cung cấp.

Tổng thống Putin cảnh báo, Nga có thể cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân ngay khi nhận được "thông tin đáng tin cậy" về một cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn hoặc cuộc không kích do một quốc gia khác tiến hành nhằm vào Nga.

Ông Putin chưa nêu rõ thời điểm những thay đổi trong học thuyết hạt nhân của Nga sẽ có hiệu lực. Về lý thuyết, học thuyết hạt nhân cho phép Nga sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp một quốc gia khác sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Moscow hoặc nếu "sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa".

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov giải thích rằng, đề xuất cập nhật học thuyết hạt nhân của Tổng thống Putin nhằm cảnh báo các quốc gia phương Tây về việc ủng hộ sự gia tăng hành động gây hấn của Ukraine đối với Nga hoặc đồng minh thân cận của Moscow là Belarus.

"Việc này nên coi là một tín hiệu rõ ràng. Đây là tín hiệu cảnh báo các nước không thân thiện về hậu quả nếu họ tham gia tấn công Nga bằng nhiều phương tiện khác nhau chứ không nhất thiết phải là hạt nhân", ông Peskov cho biết khi được hỏi về mục đích Moscow sửa đổi học thuyết hạt nhân.

Ông Peskov nhấn mạnh, phương Tây không nên đánh giá thấp tính chất nghiêm túc trong các tuyên bố của Tổng thống Putin.

Moscow từng nhiều lần cảnh báo, nếu phương Tây cho phép Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí viện trợ, Nga sẵn sàng đáp trả bằng mọi phương tiện sẵn có, kể cả bằng vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin cũng khẳng định, Nga luôn có cách tiếp cận trách nhiệm cao đối với việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo ông Putin, Nga luôn tìm cách ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân và các thành phần của vũ khí hạt nhân.

Nhà lãnh đạo Nga từ lâu đã thể hiện lập trường thận trọng về vấn đề vũ khí hạt nhân. Hồi tháng 6, ông Putin đã bày tỏ hy vọng rằng "sẽ không bao giờ" xảy ra một cuộc đối đầu hạt nhân giữa Moscow và phương Tây.

Theo RT