Điểm yếu "chết người" của đội tàu chiến Mỹ phái đến bán đảo Triều Tiên
(Dân trí) - Mặc dù mang theo hàng trăm tên lửa hành trình Tomahawk, nhưng nhóm tàu chiến Mỹ điều đến bán đảo Triều Tiên lại không thể bắn hạ tên lửa đạn đạo, Bloomberg dẫn lời chuyên gia cho biết.
Theo thông báo của Nhà Trắng, cuối tuần này, nhóm tàu tác chiến của Mỹ do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu sẽ đến bán đảo Triều Tiên sau khi đã diễn tập quân sự chung với các tàu chiến của Nhật Bản và Hàn Quốc. Hôm qua, tàu ngầm hạt nhân USS Michigan của Hải quân Mỹ cũng đã cập cảng Hàn Quốc.
Các tàu này được cho là có thể mang theo hơn 400 tên lửa hành trình Tomahawk. USS Carl Vinson ngoài ra còn được trang bị các tên lửa chống hạm, máy bay gây nhiễu sóng radar và các máy bay chiến đấu Super Hornet.
Sự hiện diện của các tàu chiến Mỹ được cho là nhằm phô diễn sức mạnh giữa lúc có nhiều đồn đoán rằng Triều Tiên chuẩn bị thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Tuy nhiên, các chuyên gia đã chỉ ra điểm yếu “chết người” của hạm đội này đó là không thể bán hạ tên lửa đạn đạo.
“Một tàu sân bay không thể thay đổi được cục diện. Mặc dù nhóm tàu chiến USS Carl Vinson gây được nhiều sự chú ý nhưng nó sẽ không làm được điều gì đáng kể”, Omar Lamrani, một chuyên gia phân tích tại cơ quan chuyên phân tích địa chính trị Stratfor, nhận định.
Trong khi đó, tàu khu trục USS Wayne E. Meyer, USS Michael Murphy, tuần dương hạm mang tên lửa hành trình USS Lake Champlain đồng hành cùng USS Carl Vinson lại không được trang bị hệ thống trinh sát Aegis có thể phát hiện và theo dõi tên lửa đạn đạo tầm xa, hay hệ thống đánh chặn SM-3 có thể bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm trung hoặc tầm xa.
Hai tàu khu trục JS Samidare và JS Ashigara của Nhật Bản tập trận chung với nhóm tàu chiến của Mỹ cũng không được trang bị hệ thống phát hiện và đánh chặn tên lửa kiểu này, một phát ngôn viên Hải quân Nhật Bản xác nhận. Tom Callender, một chuyên gia phân tích hải quân tại Viện Heritage, cho rằng 3 tàu khu trục lớp Sejong Đại Đế của Hàn Quốc cũng vậy.
Tàu ngầm hạt nhân USS Michigan của Mỹ cập cảng Hàn Quốc ngày 25/4. (Ảnh: Yonhap)
Bloomberg cho rằng, nếu chính quyền của Tổng thống Trump thực sự nghiêm túc về mối đe dọa tên lửa Triều Tiên, Mỹ có thể điều tới bán đảo Triều Tiên một vài hoặc toàn bộ 6 tàu Hải quân vốn đồn trú tại Yokosuka, phía đông Nhật Bản bởi chúng có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo. Chỉ bằng việc điều động các tàu này tới bán đảo Triều Tiên mới có thể phát đi tín hiệu với thế giới rằng Mỹ sẵn sàng ngăn chặn một vụ thử tên lửa Triều Tiên và mới có thể coi là mối đe dọa khẩn cấp với Bình Nhưỡng.
6 tàu này gồm tàu tuần dương USS Shiloh, tàu khu trục USS Stethem, Barry, Benfold, Curtis Wilbur và John S. McCain. Con tàu thứ 7 là tàu khu trục USS Fitzgerald hiện đang tập trận ở vùng biển phía tây Nhật Bản, thông cáo của Hải quân Mỹ cho biết.
Chuyên gia phân tích Hải quân Bryan Clark cho rằng, các tàu này phù hợp để ngăn chặn các tên lửa đạn đạo tầm trung nhằm vào vùng biển Nhật Bản, nơi các tên lửa Triều Tiên từng rơi xuống.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích quốc phòng David Wright cho rằng, các tàu chiến dù trang bị hệ thống Aegis của Mỹ ở Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng không thể đánh chặn tên lửa Triều Tiên ngay khi phóng.
“Aegis không hề có khả năng bắn rơi tên lửa đạn đạo tầm ngắn hoặc tầm trung của đối phương ở giai đoạn tăng tốc. Đến khi tàu chiến Mỹ có thể đánh chặn thì Triều Tiên đã đạt được mục đích là thử tên lửa”, ông Wright nói.
Minh Phương
Theo Bloomberg